THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 12:58

Tai nạn giao thông và đạo đức lái xe

08/01/2019 | 14:55
 
Hình ảnh lái xe container gây vụ tai nạn thảm khốc ở ngã tư Bình Nhựt (Bến Lức, tỉnh Long An) trên Quốc lộ 1A. Ảnh: Internet
 
Tai nạn giao thông dồn dập những ngày đầu năm. Tại sao?
 
Mọi người chưa hết sốc vì tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ thì thông tin và hình ảnh vụ tai nạn khủng khiếp do xe đầu kéo “càn quét” những người chờ đèn xanh ở ngã tư Bình Nhựt (Bến Lức, tỉnh Long An) trên Quốc lộ 1A ập đến. Vụ tai nạn này khiến 6 người tử vong và hàng chục người còn đang nằm viện.
 
Mọi người chưa kịp hoàn hồn sau vụ tai nạn gây ám ảnh đó thì thông tin về vụ nữ tài xế taxi Đỗ Thục Hân, sau tiệc sinh nhật của chính mình, lái xe với tốc độ 107km/h, gây tai nạn khiến 3 người chết tại chỗ và 4 người bị thương. Sự việc xảy ra trên quốc lộ 20, thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
 
Ngày 3/1/2019, nhiều báo giật tít: “Xe khách lao lên vỉa hè, tông chết người” khiến nhiều người lạnh gáy. Sự việc xảy ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Xe khách của hãng Bốn Thương, BKS: 77B-008.29  đâm vào xe máy biển số 81B1-806.12 khiến người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong, cháu bé ngồi sau bị thương…
 
Một điều thấy rõ và rất đáng suy nghĩ là những xe gây tai nạn đều do những người làm nghề lái xe chuyên nghiệp điều khiển (lái xe đầu kéo, tài xế taxi, lái xe khách). Họ được đào tạo bài bản, được cấp giấy phép đàng hoàng, họ đi làm nghề để kiếm sống; tại sao họ lại hành động mạo hiểm để gây tai nạn thảm khốc như vậy?
 
 
Đạo đức nghề lái xe được đặt ra như thế nào?
 
Theo quan sát của chúng tôi, trong những năm gần đây, tình hình giao thông ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể: cầu đường được xây dựng nhiều hơn, đẹp hơn; các phương tiện giao thông mới hơn, hiện đại hơn, tốt hơn… Chỉ có văn hóa của những người tham gia giao thông là hầu như không được cải thiện, thậm chí ngày càng kém đi.
 
Văn hóa liên quan mật thiết đến đạo đức. Vậy vấn đề đạo đức được đặt ra như thế nào đối với những người tham gia giao thông, trước hết là đối với những người lái xe chuyên nghiệp?
 
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, trong chương trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe ô tô của Tổng cục đường bộ Việt Nam, có tổ chức giảng dạy riêng môn đạo đức người lái xe. Theo đó, có 8 tiêu chí cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe thuộc lĩnh vực kinh doanh vận tải ô tô được nêu rất rõ ràng. Đáng chú ý, điều đầu tiên là luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Yêu xe như yêu con, quý xăng như quý máu”. Điều nhắc nhở này vô cùng thiết thực và sinh động.
 
Các điều tiếp theo là yêu cầu nắm vững luật pháp, rồi đặc biệt nhấn mạnh thái độ ứng xử trên đường, như “Có thái độ thân thiện, hợp tác sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong mọi hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn”; “Tu dưỡng, rèn luyện bản thân, có lối sống lành mạnh, khiêm tốn, có văn hóa, có tác phong làm việc công nghiệp, không tham gia vào các tệ nạn xã hội”.
 
Như vậy, những người đào tạo một lái xe chuyên nghiệp đã rất quan tâm tới vấn đề đạo đức nghề lái xe. Để có giấy phép lái xe chuyên nghiệp, người học phải trải qua rất nhiều môn học, trong đó môn đạo đức người lái xe là môn học bắt buộc. Đáng lý như vậy thì những người lái xe để mưu sinh phải là những người mẫu mực trên đường. 
 
Ấy thế mà trong thực tế, nhiều tài xế quên mất điều cơ bản nhất thuộc đạo đức nghề nghiệp của mình: họ phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn; lái xe ngay sau khi uống rất nhiều bia rượu; không xem mạng sống của những người khác là quý giá… Đây là những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức của người lái xe chuyên nghiệp.
 
Đạo đức nghề nghiệp của lái xe bị xem nhẹ chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn gia thông thảm khốc.
 
 
Chiếc taxi do nữ tài xế taxi Đỗ Thục Hân điều khiển tan nát trong vụ tai nạn khiến 3 người chết tại chỗ và 4 người bị thương tại Lâm Đồng. Ảnh: Internet    
 
Cần phát động “chiến dịch” nâng cao đạo đức nghề lái xe
 
Những vụ tai nạn thảm khốc vừa qua cho thấy một số lái xe xem nhẹ vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Lái xe đầu kéo và nữ lái xe taxi gây tai nạn đều đã uống nhiều rượu, bia trước khi gây tai nạn. Vì vậy, cần phải có sự tuyên truyền, giáo dục thường xuyên của xã hội. Song song với việc đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được tiến hành thật nghiêm khắc để răn đe, nâng cao ý thức tự giác của lái xe. Đây chính là những việc góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lái xe.
 
Tuy nhiên, vấn đề đạo đức liên quan nhiều hơn đến nhận thức của từng con người thông qua những hoạt động cơ bản thường xuyên của mình; nghĩa là chủ yếu nó gắn với hoạt động nghề nghiệp của những người trưởng thành. Lái xe là một nghề kiếm sống, mà ở đó cách đối xử có đạo đức đóng vai trò rất quan trọng. Thế nhưng lâu nay nó chưa được coi trọng đúng mức. Vì vậy, một số lái xe chưa yêu nghề và chưa ý thức trách nhiệm với việc làm và hành động của mình.
 
Đáng ra, trước khi chính thức cầm vô lăng học nghề lái xe, người lái xe tương lai phải học bài học đầu tiên về đạo đức người lái xe. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung học phần này chưa được các cơ sở đào tạo cũng như học viên quan tâm đầy đủ. Hơn nữa, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vì lợi nhuận nên khá dễ dãi trong việc tuyển dụng lái xe. Do vậy, nhiều người chưa đủ tiêu chuẩn vẫn dễ dàng trở thành lái xe chính thức cho các doanh nghiệp.
 
Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm cho những người lái xe chuyên nghiệp (và cả nhưng người điều khiển ô tô như phương tiện đi lại) nhớ tới trách nhiệm đạo đức của mình. Những ai không làm được việc này, không nên hành nghề lái xe nữa.

Hồ Bất Khuất/Tc GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...