THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 08:16

Tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội

17/08/2017 | 18:24
 
Bà Sharon Kane, Giám đốc Plan International Việt Nam phát biểu khai mạc.
 
Dự án do trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long phối hợp với Hội LHPN Huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng (LIGHT) và tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam triển khai tại huyện Đông Anh, Hà Nội từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2019.

Tương lai bấp bênh của phụ nữ nhập cư

Sinh ra ở một xã nghèo thuộc tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 60km. May mắn hơn một số bạn cùng trang lứa, Minh Anh được bố mẹ cho học hết lớp 12 nhưng không thể tiếp tục nuôi cô học đại học. Mẹ có một quán bán rau và hoa quả ở chợ và chỉ đủ chi phí tối thiểu cho cả gia đình. Minh Anh đã thử tìm việc nhưng không có bất cứ cơ hội việc làm nào ở nơi tôi sinh sống. Cô quyết định lên Hà Nội kiếm việc làm. 

Minh Anh mang theo 03 bộ hồ sơ xin việc và đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Sau năm ngày đi tìm kiếm cơ hội việc làm, cô được một chị cùng khu trọ giới thiệu nộp hồ sơ cho một công ty có vốn nước ngoài ở Bắc Ninh và được nhận vào làm với công việc lắp ráp linh kiện. Họ không yêu cầu cô phải được đào tạo ngành nghề gì vì  công việc của tôi rất đơn giản làm theo dây chuyền. Với cô, dành từ 10 đến 12h tại công ty với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng là một ước mơ lớn. 
 
 
Các học viên đầu tiên của Dự án và các nhà tài trợ, cán bộ chương trình. 

3 năm qua, cuộc sống của cô là làm việc tại nhà máy và ngủ tại nhà trọ. Cô chưa biết tương lai sắp tới của mình như thế nào. Nếu bị công ty cho nghỉ việc, chắc cô sẽ trở về quê, nhưng cũng chưa biết làm gì vì không có thêm được kiến thức, kỹ năng gì cho một công việc khác. Bố mẹ cô hàng tháng vẫn nhận tiền tôi gửi về nhưng bố mẹ không biết con làm  gì ở đây và nơi ở của con như thế nào. 

Minh Anh không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất, Theo kết quả khảo sát với nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung huyện Đông Anh (Hà Nội) do các đơn vị triển khai dự án tiến hành vào tháng 11/2016, hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc; 53,3% số được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn; 75% trong tổng số tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập.

Cuộc điều tra tháng 5/2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho thấy, hiện tồn tại tình trạng khá phổ biến, đó là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân, phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
 
 
Giao lưu với nữ thanh niên nhập cư.

Theo kết quả một cuộc điều tra khác của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhân lao động làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...

Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thành niên nhập cư Hà Nội

Bà Sharon Kane, Giám đốc Plan International Việt Nam cho biết: Xuất phát Từ thực trạng trên, Plan International Việt Nam thực hiện Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư” nhằm mang đến các cơ hội tham gia các khóa đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, kết nối việc làm và tự kinh doanh, giúp các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư hiện đang sinh sống tại huyện Đông Anh có việc làm bền vững. Bên cạnh đó, các điểm tư vấn sẽ được thành lập để cung cấp thông tin, tư vấn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Đồng thời, dự án còn thúc đẩy việc thành lập mạng lưới doanh nghiệp cam kết việc làm bền vững và bình đẳng giới cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư. Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của toàn thể người dân, các chủ nhà trọ tại huyện Đông Anh, các doanh nghiệp sử dụng lao động chung tay xây dựng môi trường sống, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, không kỳ thị với nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.
 
 
Học viên dự án tại lớp Tạo mẫu tóc.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Dung cũng là câu chuyện của hàng nghìn nữ thanh niên khác, đang tìm kiếm một cơ hội việc làm bền vững và nơi đến an toàn tại các thành phố, khu công nghiệp, trong đó có Hà Nội. Gia đình nghèo khó, phải từ bỏ giấc mơ theo học đại học, chị Dung rời quê lên Hà Nội để kiếm sống, và bắt đầu cuộc sống làm công nhân trong nhà máy, chuyển nhà trọ đến cả chục lần để thích ứng với công việc và chăm con. Chồng mất, chị cũng chưa thể trở về quê hương, con đường  mưu sinh thật gập gềnh. Và rồi, cuộc sống của chị bắt đầu có những sự thay đổi khi được tiếp cận với dự án “ Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội". Chị được học nghề miễn phí và đang nỗ lực để mở một tiệm làm tóc của riêng mình trong tương lai. 
 
Theo bà Sharon Kane, Giám đốc Plan International Việt Nam, Plan International Việt Nam  cùng các  đơn vị đối tác đang khởi xướng chiến dịch truyền thông “Chúng tôi cùng bạn tạo lên sự thay đổi” để cùng đồng hành với các bạn nữ thanh niên nhập cư, mong muốn được đồng hành để có được một cuộc sống an toàn hơn, việc làm bền vững hơn và một tương lai tươi sáng hơn. 

Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 người được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo; 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện. 

Thảo Vân/ GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...