THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 10:22

Tảo hôn cũng là một loại tệ nạn!

23/04/2017 | 09:02
 
Không ít những cô gái còn rất trẻ đã có hai con ở các vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: KT
 
Gần như sống lại “phong trào” tảo hôn khắp cả nước
 
Tôi có người bạn làm Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Sau Tết, thấy bạn không vui, tôi lên tiếng: “Mùa xuân phơi phới như thế này, sao ông có vẻ buồn thế?”. Bạn tôi chậm rãi trả lời: “Tôi vui sao được khi mất đi những học sinh chăm ngoan, học giỏi…”. “Sao mà mất?” - tôi sốt ruột hỏi dồn, bạn tôi thủng thẳng trả lời: “Mất vì chúng ở nhà lấy chồng, cưới vợ, không đi học nữa…”. Ra thế, học trò cưới nhau, nạn tảo hôn đang trở lại.
 
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, tình trạng tảo hôn ở Việt Nam khá phổ biến. Trải qua hàng chục năm vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa xây dựng nếp sống văn hóa mới, chúng ta gần như triệt tiêu được hiện tượng này. Ấy thế mà hiện nay, tình trạng tảo hôn lại xảy ra ở khắp 63 tỉnh thành. Hơn thế nữa, bên cạnh tảo hôn là  hôn nhân cận huyết thống. Những loại hôn nhân này gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, dòng họ và tạo gánh nặng cho xã hội. 
 
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, tỷ lệ tảo hôn chung trong các DTTS là 26,6%, tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn như: Ơ Đu 73%; Mông 59,7%; Xinh Mun 56,3%; La Ha 52,7%; Rơ Măm 50%, Brâu 50%…
 
Nếu tính theo địa bàn, có lẽ tỉnh Quãng Ngãi là nơi tảo hôn diễn ra phổ biến nhất. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011 đến 10/2016, ở 6 huyện miền núi và 3 huyện miền xuôi Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn có 1.041 cặp tảo hôn. Năm 2016, tỉ lệ tảo hôn tăng so với năm 2015. Cụ thể, huyện Ba Tơ là 94 cặp, tăng 83 cặp; Sơn Hà 92 cặp, tăng 16 cặp; Minh Long 41 cặp, tăng 32 cặp… Ông Đinh Tấn Lạc - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Tơ cho biết, riêng huyện Ba Tơ từ năm 2011 đến 31/10/2016 có tới 337 cặp tảo hôn.
 
Như vậy, nạn tảo hôn đang diễn ra khá phổ biến ở khắp mọi nơi.  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chỉ rõ: “Tảo hôn là vấn đề không chỉ diễn ra ở miền núi, vùng DTTS  mà còn cả ở đồng bằng, cả dân tộc kinh…”. 
 
 
 Hình ảnh buồn đến ám ảnh với bà mẹ trẻ và 3 con trứng gà trứng vịt. Ảnh: KT
 
Cần “bắt bệnh” cho đúng!
 
Có vẻ như nhiều người trong xã hội hiện nay chưa nhận thức đúng hậu quả nặng nề của tệ nạn tảo hôn. Phải thấy rằng, trước hết, tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sức khỏe không chỉ của các bé gái, mà cả của các bé trai; các bà mẹ trẻ có nguy cơ tử vong cao, con cái thường bị chết lưu hoặc chết trong những tháng đầu đời, nếu may mắn sống sót thì cũng èo uột. Tiếp theo, tảo hôn làm mất cơ hội học hành, tạo dựng nghề nghiệp và cản trở tương lai của thanh thiếu niên. Thứ ba,  tảo hôn ảnh hưởng xấu tới gia đình về kinh tế, văn hóa; những gia đình tảo hôn thường có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình. Thứ tư, tảo hôn dẫn tới việc làm giảm chất lượng dân số ở quy mô quốc gia, dẫn tới tình trạng đói nghèo. Ngoài ra, tảo hôn còn là nguyên nhân gián tiếp làm trầm trọng thêm nạn cưỡng hiếp trẻ em.
 
Trên thực tế, tảo hôn gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu tới đời sống kinh tế - xã hội. Giải quyết tình trạng tảo hôn chính là một giải pháp quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, góp phần duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đưa đất nước tới thịnh vượng, phồn vinh.
 
Muốn ngăn chặn nạn tảo hôn, cần “bắt bệnh” cho đúng. Ở một số cuộc hội thảo, các học giả thường cho rằng, nguyên nhân chính của nạn tảo hôn là do nghèo đói và bất bình đẳng giới. Tôi cho rằng, đây chỉ là một trong những nguyên nhân và chưa hẳn là nguyên nhân chính. Như đã nói ở trên, ngày trước, mức sống của chúng ta thấp hơn bây giờ nhiều, nghĩa là nghèo đói hơn nhưng ngày ấy rất ít tảo hôn. Vì sao ư? Vì ngày ấy thanh thiếu niên sống có lý tưởng, có niềm tin. Hoạt động Đội, Đoàn rất sôi nổi, mang đến cho tuổi trẻ nhiều niềm vui, cuốn hút họ vào sinh hoạt tập thể, tạo cho họ những ước mơ học hành, đi xa, lập nghiệp. Có những thứ đó, họ chưa vội nghĩ tới tình cảm nam nữ, kết hôn, xây dựng gia đình…
 
Phải thấy rằng, trong thời gian qua, chúng ta xem nhẹ công tác tuyên truyền, vận động để các gia đình và trẻ vị thành niên tránh tảo hôn. Luật pháp cũng chưa được tôn trọng ở nhiều nơi, cán bộ cơ sở chưa làm gương cho nhân dân. Do trào lưu khôi phục lại một số lễ hội cổ xưa, dựa theo đó, những hủ tục cũng trở lại mà không ai ngăn chặn.
 
Tóm lại, nguyên nhân dẫn tới tệ nạn tảo hôn đang lây lan rộng rãi hiện nay có nhiều. Trước hết là do nhận thức và sự buông lỏng quản lý ở tất cả các cấp. Tiếp theo là cách tổ chức đời sống, nhất là đời sống tinh thần còn nhiều bất cập. Nguyên nhân thứ ba là chúng ta “bắt bệnh” chưa đúng, chưa đánh giá hết hậu quả nặng nề của nạn tảo hôn nên lơ là trong việc ngăn chặn.
 
Tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sức khỏe không chỉ của các bé gái, mà cả của các bé trai, các bà mẹ trẻ có nguy cơ tử vong cao, con cái thường bị chết lưu hoặc chết trong những tháng đầu đời, nếu may mắn sống sót thì cũng èo uột; làm mất cơ hội học hành, tạo dựng nghề nghiệp và cản trở tương lai của thanh thiếu niên; ảnh hưởng xấu tới gia đình về kinh tế, văn hóa, những gia đình tảo hôn thường có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình; làm giảm chất lượng dân số ở quy mô quốc gia, dẫn tới tình trạng đói nghèo; là nguyên nhân gián tiếp làm trầm trọng thêm nạn cưỡng hiếp trẻ em.
 
Cần thống nhất nỗ lực của xã hội để ngăn chặn nạn tảo hôn
 
Có một điều gây hi vọng là gần đây, ở cấp cao nhất của bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã thấy được các vấn đề mà tảo hôn đặt ra. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã quan tâm tới vấn đề này. Bà chỉ rõ: “Để xây dựng cách tiếp cận, giải quyết tảo hôn ở Việt Nam, Chính phủ cần tham vấn các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự. Trong đó, chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cần có các can thiệp cho trẻ em gái nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng, khuyến khích tạo điều kiện để các em được đi học trung học chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm…”. 
 
Những gì bà Mai nói là có cơ sở và có tính chỉ đạo. Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho biết: “Liên hợp quốc sẽ cộng tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình và điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội…”. 
 
Việc chúng ta cần đẩy mạnh là phải luật hóa chủ trương, chính sách; cắt cử những người có hiểu biết, đầy nhiệt tình chỉ đạo việc thực hiện những hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn. Một điều quan trọng nữa là phải thu hút được sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, các ngành, các nhà nghiên cứu và các nhà chuyên môn trong việc đẩy lùi hủ tục, hạn chế và triệt tiêu nạn tảo hôn.
 
Để khởi động “chiến dịch” này, báo chí, truyền thông phải vào cuộc, phải khiến tất cả mọi người chú ý tới hậu quả của tảo hôn và những biện pháp ngăn chặn. Phải làm việc này ở quy mô quốc gia mới mong có hiệu quả.

 
 Tảo hôn là một tệ nạn làm gia tang tình trạng đói nghèo, thất học. Ảnh: KT
 
 Lỗi tại chúng ta
 
Trước đây, chúng ta đã từng ngăn chặn nạn tảo hôn rất có hiệu quả, nhiều xã, thậm chí là cả huyện miền núi nhiều năm không có “đám cưới trẻ con”. Nay nạn tảo hôn diễn ra ở khắp 63 tỉnh thành với số lượng ngày càng nhiều. Vì sao vậy?
 
Vừa lo, vừa buồn
 
Không biết các vị lãnh đạo các cấp, các nghành, các địa phương có tâm trạng ra sao khi thấy nạn tảo hôn “trở lại dữ dội” như vậy. Còn riêng tôi, tôi buồn và lo lắm. Đất nước ta đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” (trong tiến trình lịch sử phát triển, mỗi quốc gia chỉ có một cơ hội duy nhất) mà chất lượng dân số lại bị giảm thì vui sao được?! Chất lượng dân số giảm đồng nghĩa với việc chất lượng nguồn nhân lực không được nâng cao, năng suất lao động không được cải thiện. Trong tình hình như vậy, làm sao chúng ta xây dựng đất nước phát triển vượt bậc để khỏi tụt hậu?
 
Xin được hiến kế
 
Quan sát, phân tích hiện tượng tảo hôn, chúng ta thấy rằng, bọn trẻ yêu sớm, lại không được giáo dục giới tính nên chúng có bầu ngoài mong muốn. Khi có bầu, chúng và các bậc cha mẹ thường tìm tới hai biện pháp phổ biến: 1. Tới bệnh viện giải quyết hậu quả; 2. Tổ chức đám cưới để hợp lý hóa sự ra đời của những đứa trẻ mà bố mẹ chúng cũng là những đứa trẻ.
 
Vì vậy, ngoài việc thực hiện các biện pháp đồng bộ ở các cấp, các ngành cho tới từng gia đình, tôi cho rằng, việc tăng cường giáo dục giới tính cũng góp phần ngăn chặn nạn tảo hôn. Thực sự mà nói, nhiều đứa trẻ 13, 14 tuổi chưa muốn kết hôn đâu nhưng chúng dính bầu nên đành chấp nhận.
 
Những năm gần đây, báo chí đề cập nhiều tới việc giáo dục giới tính nhưng trên thực tế, chúng ta chưa thực hiện được bao nhiêu. Từ cha mẹ đến thầy cô giáo đều ngượng nghịu khi đề cập đến giáo dục giới tính. 
 
Đây là lỗi của chúng ta – lỗi của người lớn. Cần sửa chữa gấp lỗi này!

                                                                             Đàm Trọng 

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...