THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 04:29

Tết Gà bàn chuyện gà Tết

30/01/2017 | 12:24
 
Đó là loài chim có lông vũ sặc sỡ mang vẻ đẹp núi ngàn. Tầm bay của nó không vượt quá tầm mắt quan sát, chiêm ngưỡng của con người. Tập tính siêng năng trong bầy đàn, cùng với tiếng gáy vang rền dõng dạc và cái cựa dài sắc nhọn uy lực của gà trống, đã bộc lộ khá đậm nét vị thế đáng nể của giống đực. Đặc điểm thành thạo lót ổ, siêng năng đẻ trứng, ấp trứng, kiên trì, nhẫn nhịn, cần mẫn, bới đất lật cỏ kiếm mồi, dằn dữ xả thân bảo vệ đàn con của gà mái cũng làm cho con người thán phục. Đặc biệt, tiếng gáy báo sáng gọi mặt trời thức dậy, mở ra một ngày săn bắt hái lượm của gà trống đã trở thành nhịp điệu sinh học, thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi của con người.
 
Từ khi công cụ phục vụ cuộc sống còn thô sơ, con người đã có thể đã săn, bẫy được gà để về nuôi. Có thể nói, gà là con vật được thuần dưỡng thành công đầu tiên của con người. Trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm, gà vẫn là con vật đứng hàng đầu trong hệ thống gia cầm. Chăn nuôi gà trở thành phổ biến, rộng rãi mang tính quảng đại. Khai thác lợi ích từ con gà đã mang lại giá trị khổng lồ cho con người. Ngoài giá trị kinh tế - dinh dưỡng, giá trị văn hóa - xã hội của loài gà cũng rất to lớn.
 
Từ nhiều đời nay, hình ảnh con gà đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, để lại những tác phẩm tuyệt mĩ. Gà đã trở thành vật thiêng trong chuỗi giá trị biểu tượng của mười hai con giáp. 
 
Sản phẩm từ gà được con người khai thác, sử dụng ttriệt để, không bỏ phí thứ gì. Người ta nuôi gà lấy thịt, lấy trứng để ăn, lấy lông để sản xuất ra hàng hóa. Con người sử dụng gà trong trò chơi thi đấu và cả cá cược thử vận may rủi. Ngay như cái màng lụa trong mề gà cũng dùng để làm thuốc chữa bệnh tiêu hóa.
 
Bên cạnh giá trị vật thể ấy, gà còn ẩn giấu tiềm năng phi vật thể rất to lớn.  Con người lúc sinh ra, khi cúng mụ phải có trứng gà, thịt gà. Khi qua đời,  trước linh cữu, nhất thiết phải có bát cơm quả trứng. Dân ta có tục lệ xem chân gà, bói chân gà để phỏng đoán mọi sự sắp diễn ra trong nhà xuyên suốt cả vòng đời con người. Con gà trong tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống được xem là biểu tượng cho phú quý vinh hoa, khát vọng của mọi gia đình. Nuôi gà chọi được coi là chịu chơi, nuôi gà cảnh được cho là tao nhã.
 
Trước đây, phong tục đi Tết nhau, quà không dùng chai rượu, hộp bánh, giỏ quả như bây giờ, mà thường là con gà hoặc đôi gà trống thiến. Ngày trước, thăm nom người đau ốm, người ta không có phong bì mà thường là chục trứng gà so. Quà biếu, quà tặng giản dị bằng con gà, rất thanh bạch mà đầy nghĩa cử thân tình, thiện chí, ít gây ra sự tha hóa, đố kị, kênh kiệu ở cả người cho và người nhận.
 
 
Tranh phong thủy về gà. Ảnh: KT
 
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, gà bao giờ cũng là con vật hiến sinh, hiến tế hàng đầu. Trên các mâm cỗ cúng ngày lễ ngày Tết, ngày giỗ ở bất cứ dân tộc nào cũng đều có con gà - đĩa xôi. Người Việt quí trọng con gà nên mới lấy nó làm vật dâng cúng, dâng tế lên các đấng siêu nhiên, các bậc ông bà, tổ tiên, các vị thần... Ngay từ thời đại Sơn Tinh - Thủy Tinh, con gà cũng là một trong ba con vật cao quý, trở thành vật thiêng trong tục lễ vật cưới hỏi dâng lên chốn ngai rồng (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao).
 
Bà con Trường Sơn - Tây Nguyên coi con trâu là vật tế thần, nhưng trước khi đi tế lễ, dựng cây nêu buộc trâu thì phải cúng gà, tưới tiết gà lên đỉnh cột và buộc các tua lông gà vào thân cột buộc trâu để lấy vía, cầu may. Người Vân Kiều ở Trung bộ làm lễ tra lúa nhất thiết phải mổ gà cúng giàng cầu mùa; vẩy tiết gà lên hạt giống rồi mới gieo tỉa, cầu mong lúa mạ tươi tốt, mùa vụ bội thu, no đủ. Người Si La ở vùng núi cao phía Bắc trong lễ cúng bản, cúng Mường, cúng hồn lúa cầu mùa, lễ vật nhất thiết phải có một con gà, một quả trứng gà, một giỏ cơm xôi. Cúng xong thì mổ tiếp con gà nữa để giữ điều may, điều lành. Sau đó, lại mổ tiếp con gà nữa cúng cho hồn lúa, mong điều tốt lành ở lại quanh năm suốt tháng với nhà mình.
 
Người Lô Lô ở miền biên giới cực Bắc Lào Cai, Hà Giang có quan niệm, ngày 30 Tết là quan trọng nhất. Nhà nhà sẽ quét dọn, tống khứ rác rưởi ra xa nhà, xa bản làng, nhằm xua đuổi những rủi ro, uế tạp. Buổi chiều, nhà nhà làm bữa cúng tất niên, cúng sức khỏe, hồn sống cho mọi thành viên trong gia đình. Trong lễ cúng này, đàn ông được cúng bằng gà mái, còn đàn bà cúng bằng gà trống. Các công cụ sản xuất như cuốc, xẻng, dao dựa, cày bừa, chuồng trại đều được dán giấy quét màu vàng, màu bạc để cầu may và không được di chuyển, động chạm tới trong ba ngày Tết.
 
Đến Giao thừa, cả cộng đồng người Lô Lô giỏng tai, sốt ruột chờ đợi tiếng gà đầu tiên gáy sáng. Bất kể lúc nào dù sớm hay muộn, cứ hễ nghe tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm Giao thừa, thì đó mới chính là thời khắc thiêng liêng đón Tết của bản. Lúc đó, chủ nhà thắp hương cúng năm mới, cử người gánh nước cầu may, cử người đánh thức các con vật nuôi dậy để cùng người đón Tết. Tiếng lợn kêu, gà gáy, chó sủa, ngựa hí và tiếng người reo hò ầm ĩ hòa cùng âm hưởng trống đồng Lô Lô làm náo nhiệt đêm Giao thừa.
 

Trúc Thanh/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...