CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 08:39

Thách thức sau lũ lụt

13/08/2018 | 10:43
 
Nước lũ ngập lâu ngày khiến cuộc sống của người dân ở Chương Mỹ (Hà Nội) gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Internet
 
Những thiệt hại do thiên tai gây ra trong nửa đầu năm 2018
 
Dù chúng ta đã tích cực, chủ động phòng tránh, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay (tháng 8/2018), cả nước xảy ra 14 loại hình thiên tai khiến 75 người chết và mất tích; 509 nhà dân bị sập, đổ; 14.525 nhà dân bị hư hỏng, ngập nước. Khoảng 16.100ha cây trồng bị ngập, hư hỏng, cùng 26.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Bên cạnh đó là gần 9km đê dưới cấp IV, kênh mương thủy lợi bị sạt trượt… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 869 tỷ đồng.
 
Thật ra, những con số nêu trên có thể là thống kê chưa đầy đủ. Hơn nữa, những con số cũng khá “vô tình”, chỉ những gia đình mất người, mất của, mất chỗ “chui ra, chui vào” là thấm thía được sự mất mát to lớn này. Hàng chục gia đình ở Hòa Bình, Nghệ An có nhà đổ sập xuống sông cho đến bây giờ vẫn chưa hoàn hồn và chưa biết làm thế nào để sống tiếp.
 
Mới chỉ tháng 6 đầu năm 2018 mà mức thiệt hại về người và của như vậy là lớn. Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai cho rằng, nguyên nhân của những thiệt hại trên là do mưa lớn kéo dài trên diện rộng, cùng với địa hình dốc, chia cắt mạnh, trong khi, độ che phủ rừng đầu nguồn suy giảm, từ đó gây ra lũ trên các sông, suối dẫn đến ngập lụt nhiều khu vực. Nhận định này của ông Hoài là đúng nhưng không có gì mới.
 
Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết rõ thêm là chưa năm nào thời tiết có mưa lớn diện rộng, dồn dập và tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc như tháng 6 năm nay. Điều này cho thấy sự bất bình thường trong diễn biến thiên tai hiện nay. Đây là hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Về nguyên tắc, chúng ta cũng đã phần nào biết được điều này nên không bị động nữa. Tuy nhiên, một số nơi người dân cũng như quan chức vẫn còn thái độ chủ quan nên thiệt hại vẫn lớn. Ví dụ, khi ở nước bạn Lào bị vỡ đập thủy điện, một số quan chức của ta nhận định là việc này ảnh hưởng tới Việt Nam không đáng kể. Nhưng trên thực tế, lũ tràn về nhanh và mạnh, khiến một số nông dân trở tay không kịp, mất rất nhiều hoa màu.

 
Hàng chục gia đình ở Hòa Bình có nhà đổ sập xuống sông cho đến bây giờ vẫn chưa hoàn hồn và chưa biết làm thế nào để sống tiếp. Ảnh: Internet
 
Lũ lụt đi qua, khó khăn còn đó
 
Nước đã rút, lũ lụt tạm thời đã đi qua nhưng những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên đó. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt là cần tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang... Ngoài ra, ngay ngoại thành Hà Nội cũng cần được quan tâm để khắc phục hậu quả.
 
Chúng ta hãy thiết thực và cụ thể trong việc khắc phục hậu quả! Không để dân bị đói, bị rét thì phải cung cấp gạo và chăn màn, quần áo. Vấn đề quan trọng là đối với 509 gia đình có nhà bị sập, bị đổ thì cần giúp đỡ như thế nào? Cấp đất, dựng nhà mới cho họ là biện pháp cần làm nhất. Điều này cần phát huy tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nghĩa là có hỗ trợ từ các loại quỹ cũng như những tấm lòng từ thiện. Ngoài ra, các gia đình cũng nên vay mượn thêm để có chỗ ở mới thuận tiện.
 
Với 14.525 gia đình có nhà bị hư hại và ngập nước cũng cần được quan tâm giúp đỡ. Việc sửa chữa là không thể tránh khỏi nhưng việc làm vệ sinh, tẩy trùng còn quan trọng hơn. Phải có biện pháp cụ thể để đề phòng bệnh tật bùng phát sau lũ lụt. Ngành y tế cần  nghiên cứu, theo dõi và thực hiện chương trình phòng bệnh, chữa bệnh ở những nơi lũ lụt đi qua.
 
Thiên tai có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình bảo đảm an sinh xã hội của chúng ta. Để chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phát động tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị để quyên góp ủng hộ các địa phương và nhân dân vùng bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.
 
Cán bộ, công nhân viên chức vẫn thường xuyên ủng hộ một ngày lương để giúp đỡ đồng bào bị nạn. Tuy nhiên, việc này cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch thì mới duy trì được việc đóng góp và nâng cao hiệu quả của việc giúp đỡ. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống kê và công bố số tiền đã được quyên góp, số người đã được giúp đỡ.
 
Những biện pháp nhằm hạn chế hậu quả thiên tai
 
Muốn hạn chế hậu quả do thiên tai gây ra, việc đầu tiên là chúng ta phải nêu cao cảnh giác, theo dõi sát sao mọi diễn biến của thời tiết để chủ động đối phó. 
 
Điều cần phải biết vào lúc này: Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường nhận định, từ nay tới cuối năm 2018, sẽ có khoảng 8 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới biển Đông, trong đó, có 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong các tháng 7, 8 và 12 xấp xỉ trung bình nhiều năm; các tháng 10, 11 xấp xỉ thấp hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ lớn nhất năm 2018 ở thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và một số con sông ở miền Trung có thể lên mức báo động 2, 3. Diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian tới nhìn chung còn nhiều phức tạp.
 
Trên đây chính là những thông tin mà các cơ quan chức năng cũng như mỗi người dân cần phải biết. Biết được rồi, các địa phương phải đưa ra những phương án để đối phó. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai là điều rất quan trọng hiện nay. Chúng ta thấy, phần lớn nạn nhân tử vong và mất tích đều do lũ quét gây ra. Vậy phải chủ động đánh giá trước rủi ro thiên tai, cương quyết di dời dân đến nơi an toàn trước khi lũ xảy ra. 
 
Việc lồng ghép nội dung phòng tránh thiên tai vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết đối với các địa phương. Việc tổ chức diễn tập, huấn luyện sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cũng cần phải xem là hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành.
                                               
                                                     

Sạt lở kinh hoàng ở Lai Châu trong những ngày đầu tháng 8/2018  làm hơn 10 người chết và mất tích, giao thông tê liệt hoàn toàn. Ảnh: Internet
 
Chia sẻ khó khăn với người mất nhà!
 
Với người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là ở nông thôn, nhà (dù to, dù nhỏ) là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, hãy chia sẻ và giúp đỡ những người mất nhà thật cụ thể, thiết thực.
 
Thống kê đã chỉ rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2018 có 509 gia đình bị mất nhà. Điều này có nghĩa là có hàng ngàn người không có chỗ để sinh hoạt hàng ngày như ăn, ngủ, học hành. Đây là những người cần sự sẻ chia và giúp đỡ cụ thể.
 
Trước mắt, chính quyền địa phương ở những nơi đó cần quan tâm để họ có chỗ ở tạm thời. Có thể bố trí họ ở tạm ở công sở, trường học, trạm y tế… Đặc biệt, có thể động viên những gia đình có nhà rộng rãi cho họ ở ghép. Ngoài ra, có thể dựng tạm lều, lán ở những nơi an toàn, thuận lợi để họ có thể có chỗ ăn, chỗ ngủ. Việc giúp đỡ lương thực, thực phẩm, phương tiện đi lại và một ít tiền bạc cũng vô cùng cần thiết.
 
Về lâu dài, chính quyền địa phương nghiên cứu, cấp đất cho họ để họ có thể xây dựng nhà ở một nơi an toàn. Để xây được nhà là việc không hề đơn giản nhưng có thể thực hiện trên cơ sở giúp đỡ, tương trợ của chính quyền và người dân. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể linh động cho họ vay tiền để dựng nhà và dùng chính ngôi nhà đó làm thế chấp. Đây là những cách giúp đỡ thiết thực và hiệu quả nhất.
 
Để có thể sống bình thường và tạo dựng tương lai, những người mất nhà trong thiên tai cần được sự quan tâm và giúp đỡ của cộng đồng, trước hết là giúp chỗ ở để ổn định sinh hoạt. 
 
Hiện nay, một số nhà hảo tâm cũng sẵn sàng đóng góp công sức, tiền bạc để giúp những người mất nhà. Tuy nhiên, việc này phải được chính quyền địa phương thông tin cụ thể, chính xác. Đây là việc làm không khó nhưng cần tấm lòng và sự thấu hiểu.
 
                                                                       Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...