THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 07:29

Thành phố an toàn - Ước mơ của phụ nữ và trẻ em gái

27/12/2016 | 15:47
 
 

Thành phố an toàn luôn là ước mơ của phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh M.Châu

 

 
Khảo sát mới nhất (tháng 6/2016) của tổ chức ActionAid Việt Nam tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM với hơn 2.000 mẫu cho thấy: Có tới 63,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng về những nguy hiểm có thể xảy ra tại các địa điểm công cộng; hơn 82% người được hỏi lo sợ nạn cướp bóc, móc túi; 48% cảm thấy những nguy cơ bị quấy rối tình dục đặc biệt ở những nơi như trên xe buýt, trong nhà vệ sinh công cộng.

Tương tự, một kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam thực hiện tháng 6/2013 cho thấy, 31% trong tổng số 1.128 em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em luôn có cảm giác an toàn nơi công cộng. Ngoài ra, 62% cán bộ nhà nước, 45% hành khách nam và 49% hành khách nữ được hỏi cho rằng quấy rối tình dục là một nguy cơ. Có tới 45% số người được hỏi cho biết họ không làm gì cả khi nhìn thấy những sự việc ở nơi công cộng và 20% không can thiệp khi thấy em gái bị quấy rối trên xe buýt.
 
Không an toàn vì họ là… phụ nữ
 
87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục cho biết, hành vi quấy rối thường diễn ra ở nhà vệ sinh công cộng, đường phố, công viên, xe buýt... Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái không an toàn vì họ là phụ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất (63,6%). Bên cạnh đó là những định kiến về người ở tỉnh khác đến, độ tuổi từ 16-18 được cho là độ tuổi bị quấy rối nhiều nhất. Ngoài ra, hình thức bên ngoài (ưa nhìn, ăn mặc hở hang, gợi cảm…) cũng đưa đến nguy cơ không an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều đó cho thấy, xã hội vẫn tồn tại tâm lý quy kết, đổ lỗi cho phụ nữ khi họ bị quấy rối, lạm dụng hoặc cưỡng bức tình dục. Và phụ nữ bị coi là vấn đề khi có sự việc không hay xảy ra chứ không phải là do môi trường không an toàn chưa được cải thiện. Chính việc nam giới và cộng đồng không tôn trọng phụ nữ cũng là yếu tố đặt phụ nữ và trẻ em gái sâu hơn vào nguy cơ bị quấy rối hoặc bạo lực. 
 
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam thông tin: “Gần một nửa phụ nữ và trẻ em gái được hỏi cho biết, rất nhiều lần họ có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng nhưng đều phải “nhịn” vì cảm thấy không an toàn, không sạch sẽ. Điều đáng nói là có rất nhiều phụ nữ bị quấy rối thường xuyên tại những nơi này nhưng lại không biết đó là bị quấy rối tình dục, ví dụ như: bị huýt sáo trêu ghẹo, bị liếc mắt đưa tình, bị nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó trên cơ thể hay bị nghe kể chuyện có liên quan đến tình dục...”. Cũng theo bà Hoàng Phương Thảo, sau khi được cán bộ nghiên cứu cho biết đó là những hình thức quấy rối tình dục, có tới 51,3% phụ nữ được hỏi cho biết họ từng bị quấy rối ít nhất 1 trong các hình thức này; 28,5% phụ nữ cho biết họ nhiều lần bị huýt sáo trêu ghẹo và 4 người trong số đó từng bị cưỡng hiếp. 
 
Điều đáng nói là đa số phụ nữ và trẻ em gái đều không làm gì cả khi bị quấy rối ở nơi công cộng vì sợ xấu hổ. Ngoài ra, họ cũng cho biết gặp nhiều khó khăn khi lên tiếng nhờ sự giúp đỡ từ người khác hoặc các cơ quan chức năng khi gặp phải tình huống tương tự ở nơi công cộng. Khi xảy ra các hành vi quấy rối và bạo lực nơi công cộng, có tới 47,1% phụ nữ giữ im lặng thay vì trình báo với công an hay cảnh báo cho những người khác. Phụ nữ cũng thường bị đổ lỗi cho việc họ bị quấy rối và bạo lực nơi công cộng.

Ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1464/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Bộ LĐTBXH được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và ban hành tiêu chí về “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái”, trên cơ sở đó khuyến nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư nguồn lực để từng bước triển khai các biện pháp can thiệp một cách đồng bộ và kịp thời, hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn – chấm dứt các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
 
Phòng chống quấy rối tình dục nơi công cộng
 
“Rõ ràng là các dịch vụ công tại nhiều thành phố tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chưa đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới. Những nơi như bến xe buýt hay nhà vệ sinh công cộng là những dịch vụ được người dân sử dụng hàng ngày, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ về bạo lực giới và quấy rối tình dục” - Bà Trần Bích Loan, phó vụ trưởng vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH cho biết.
 
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại Diện tổ chức ActionAid Việt Nam, cần có sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền để tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, cần sự thay đổi trong nhận thức và hành động của mỗi chúng ta. "Chúng tôi mong muốn các bạn cùng ActionAid Việt Nam, các đối tác và hơn 150 thành phố tại 20 quốc gia trên thế giới tham gia chiến dịch “Thành phố An toàn”, cùng nhau xây dựng những thành phố chúng ta đang sống an toàn hơn với phụ nữ và trẻ em gái để người dân luôn tự hào vì thành phố của mình” bà Thảo nói. 
 
Với những kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị tăng cường thực thi pháp luật và các chế tài hình sự đối với hành vi bạo lực nhắm tới phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả mọi nơi. Tăng cường lực lượng nữ công an với nghiệp vụ và thái độ có nhạy cảm giới để ứng phó với các tình huống bạo lực. Thiết lập các đường dây nóng để phụ nữ có thể kịp thời khai báo về hành vi bạo lực và yêu cầu lực lượng chức năng có các hành động can thiệp kịp thời. 
 
TS Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, ngoài những khuyến nghị về việc tăng cường, cải thiện các dịch vụ xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, các trường học và tổ chức cộng đồng cần trang bị kiến thức về kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em gái biết tự bảo vệ bản thân; xử lý mạnh tay với các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là quấy rối tình dục.
 
8 tiêu chí của Thành phố an toàn là:
 
- Công dân thành phố, du khách tự do di chuyển mà không lo bị hành hung và được an toàn dù ban ngày hay ban đêm.
 
- Công dân thành phố và du khách tự do lựa chọn cách ăn mặc mà không lo bị quấy rối.
 
- Trẻ em thành phố tự do đến trường không bị kỳ thị, trêu đùa, xa lánh hay bạo lực.
 
- Công dân thành phố tự do làm việc trong môi trường an toàn với nhận thức đầy đủ quyền của bản thân.
 
- Công dân thành phố tiếp cận và sử dụng dịch vụ công bình đẳng, chất lượng và có trách nhiệm giải trình.
 
- Công dân thành phố và du khách tự do tham gia vào các hoạt động giải trí lành mạnh.
 
- Công dân thành phố được khuyến khích và tích cực tham gia lập và thực hiện các hành động để xây dựng thành phố trở nên xanh - sạch - đẹp.
 
- Công dân thành phố tự hào về thành phố của mình.
 
Nguồn: ActionAid

Minh Châu/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...