THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 02:58

Thầy Văn Như Cương và những điều còn mãi

02/10/2018 | 09:42
 
Thầy giáo - “Ông Tiên”. Ảnh tư liệu gia đình
                             
Năm học đầu tiên vắng thầy giáo - “Ông Tiên”
 
Ngày 9/10/2017, Nhà giáo Văn Như Cương về cõi vĩnh hằng. Trong ngày này, rất nhiều nước mắt đã rơi, kể cả nước mắt của những người chưa bao giờ gặp gỡ, không có bất kỳ mối hệ nào với thầy Cương cả. Người ta khóc vì thương tiếc một con người độc đáo, một nhà giáo xuất sắc đã vĩnh viễn ra đi. Người ta yêu quý thầy Cương vì lòng nhân hậu, vì trí tuệ mẫn tiệp, vì thái độ thẳng thắn, cương trực và vì tất cả những gì ông làm được cho ngành giáo dục Việt Nam.
 
Trong mùa khai giảng năm học 2018 - 2019, không chỉ thầy trò Trường Lương Thế Vinh cảm thấy trống vắng, mà nhiều người khác cũng có cảm giác tương tự khi không thấy thầy Văn Như Cương với bộ râu trứ danh xuất hiện. Bộ râu này cũng chính là một trong những di sản mà thầy Văn Như Cương để lại. Cách đây cả nửa thế kỷ mà một ông giáo ở miền Bắc Việt Nam dám ngang nhiên để râu như vậy đã là một câu chuyện dài của cá tính, lòng dũng cảm, lòng yêu tự do, dân chủ rồi. Bộ râu của ông gắn với con người ông làm nên huyền tích về hình ảnh một “Ông Tiên” trong nhà trường.
 
Nhân dịp giỗ đầu của Nhà giáo Văn Như Cương, gia đình, nhà trường, bạn bè, các cơ quan truyền thông có nhiều hoạt động kỷ niệm. Có phim, có sách và nhiều bài báo sẽ xuất hiện vào dịp này.
 
 
Thầy tin em! Ảnh: Nguyễn Đình Toán
 
Những điều còn mãi
 
Thầy Văn Như Cương không viết báo, viết sách (mặc dù thầy viết rất nhiều) để nói về tư tưởng, về triết lý trong giáo dục của mình. Tuy nhiên, những việc thầy làm được trong thực tế đã nói lên rằng, Nhà giáo Văn Như Cương có tư tưởng, có triết lý giáo dục rất rõ ràng. Ông có nhiều câu nói để đời và chúng đã thể hiện triết lý giáo dục của ông. Ví dụ, câu nói: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệm tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế”. Câu nói này đã được khắc lên đá và đặt tại điểm trường Nà Ngao, thôn Châng, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Qua, tỉnh Hà Giang; điểm trường này được xây bằng tiền phúng viếng ông. Giáo dục phải tạo ra người tử tế - đây là mục đích cao nhất, sau đấy mới là chính khách, doanh nhân… Đây cũng chính là triết lý dạy người song song với dạy chữ.
 
Thầy Văn Như Cương dạy đạo đức cho học sinh không phải bằng lý thuyết suông, mà bằng chính tấm gương sống động của mình. Để nói về lòng hiếu thảo, yêu thương cha mẹ - khi râu tóc đã bạc phơ rồi, ông vẫn cõng mẹ mình đi ra nhà thờ họ trong ngày mưa, đường trơn. Nói về giữ gìn vệ sinh, môi trường - ông lặng lẽ nhặt vỏ bim bim, vỏ hộp sữa do học sinh vứt lại. Nói về việc giữ lời hứa - ông đã phải “vay” tiền (hàng trăm triệu đồng) của gia đình để đóng vào “Quỹ Tình Thương” vì trước đó ông kêu gọi học sinh bớt chút tiền mừng tuổi “lì xì” cho Quỹ với cam kết “Thầy sẽ đóng số tiền bằng tất cả số tiền các em đóng góp”.
 

 
Tiếng trống trường vang mãi. Ảnh Nguyễn Đình Toán
 
Triết lý giáo dục của ông còn nằm ở chỗ người thầy phải truyền được cảm hứng cho học sinh. Phải có cảm hứng thì hoạt động của con người mới hiệu quả. Truyền cảm hứng bằng rất nhiều cách: Những câu nói mang tính hiệu triệu; hình ảnh đẹp của người thầy; sự chu đáo, nhân hậu trong ứng xử; cách giảng bài hấp dẫn…
 
Ông đặt mỹ học nằm ở trung tâm triết lý giáo dục khi sử dụng phương pháp khẳng định cái tốt nhiều hơn phủ định cái xấu. Ông đánh giá cao giáo viên nói với học sinh: “Hãy chăm chỉ! Hãy trung thực!...” chứ không phải giáo viên nói: “Đừng lười nhác! Đừng dối trá!...”. Vì vậy, ông thích phong trào “Thi đua hai tốt - dạy tốt và học tốt” chứ không thích phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”…
Sự bình dị có sức lay động của thầy Văn Như Cương
 
Vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp, Nhà giáo - Nhà báo Đặng Gia Mẫn nói về thầy Văn Như Cương: “Thầy tôi mất rồi, mọi lời ca ngợi lúc này cũng là vô nghĩa. Vượt lên tất cả, trong con người thầy không phải giỏi toán, giỏi thơ văn mà là sự nhân hậu”. Có lẽ lòng nhân hậu của Nhà giáo Văn Như Cương đã khiến ông ứng xử bình dị, gần gũi với mọi người.
 
Ông đã nhận một học sinh thiếu điểm vào lớp 6 Trường Lương Thế Vinh khi thấy người mẹ bật khóc vì chồng ở trong quân đội, không có ai đưa đón con đi học. Ông nghiêng hẳn người xuống cho một học sinh nhỏ bé thì thầm vào tai: “Cơm ngon lắm thầy ạ, nhưng con vẫn hơi đói”; và sau đó nói để các cô tăng thêm lượng cho bữa ăn. Lên Cao Bằng, ông ăn trưa ở một quán cơm bình dân khiến một cô giáo thua cá cược vì cách nghĩ “Người nổi tiếng như thầy Văn Như Cương lên đây phải là thượng khách của tỉnh”. Ông ngồi xuống nhà nhặt rau khi lên trang trại của anh Văn Thao. Ông sẵn sàng uống “bia cỏ” ở những quán cóc…
 
Không thể kể hết những hành động có sức lay động như vậy vì đó là phong cách sống của ông. Đây cũng là một trong những di sản ông để lại cho hậu thế.

Hồ Trọng Đàm/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...