THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 03:31

Thi cử: gian lận và hậu quả

30/07/2018 | 10:58
 
Thầy Vũ Khắc Ngọc (áo trắng ngoài cùng bên phải) cùng 2 thầy phát giác tiêu cực thi cử ở Hà Giang. Ảnh: Internet

Cách thức, quy mô gian lận là chưa từng có!
 
Những người đầu tiên nghi vấn và phát hiện ra sự gian lận có quy mô khủng khiếp trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là những thầy giáo trẻ. Các anh không đi thanh tra, kiểm tra; chỉ nhìn vào phổ điểm đã được công bố, thấy sự vô lý của nó; kết hợp với những bức xúc của học sinh và phụ huynh, là các anh phát hiện ra vấn đề. Báo chí phản ánh, dư luận sôi sục; lúc này Bộ Giáo dục và Đào tạo mới vào cuộc. Dẫu vào cuộc muộn nhưng Bộ có vẻ như cố gắng làm rất nghiêm minh.
 
Qua rà soát ở Hà Giang, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra 330 bài thi của 114 thí sinh có dấu hiệu tăng từ 1 đến…8 điểm. Trời ạ! Một bài thi làm hoàn hảo được có 10 điểm, ấy thế mà ở đây có bài thi được tăng tới 8 điểm thì không đỗ cao chót vót làm sao được?!
 
Ở Hà Giang đã khởi tố và bắt tạm giam hai người là Trưởng phòng Nguyễn Thanh Hoài và Phó trưởng phòng Khảo thí Vũ Trọng Lương. Sau khi bị bắt, hai người này đổ lỗi cho nhau rất kịch liệt. Thiết nghĩ, chỉ là chức trưởng, phó phòng, các ông này phải rất “to gan, lớn mật” mới dám làm chuyện tày trời như thế.
 
Sau Hà Giang là đến Sơn La. Theo ông Cục trưởng Cục Khảo thí Mai Văn Trinh, gian lận ở Sơn La còn phức tạp và nghiêm trọng hơn ở Hà Giang. Ở Sơn La cũng đã khởi tố, những người liên quan là 5, trong đó người có chức vụ lớn nhất là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.
 
Hai tỉnh đã được thẩm tra và chỉ ra những sai phạm rất khủng khiếp, rất rõ ràng. Còn một số tỉnh trong vòng nghi vấn là Lạng Sơn, Hòa Bình, Bến Tre, Bạc Liêu… Như vậy, có thể nói quy mô gian lận trong thi cử lần này là chưa từng có!
 
Hậu quả ra sao?
 
Vào lúc này, chưa ai có thể đánh giá hết hậu quả sự gian lận trong kỳ thi THPT 2018 gây ra. Chỉ biết rằng, hậu quả sẽ rất lớn, rất nặng, rất lâu dài… Trước hết, niềm tin vào sự trung thực, nghiêm túc trong thi cử gần như không còn nữa. Như vậy, mục đích, ý nghĩa của kỳ thi cũng bị nghi ngờ. Tiếp đến, người ta nghi ngờ năng lực tổ chức và “dũng khí” chịu trách nhiệm của Ban lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Khi vụ việc mới vỡ lở ở Hà Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rất chủ quan khi cho rằng sai phạm này chỉ do một cá nhân. Sau đó ở Hà Giang có người thứ hai bị bắt, rồi ở Sơn La có tới 5 người liên quan, ông Nhạ mới công nhận sai phạm có tính hệ thống và rất nghiêm trọng. 
 
Dù công nhận như vậy nhưng ông Nhạ vẫn né tránh trách nhiệm cá nhân với tư cách là Bộ trưởng. Ông không biết rằng, Bộ trưởng càng né tránh trách nhiệm, hậu quả càng nghiêm trọng thêm; người ta sẽ nghi ngờ năng lực, bản lĩnh của người lãnh đạo.
 
Một hậu quả trực tiếp nữa là nhiều trường đại học bắt đầu hoang mang trong tuyển sinh. Nếu trong số những thí sinh có điểm cao, có nhiều em do gian lận (chưa bị phát hiện) mà có được thì chất lượng đầu vào sẽ thế nào?
 
Một hậu quả không thể chối cãi nữa (và khá đau lòng) là các em thí sinh và gia đình được nâng điểm đang rơi vào tình thế rất lúng túng, khó xử. Họ cảm thấy có lỗi thì rõ rồi, họ còn thấy xấu hổ nữa; cao hơn, họ thấy mình có trách nhiệm trước sự mất niềm tin của xã hội. Từ sự gian dối trong thi cử, người ta nghi ngờ có sự gian dối trong lĩnh vực khác, lan đến cả kinh tế, chính trị. Hậu quả trong lĩnh vực này rất khó lường và khó đo đếm.
 
Và hậu quả lớn nhất là những sai phạm trong thi cử lần này giáng một đòn rất mạnh vào niềm tin của dân chúng. Dân hầu như không tin vào cách tổ chức thi cử của Bộ GD&ĐT nữa.

 
Ông Nguyễn Thanh Hoài (trái) và Vũ Trọng Lương, hai bị can trong vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: Internet
 
Khắc phục hậu quả thế nào?
 
Khởi tố, bắt tạm giam những người sai phạm; chấm lại các bài thi gian lận, kéo điểm về đúng chất lượng bài thi; họp, rút kinh nghiệm; những người có trách nhiệm đăng đàn công khai xin lỗi, nhận trách nhiệm bằng lời nói… Tất cả những cái này không khắc phục được hậu quả gian lận trong thi cử năm nay.
 
Khắc phục hậu quả gian lận thi cử lần này rất khó vì quy mô của nó rất lớn, những người sai phạm lại là quan chức trong ngành giáo dục. Nếu những sai phạm của họ không bị phát hiện thì một vụ “lừa đảo tập thể” đã trót lọt, kết quả là những học sinh yếu kém đỗ thủ khoa, á khoa, đàng hoàng vào những trường đại học danh giá nhất. Rồi những người này sau đó nắm giữ những chức vụ quan trọng và (không dám tưởng tượng tiếp!)…
 
Dẫu khó, dẫu phức tạp, dẫu không triệt để thì vẫn phải khắc phục hậu quả để năm học mới có thể bắt đầu, để phụ huynh và học sinh bớt thấp thỏm. Việc đầu tiên là chỉ ra những lỗ hổng trong việc tổ chức thi và chấm thi. Việc thứ hai là công khai chấm lại các bài thi bị nghi vấn (đây là công việc rất nhiều và rất phức tạp). Ba là người có trách nhiệm phải xin lỗi và xin từ chức. Bốn là các trường đại học tuyển sinh và đặc biệt lưu ý những em đỗ điểm cao; theo dõi học lực thực chất, nếu không đạt thì cho thôi học.
 
Trên đây chỉ là những biện pháp “nóng”. Còn những biện pháp lâu dài có thể là bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia; thay vào đó là xét học bạ và cho thí sinh viết một bài luận với chủ đề tự chọn. Những thí sinh được tốt nghiệp và có nguyện vọng học trường nào thì gửi kết quả học tập 3 năm cuối và bài luận đến đó. Việc tuyển sinh là của các trường đại học; họ quan tâm và có quyền lợi trực tiếp khi tuyển được những sinh viên xứng đáng.
 
Làm giáo dục phải có lòng tự trọng

Lòng tự trọng là một phẩm chất tốt đẹp của con người. Xã hội rất cần phẩm chất này, đặc biệt là ở những người làm giáo dục. Chỉ có lòng tự trọng của những người làm giáo dục mới loại trừ hết tiêu cực trong thi cử.
 
Thật sự là việc gian lận trong thi cử năm nay đặt hầu hết chúng ta, kể cả báo chí vào tình thế rất lúng túng (cũng có một số nguời hả hê nhưng ít thôi). Mới đây thôi, báo chí đã chẳng ca ngợi cái hay, cái ưu việt của việc thi “2 trong1”, lại tổ chức ngay tại địa phương là gì?! Vì vậy, chúng ta phải hết sức cầu thị, bình tĩnh để trước hết là giải quyết hậu quả, sau đó là tìm ra những hình thức hay hơn.
 
Thiết nghĩ, nhân vật chính trong giáo dục là thầy cô giáo. Hãy đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, có lòng tự trọng; tin tưởng và giao trọng trách cho họ. Cái quan trong nhất là quá trình dạy học và đánh giá kết quả trong nhà trường. Nếu chúng ta có đội ngũ giáo viên có lòng tự trọng, họ sẽ đánh giá đúng năng lực học trò của mình. Điều đó được thể hiện trong học bạ hết năm này, qua năm khác. Vậy là căn cứ vào học bạ, chúng ta có thể đánh giá đúng năng lực của học sinh đó.
 
Khi đã có cơ sở để đánh giá học sinh thì không cần những kỳ thi hoành tráng, căng thẳng, tốn kém và đầy lỗ hổng nữa. Như vậy, đây là cơ sở để chúng ta bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, bất cứ chủ trương, chính sách nào cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực; so sánh thấy mặt tích cực nhiều hơn thì thực hiện. Tôi bảo đảm việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ có tác động tích cực nhiều hơn, nghĩa là mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn.
 
Nhưng xin được khẳng định lại là đội ngũ giáo viên với lòng tự trọng của họ là then chốt để thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT.
 
                                                                            Đàm Trọng  

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...