THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 01:13

Thu hút học sinh vào trường nghề: Đòi hỏi tổng thể nhiều giải pháp

19/05/2018 | 10:15
 
Quan niệm coi học nghề là lựa chọn cuối cùng vẫn còn tồn tại trong nhận thức của nhiều phụ huynh và học sinh. Ảnh minh họa

Vì sao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường khó tuyển sinh?
 
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đạt được những thành quả cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình và thương hiệu đào tạo đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng cho nhân lực quốc gia. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính là do nhiều gia đình và học sinh vẫn thích học đại học hơn là học nghề bất chấp năng lực, trình độ và khả năng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp càng gặp khó khi điều kiện vào đại học thêm rộng mở nhờ sự xuất hiện các trường đại học công lập và dân lập ngày càng nhiều, tạo cơ hội cho các bạn trẻ bước chân vào giảng đường đại học dễ dàng hơn. Trong khi đó, cơ chế tuyển sinh đại học cũng tạo nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh khi ứng tuyển với các chế độ ưu tiên, các hình thức xét tuyển không còn khắt khe, áp lực như khi thi đại học truyền thống. Điều này đã thu hút một lực lượng lớn học sinh phổ thông, khiến các trường nghề không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
 
Hơn nữa, một trong những rào cản khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là trường trung cấp đi tư vấn tuyển sinh là không nhận được sự hợp tác của các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở. Thậm chí, có trường còn từ chối, không muốn các trường nghề đến hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh do tâm lý muốn học sinh của mình thi vào đại học để lấy thành tích. Nhiều trường THPT chỉ hướng dẫn học sinh làm hồ sơ xét tuyển vào đại học và các trường cao đẳng sư phạm mà không chú ý hướng các em đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
 
Một nguyên nhân chủ quan là do truyền thông về công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng và hiệu quả, làm cho giáo dục nghề nghiệp chưa đến được với đông đảo xã hội, khiến tâm lý chung vẫn chủ yếu quan tâm đặc biệt đến học đại học.
 
 
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, mở thêm các chuyên ngành đào tạo mới, gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để học viên ra trường có việc làm ngay. Ảnh: AT
 
Đâu là giải pháp?
 
Làm sao để học sinh phổ thông thích học nghề hơn học đại học là một bài toán khó, đòi hỏi tổng thể nhiều giải pháp. Để khắc phục tình trạng nêu trên, trước hết, cần quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách thật hợp lý, sáp nhập và giải thể những cơ sở không hiệu quả, chỉ để lại các đơn vị thực sự có thương hiệu và chất lượng. Đồng thời, tạo sự chuyển biến trong phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; nhất là thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dạy nghề; hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp...
 
Thứ hai là đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, lập nghiệp và khởi nghiệp; phản ánh toàn diện hoạt động đào tạo nghề đến người dân và xã hội, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Trong tuyên truyền, quảng bá về giáo dục nghề nghiệp, cần nhất quán về thuật ngữ, thông điệp, thương hiệu, có một nguồn thông tin toàn diện và thống nhất trong toàn khối ngành. 
 
Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần chủ động tuyên truyền về hướng nghiệp và tuyển sinh, từng bước đưa thương hiệu của các trường đến gần với thí sinh hơn, nhất là tuyên truyền rõ về ngành nghề, đối tượng của mình để các bậc phụ huynh và học sinh hiểu rõ về cơ hội khi tham gia học nghề, sẽ làm ở đâu và cơ hội thăng tiến trong tương lai như thế nào, mức thu nhập ra sao… Đồng thời, cần xây dựng hệ thống tư vấn hướng nghiệp; xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp, có đội ngũ hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và tiếp xúc với các thí sinh tương lai ngay khi còn học phổ thông. Trong tuyển sinh, không nên đánh giá, tuyển học sinh qua điểm số, mà cần đánh giá toàn diện các kỹ năng để các em có điều kiện phát triển... 
 
Một điều đặc biệt quan trọng khác là các trường phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, mở thêm các chuyên ngành đào tạo mới, có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng giảm tải, tích hợp chương trình cho phù hợp, gắn chặt với doanh nghiệp để học viên ra trường có việc làm ngay. Chỉ có như vậy thì chính những học viên khi ra trường sẽ là những tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả nhất, là cầu nối tuyên truyền cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đức Dương/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...