THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 07:00

Thu phí - Giải pháp chống tắc đường ở thành phố?!

30/07/2019 | 09:25
 
Các trạm thu phí giao thông chưa bao giờ là giải pháp chống ùn tắc!
 
Tôi hoảng hồn khi thấy TP.HCM đưa ra phương án chi 250 tỷ đồng để  đặt 34 trạm thu phí quanh TP.HCM, nhằm chống ùn tắc. Trong hiểu biết của tôi, các trạm thu phí giao thông chưa bao giờ, chưa ở đâu là giải pháp chống ùn tắc giao thông hiệu quả cả! Bởi đơn giản qua trạm thì phải giảm tốc độ, dừng lại đóng tiền thì người ta mới cho đi. Mất tiền đã đành, còn mất thời gian nữa thì làm sao giao thông có thể thông suốt được?!
 
Lý luận của những người muốn xây trạm thu phí ở TP.HCM là khi thu phí thì người ta tiếc tiền, người ta ít vào nội đô thành phố nên không bị tắc đường. Trời! Đây là tư duy và tính toán đơn giản đến mức học sinh phổ thông cũng không dùng tới nữa. Người ta cần giải quyết công việc, hoặc là mưu sinh thì người ta mới phải vào nội đô thành phố chứ mấy người vào đó để chơi (trừ những ngày lễ hội). Vì vậy, chuyện thu tiền để hạn chế xe hoàn toàn không có cơ sở.
 
Nói ngay và luôn thế này: Nếu TP.HCM thực hiện dự án xây 34 trạm thu phí vào nội đô để chống tắc đường là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Còn nếu nói lập trạm thu phí để tăng thu nhập cho ngân sách thì có thể những biện pháp này có cơ sở pháp lý không? Biện pháp này làm cho dân sướng hơn hay khổ hơn? Biện pháp này có phải là một trong giải pháp biến TP.HCM thành đô thị thông minh không? 
 
Tôi nghĩ, trước khi chở gạch vào xây trạm thu phí, các cấp, các ngành của TP.HCM phải trả lời được những câu hỏi đó và phải làm cho dân thông, dân ủng hộ. Nếu không, dự án sẽ phá sản, sẽ làm lãng phí tiền của và khiến thành phố xấu đi.


Ngay cả đường vành đai cũng thường xuyên ùn tắc. 
 
Thu phí nhưng không đặt trạm - khôn ngoan hơn nhưng…
 
Hà Nội cũng gặp phải vấn đề tắc đường như TP.HCM và cũng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này. Hà Nội cũng có phương án thu phí các phương tiện giao thông vào nội đô nhưng là thu phí tự động, không xây trạm, lái xe không phải dừng. Rõ ràng, so với phương án của TP.HCM thì phương án của Hà Nội khôn ngoan hơn, hiện đại hơn, dễ chấp nhận hơn.
 
Cụ thể, Hà Nội đã có đề cương dự thảo thu phí phương tiện cơ giới đi vào nội đô. Theo đề cương này, ranh giới thu phí được tính từ đường vành đai 3 trở vào. Lái xe, chủ xe phải mở tài khoản ngân hàng, gắn thiết bị tự động trên xe, hệ thống sẽ tự trừ tiền trong tài khoản khi chủ xe đi vào nội đô Hà Nội. Cùng với đó, các lỗi vi phạm của lái xe trong thành phố sẽ bị phạt nguội và trừ tiền trong tài khoản.
 
Nghe qua thì thấy có vẻ hợp lý, văn minh, dễ chấp nhận. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản như trong đề cương. Nằm trong vành đai 3 của Hà Nội là những khu vực rộng lớn với hàng triệu người sinh sống và làm việc. Có những người ở trong vành đai 3 nhưng ngày nào cũng đi làm ở ngoài vành đai 3; vậy ngày nào họ cũng phải đóng phí sao? Lại có những người ngược lại: sinh sống ở ngoài vành đai 3 nhưng cơ quan, công ty, nơi kiếm sống lại ở trong vành đai 3 nên ngày nào cũng phải vào đó; nộp tiền thế nào cho hợp lý đây?
 
Còn nữa, xe của những người ở tỉnh lẻ có việc phải vào nội đô Hà Nội thì thế nào? Mỗi năm, hoặc vài năm, thậm chí là cả đời họ mới đến Hà Nội một lần, vậy họ cũng phải mở tài khoản, gắn thiết bị tự động mới được vào nội đô thành phố sao? Điều này là gây khó cho người tỉnh lẻ đấy!
 
Và cuối cùng, cũng như ở TP.HCM, việc thu tiền vào nội đô thành phố dựa trên cơ sở nào? Có đúng luật pháp không? Có văn minh và công bằng không?...
 
Thực tế chỉ ra rằng, việc thu phí giao thông chưa bao giờ là giải pháp chống ùn tắc hiệu quả; có chăng nó chỉ là biện pháp tăng thu nhập cho ngân sách.
 

Để giải quyết việc tắc đường ở nội đô các thành phố lớn, phương án thu phí không phải là phương án tốt.
 
Điều gì sẽ xảy ra khi Hà Nội, TP.HCM thu phí vào nội đô?
 
Việc thu phí vào nội đô khó có thể giải quyết được vấn đề tắc đường, nhưng nó có thể làm cho ngân sách có thêm tiền. Chỉ có điều số tiền này có chính đáng và hợp pháp (ở bình diện quyền con người) hay không mà thôi. Nhưng khi chính quyền đã quyết tâm làm thì sẽ có những quyết định của cơ quan có thẩm quyền là Hội đồng Nhân dân thành phố.
 
Tuy nhiên, điều này cần phải thấy: Sau khi Hà Nội, TP.HCM thu phí trót lọt, có thêm thu nhập cho ngân sách, những thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… có chịu ngồi yên không? Tôi nghĩ là họ cũng sẽ tìm cách thu phí vào nội đô thành phố vì đã có tiền lệ rồi. Lúc đó, dân ta ngoài các loại thuế, loại phí khác rồi còn phải gánh thêm “phí vào nội đô” nữa. Điều này có một cái gì đấy gây nên cảm xúc tiêu cực vì chỉ có đi lại trên đường phố mà cũng phải mất tiền.
 
Các giải pháp thu tiền của hàng chục triệu người cần phải được suy nghĩ một cách thấu đáo. Mục đích cơ bản của việc thu phí này là nhằm hạn chế xe vào nội đô, tránh được việc ùn tắc. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, có việc cần là người ta phải đi, dù là phải đóng phí. Vậy khi thu phí không đạt được mục đích chính thì làm thế nào? Đây là điều mà các cấp ban hành chính sách cần cân nhắc.
 
Để giải quyết việc tắc đường ở nội đô các thành phố lớn, phương án thu phí không phải là phương án tốt.
 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...