CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 07:59

Thúc đẩy lối sống và ăn uống lành mạnh trong đại dịch

19/03/2022 | 06:58
Dịch Covid-19 bùng phát không chỉ cướp đi sinh mạng nhiều người trên khắp thế giới mà còn khiến cuộc sống của rất nhiều gia đình bị đảo lộn. Khi các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em đóng cửa, nhiều cha mẹ phải dành phần lớn thời gian ở nhà chăm sóc con cái, và câu hỏi “hôm nay ăn gì”, tưởng như rất giản đơn nhưng cũng có thể khiến họ đau đầu mỗi ngày.
Trong thời điểm đại dịch, cha mẹ chỉ có thể cố gắng hết sức để thích ứng với thay đổi. Ảnh minh họa: Trương Việt Hùng/UNICEF

Trong thời điểm đại dịch, cha mẹ chỉ có thể cố gắng hết sức để thích ứng với thay đổi. Ảnh minh họa: Trương Việt Hùng/UNICEF

Bí quyết để có những bữa ăn lành mạnh

Cha mẹ/người chăm sóc trẻ không chỉ gặp khó khăn trong việc chọn mua thực phẩm vì nguồn cung gián đoạn (trong giai đoạn giãn cách xã hội hoặc cách ly tại nhà) mà còn đối mặt với nguồn tài chính đang dần cạn kiệt do thất nghiệp và mất thu nhập. Do đó, nhiều cha mẹ đã tìm kiếm các bữa ăn sẵn và thực phẩm chế biến sẵn với chi phí thấp để nuôi gia đình. Tuy nhiên, điều này có thể không đảm bảo dinh dưỡng, thức ăn đơn điệu, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Một chế độ ăn lành mạnh là tiền đề để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là Covid-19. Ðể có những bữa ăn lành mạnh, chế độ ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng, cha mẹ nên duy trì chế độ ăn nhiều hoa quả và rau. Hãy cố gắng mua những thực phẩm tươi bất kỳ lúc nào có thể. Rau, quả tươi có thể ăn ngay hoặc cũng có thể làm đông lạnh để giữ được phần lớn chất dinh dưỡng và hương vị.

Trong trường hợp không mua được thực phẩm tươi, cha mẹ có thể dùng thực phẩm khô hoặc đóng hộp tốt cho sức khỏe như đậu và đậu gà đóng hộp, là món ăn rất nhiều chất dinh dưỡng và có thể bảo quản để sử dụng hàng tháng thậm chí hàng năm; Các loại cá hộp ngâm dầu như cá mòi, cá thu, cá hồi rất giàu đạm, a-xít béo Omega 3, vitamin và khoáng chất; Rau củ đóng hộp như cà chua, thường không chứa nhiều vitamin như rau củ tươi nhưng đây cũng là một lựa chọn để dự trữ khi khó mua rau củ tươi hoặc đông lạnh.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên dự trữ một chút đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe như các loạt hạt, pho-mát, sữa chua (tốt nhất là loại không đường), hoa quả hoặc hoa quả sấy khô, trứng luộc… Những đồ ăn vặt này giàu dinh dưỡng, làm trẻ thấy no và giúp trẻ hình thành những thói quen ăn uống lành mạnh sau này.

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn là điều cha mẹ cần lưu ý. Ngoài ra, nấu nướng và ăn cùng nhau là một cách rất hay để tạo thành những thói quen lành mạnh, gắn kết các thành viên trong gia đình. Những khoảng thời gian và thói quen như thế này có thể giúp trẻ giảm lo âu, căng thẳng trong thời gian dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Chế độ ăn lành mạnh cần có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ…

Chế độ ăn lành mạnh cần có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ…

Cha mẹ lạc quan truyền năng lượng tích cực cho con trong mùa dịch

Chắc chắn sẽ có một vài sự xáo trộn, khó khăn xảy ra với việc nuôi dạy con trong mùa dịch. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng cần giữ tinh thần lạc quan, vui tươi và truyền năng lượng tích cực đó đến các con của mình. Theo các chuyên gia từ UNICEF, để giữ được sức khỏe tinh thần và thể chất tốt nhất, cha mẹ có thể áp dụng các gợi ý dưới đây:

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cha mẹ cảm thấy tràn đầy năng lượng suốt cả ngày, ngủ ngon hơn vào ban đêm, có trí nhớ sắc bén và bản thân cảm thấy thoải mái và tích cực hơn. Thậm chí, chỉ cần đi bộ nhanh 10 phút cũng giúp  cải thiện tâm trạng và sức khỏe tâm thần lẫn thể chất.

Giữ kết nối với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp

Chúng ta có thể giữ khoảng cách về vật lý để hạn chế sự lây lan của virus, nhưng cần phải giữ kết nối về mặt tình cảm và xã hội với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của mình. Kỷ niệm những dịp vui vẻ qua các cuộc gọi thoại video hoặc tham gia vào các nhóm làm việc trực tuyến. Khi gặp người khác, ưu tiên các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang/giữ khoảng cách theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Ðừng quên thư giãn

Có nhiều cách để giúp cha mẹ cải thiện tâm trạng và vượt qua căng thẳng như chơi với con, đi dạo, nói chuyện với bạn bè, chăm sóc cây cối, đọc sách hay thử một công thức nấu ăn mới.

Tạo không gian để nghỉ ngơi

Thiết lập (và tuân theo) quy định "không sử dụng các thiết bị công nghệ" trong khoảng thời gian trước khi đi ngủ - đảm bảo không kiểm tra email và tin nhắn. Có thể cân nhắc việc đặt lời nhắc để ghi nhớ những ranh giới mà mình đã đặt ra.

Tìm kiếm hỗ trợ sức khỏe tâm thần nếu cần

Nếu có các dấu hiệu trầm cảm như: mệt mỏi, lo lắng, kiệt sức; kéo dài các vấn đề về giấc ngủ, nhịp tim, nhịp thở nhanh; cảm giác nguy hiểm; mất cảm giác thèm ăn và sụt cân; tuyệt vọng, đau đầu và các cơn đau khác dai dẳng; gặp vấn đề về tiêu hóa không thuyên giảm… cha mẹ cần tìm kiếm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc chăm sóc chuyên biệt. Nếu không được điều trị, những triệu chứng này có thể khiến cuộc sống của bạn không còn vui vẻ, năng động, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái.

Các chuyên gia lưu ý, cha mẹ không nên tự tạo áp lực cho bản thân phải cố gắng tạo ra kết quả hoặc trải nghiệm giống như trước đại dịch. Trong thời điểm này, chúng ta chỉ có thể cố gắng hết sức để thích ứng với thay đổi.

Lời khuyên về vệ sinh an toàn thực phẩm:

• Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch trong vòng ít nhất 20 giây trước khi chuẩn bị đồ ăn.

• Dùng thớt riêng biệt cho thịt và cá sống.

• Nấu chín đồ ăn đến nhiệt độ thích hợp.

• Bảo quản những thực phẩm chóng hỏng trong tủ lạnh hoặc tủ đông, lưu ý hạn sử dụng của thực phẩm.

• Cố gắng tái chế hoặc loại bỏ thực phẩm thừa và bao gói một cách hợp lý và vệ sinh.

• Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong vòng ít nhất 20 giây trước khi ăn và đảm bảo trẻ em bạn cũng rửa tay sạch.

• Luôn luôn sử dụng đĩa, bát và đồ nấu nướng sạch sẽ.

 

Đông Viên
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Quản lý thời gian thế nào tăng tính hiệu quả trong công việc?

Quản lý thời gian thế nào tăng tính hiệu quả trong công việc?

2 năm trước

“Câu chuyện cuộc sống” tháng 3 này, những vấn đề về việc làm, quản lý tốt thời gian để công việc hiệu quả hơn trở thành nội dung được chú ý bởi đây là giai đoạn chuyển...
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục là việc khó, phức tạp nhưng phải làm

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục là việc khó, phức tạp nhưng phải làm

2 năm trước

Ngày 14/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GDĐT, cùng dự có 4 Thứ trưởng và các thành viên Ban Chỉ đạo.
“Nam Kỳ và cư dân”: Bộ tư liệu lịch sử đồ sộ

“Nam Kỳ và cư dân”: Bộ tư liệu lịch sử đồ sộ

2 năm trước

Trong số nhiều tác phẩm về vùng đất và con người Việt Nam một thuở do người Pháp ghi chép, bộ sách 2 tập “Nam Kỳ và cư dân” (tập đầu về các tỉnh miền Tây và tập sau về các tỉnh...