CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 06:26

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

20/03/2018 | 11:09
 
Lễ cưới là sự kiện trọng đại nhưng nên tổ chức giản dị, vui vẻ, trang nghiêm, không nên tổ chức rình rang, tốn kém. Ảnh minh họa (Internet)
 
Cưới không khoa trương, tang không cỗ bàn
 
Có thể thấy, việc phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế bên cạnh việc tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ thì cũng không ít thói hư tật xấu xâm nhập vào lối sống của người dân Việt Nam.
 
Phổ biến nhất hiện nay, một bộ phận lớn những cán bộ có địa vị, hay gia đình có điều kiện tổ chức đám tang, đám cưới rình rang, kéo dài về thời gian, địa điểm, gây tốn kém tiền của. Họ biến chúng trở thành những hoạt động thương mại hóa để trục lợi. 
 
Cưới xin là việc hệ trọng cả đời người, được gia đình, xã hội coi trọng. Vì thế, việc tổ chức sao cho vừa trang trọng, vừa vui vẻ đầm ấm mà vẫn tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc không phải là điều dễ dàng. Ở thời đại mà người ta không còn lo lắng về cái ăn, cái mặc, thì đi “ăn cưới” không còn quá quan trọng. Thậm chí việc ăn uống, cỗ bàn liên tục khiến chúng ta sợ hãi và mệt mỏi. Việc đi cưới chỉ là hình thức “trả nợ”, khi mà tiền mừng, lễ mừng cưới của người sau phải tương đương với người trước. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện, hình ảnh về “siêu đám cưới” với cô dâu, chú rể vàng treo đầy người hay những “đám cưới thế kỷ” của người nổi tiếng có số tiền tổ chức khiến ta bàng hoàng. Vì thế, việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới xin là điều cần thiết. Các thủ tục có tính bắt buộc cần được làm đơn giản, gọn nhẹ, tổ chức ăn uống tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên dựng rạp quá phô trương. Hiện nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để tổ chức đám cưới trở nên phổ biến. Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông và trật tự xã hội. 
 
Việc tang là thể hiện tình cảm, sự tiếc nuối, trân trọng giữa người sống và người chết. Nó không đơn giản chỉ là tiễn người đã khuất về với đất mẹ. Mà còn thể hiện những giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống của dân tộc. Tổ chức việc tang cần phải đảm bảo sự tôn nghiêm, thành kính, trang trọng và gọn nhẹ. Tránh tình trạng rải nhiều vàng mã, khóc thuê, nhạc tang kéo dài cả ngày, xây dựng lăng mộ phô trương, chiếm diện tích lớn, không phù hợp với quỹ đất, phong tục tập quán của địa phương. Đặc biệt, các gia đình có tang không nên tổ chức cỗ bàn, rượu bia, thuốc lá quá rình rang. 

 
Lễ hội cần trang trọng, tôn nghiêm, không sa vào mê tín dị đoan. Ảnh minh họa (Internet)
 
Đừng để lễ hội biến chất
 
Lễ hội là hoạt động sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, nó không những thể hiện sự tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đã có công dựng nước và giữ nước, mà còn thể hiện đời sống tâm linh, các giá trị truyền thống dân tộc và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. 
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội bị biến dạng, trở thành một hoạt động thương mại hóa của nhiều cá nhân, tập thể. Hiện tượng tăng giá vé vào cửa, hét giá đồ lễ, các dịch vụ đi kèm, thuê người cúng, viết sớ... sa vào bói toán, xem quẻ một cách mê tín, mù quáng đang diễn ra khá nhiều. Thậm chí, việc cờ bạc, bia rượu tại các đền chùa không hề ít. Đồng thời, ý thức của một bộ phận lớn người dân khi tham gia lễ hội còn kém. Vào những ngày lễ hội diễn ra, lượng người đổ về từ các nơi rất lớn, ban tổ chức không thể kiểm soát, ổn định được tất cả thì xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, thậm chí là tranh giành, đánh nhau, cướp giật đồ lễ, đồ lộc. Những con đường, khu công cộng, đền chùa, di tích, danh lam thắng cảnh ngập trong rác sau lễ hội là những hình ảnh không còn xa lạ. Để lễ hội thực sự văn minh, diễn ra vui tươi lành mạnh, cùng với trách nhiệm của cơ quan chức năng, ban tổ chức, quản lí lễ hội thì điều quan trọng là phải nâng cao được nhận thức của người dân. Từ việc ăn mặc nghiêm túc, chỉnh tề, hành xử lịch sự, không nói tục chửi thề… đến việc xả rác đúng nơi, tôn trọng những quy định trong quá trình diễn ra lễ hội, không sa vào những hoạt động mê tín, bói toán để tránh hậu quả đáng tiếc.
 
Tạm kết
 
Để xây dựng đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu, học hỏi những cái mới, hiện đại. Chúng ta  cần phải phát huy, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được gây dựng qua bao đời nay. Cái xấu thì bỏ, cái tốt thì giữ, chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đời sống mới không phải là cái gì cũng bỏ hết. Không phải cái gì cũng mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Ví dụ, ta phải bỏ hết tính lười biếng và tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng nhiều phiền phức thì phải sửa lại cho hợp lý. Ví dụ: Cơm cúng quá xa xỉ ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt thì ta phải phát triển thêm. Ví dụ: Ta phải tương thân, tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay thì phải làm. Ví du: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”. 

Nguyệt Tú/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...