THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 03:53

Tiền lương: Có giải quyết được tận gốc?

19/05/2018 | 07:36
 
Những ngôi nhà của những quan chức lương thấp. 
                    
Tiền lương và những nghịch lý
 
Căn cứ vào chế độ hiện hành, lương của bộ trưởng cũng chỉ vào khoảng 13 triệu đồng/tháng. Lương của thủ tướng và những chức vụ tương đương cũng chỉ ở mức 15 triệu đồng/tháng. Còn các cử nhân mới đi làm ở các công sở, lương chỉ ở mức trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Những con số này nói lên rằng, chúng ta đang hưởng lương quá thấp, không tương ứng với công việc chúng ta đang đảm nhiệm.
 
Tuy nhiên, dẫu lương thấp như vậy nhưng có thấy bộ trưởng nào khốn khó vì thiếu thốn đâu?! Mà đừng nói tới các quan chức, chỉ nói tới cán bộ bình thường cũng đã thấy nghịch lý rồi. 
 
Một cán bộ làm việc lâu năm ở các cơ quan hợp tác quốc tế, anh có nhiều bạn bè, người quen là người nước ngoài. Mỗi khi họ hỏi về tiền lương của anh, anh đều rất lúng túng. Nhưng người ta quan tâm và hỏi thân tình nên anh đành phải trả lời: “Lương của tôi trên 8 triệu đồng/tháng, nghĩa là khoảng 400 USD/tháng”. Những người nước ngoài ngạc nhiên vì lương thấp như vậy nhưng anh vẫn sống đàng hoàng, thậm chí là sang trọng. Anh ranh mãnh mỉm cười nói với họ: “Việt Nam có câu ngạn ngữ “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”; vấn đề là biết cách thu xếp trong cuộc sống”. Khi đến thăm anh tại nơi ở, một người bạn Nhật đã phải kêu lên: “Lương anh không cao nhưng anh thuê được căn nhà rộng rãi và sang trọng quá!”. Người cán bộ Việt Nam đành phải nói thật: “Không phải nhà thuê đâu! Đây là nhà thuộc sở hữu của tôi đấy!”. Nghe thấy thế, anh bạn người Nhật chỉ biết trợn tròn mắt.
 
Căn cứ vào số xe hơi, nhà lầu, căn hộ cao cấp…, chúng ta có thể kết luận: Đại đa số quan chức, công chức, viên chức Việt Nam có nguồn thu nhập thêm ngoài lương. Những khoản thu nhập này rất đáng kể đối với họ, nhiều khi cao hơn cả tiền lương. Những khoản thu nhập này hợp pháp hay không thì tùy vào khối lượng và vị trí công tác của từng người. Điều này giải thích tại sao nhiều quan chức có biệt phủ nguy nga như cung điện.
 
Tăng lương nhằm giải quyết nhiều vấn đề
 
“Tăng lương” là cách chúng ta nói gọn, nói tắt. Còn Trung ương Đảng thảo luận sâu rộng và đầy đủ hơn. Đó là “Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”. Tên của đề án nói lên rằng, Đảng đã nhìn thấy vấn đề và muốn cải cách chính sách tiền lương để giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc.
 
Tại Hội nghị, đã có nhiều Ủy viên Trung ương phát biểu ý kiến, trao đổi thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao về những nhiệm vụ, giải pháp mà đề án đề ra nhằm thực hiện triệt để, toàn diện chính sách tiền lương, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn lực để thực hiện đề án. Điều này phải nói tới vì muốn tăng lương, cần phải có tiền, rất nhiều tiền. Vậy nguồn tiền đó ở đâu ra?
 
Theo nguyên lý, tiền lương phản ánh năng suất lao động. Vì vậy, muốn tăng lương, trước hết phải tăng năng suất lao động. Lương của người Singapore cao gấp hàng chục lần lương của chúng ta. Điều này là hợp lý, vì năng suất lao động của họ cũng cao gấp hàng chục lần năng suất lao động của người Việt Nam. Vậy trước khi có thể tăng lương, phải bàn chuyện phải tăng năng suất lao động.
 
Ở khu vực sản xuất, muốn tăng năng suất lao động, phải có máy móc hiện đại, cách tổ chức các dây chuyền sản xuất hợp lý, công nhân có tay nghề cao. Ở khu vực hành chính và hành chính sự nghiệp, muốn tăng năng suất lao động, phải sắp xếp đúng người, đúng việc; giảm bớt họp hành, giảm bớt thủ tục hành chính. Ai cũng thấy bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay quá cồng kềnh và làm việc kém hiệu quả. Vậy cần phải sắp xếp lại, cần giảm biên chế. Có vẻ như Bộ Công an muốn đi đầu trong lĩnh vực này: Bộ sẽ giảm nhiều đầu mối bằng cách bỏ tổng cục, sáp nhập nhiều cục. Nhiều người đang theo dõi sự sắp xếp lại cơ cấu ở Bộ Công an với nhiều hi vọng.
 
Một trong những vấn đề then chốt mà việc tăng lương nhắm đến là làm cho đội ngũ cán bộ trong sạch. Hiện nay, nhiều người cho rằng, do lương thấp nên người ta tìm cách xà xẻo để kiếm chác thêm. Nếu lương đủ sống, họ sẽ từ bỏ những thói xấu này, chỉ tập trung vào công việc. Đây phải là một trong những mục đích cơ bản của việc cải cách chính sách tiền lương.

 
Trong khuôn viên một trường đại học ở miền Trung.
 
Phải chỉ ra những biện pháp khả thi!
 
Chuyện phải cải cách chính sách tiền lương là việc không cần phải bàn cãi nữa! Vấn đề cần thảo luận, phải làm cho rõ là cải cách như thế nào? Lấy nguồn tiền ở đâu ra (năng suất lao động chưa thể tăng vù vù ngay được)? Nghĩa là phải chỉ ra được những biện pháp khả thi để thực hiện trong thực tế cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần nói về lý luận.
 
Đã có nhiều người tính toán và đưa ra những con số: Với tình hình giá cả như hiện nay, lương bộ trưởng ở tầm 35 - 40 triệu đồng/tháng, vụ trưởng 17 - 20 triệu đồng/tháng, trưởng phòng 10 - 12 triệu đồng/tháng, lương tối thiểu ở khu vực hành chính công phải 5 triệu đồng/tháng. Nếu chúng ta chấp nhận những con số này thì quỹ lương phải tăng lên gấp đôi. Nói thẳng là chúng ta không lấy đâu ra nguồn tiền như vậy!
 
Tuy nhiên, vẫn có cách để đáp ứng những con số đó. Trước hết, đó là cắt giảm những người hưởng lương. Điều này rất dễ thấy. Ví dụ, trước kia chúng ta có quỹ lương hàng tháng là 90 ngàn tỷ đồng, số người hưởng lương là 3 triệu người. Nay ta giảm số người ăn lương xuống còn 2 triệu người thì số tiền những người được hưởng lương phải tăng lên. 
 
Một cách nữa là giảm bớt những chi phí ít mang lại lợi ích. Cắt giảm những chuyến đi công tác nước ngoài (thực chất là đi du lịch) vô bổ; những cuộc hội thảo, họp hành không giải quyết vấn đề gì. Phải cương quyết cắt giảm lượng xe công hiện đang thừa thãi. Và đặc biệt, không phê duyệt những dự án mập mờ tiêu tốn rất nhiều tiền mà không mang lại hiệu quả trên thực tế.
 
Thực hiện được những việc như thế, chúng ta có rất nhiều tiền để bắt tay vào cải cách chính sách tiền lương. Làm được như vậy, chúng ta giải quyết được tận gốc vấn đề: Lương đủ nuôi sống gia đình người hưởng lương. Đây chính là cơ sở của một xã hội văn minh.
                                                           
                                              Quản lý tốt! Có thể tăng lương
 
Ít người dám đề cập đến việc ở Việt Nam có nền kinh tế ngầm. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, có nhiều nguồn tiền mà các cơ quan chức năng không quản lý được.
 
Những người làm việc trong ngành công an thường không liên quan đến sản xuất kinh doanh. Họ chỉ hưởng lương, cho dù lương họ có cao đi chăng nữa nhưng cũng không thể có tiền để tậu xe hơi, xây nhà lầu. Một đại tá ở Đà Nẵng, một đại úy ở Thanh Hóa có những biệt phủ giá trị nhiều tỷ đồng (chưa nói đấy là nguồn tiền hợp pháp hay không) nói lên rằng, có những nguồn tiền rất lớn đang “chảy ngoằn ngoèo” trong cuộc sống của chúng ta.
 
Hiện nay, có 130.000 sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài, 90% trong số đó là đi du học bằng con đường tự túc. Ước tính, số tiền mỗi năm chuyển ra nước ngoài để nộp học phí là khoảng 3 tỷ USD. Ngoài ra, một bộ phận người Việt cũng chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản. Con số này cũng vào hàng tỷ USD.
 
Hiện nay, phố phường, làng mạc đầy những căn nhà to lớn và sang trọng; trong mỗi một ngôi nhà thường là có một chiếc ô tô. Chủ sở hữu của những ngôi nhà này nhiều khi chỉ là một quan chức nhỏ, thậm chí chỉ là một viên chức bình thường. Tiền đâu ra để họ xây nhà? Chắc chắn không phải là tiền lương rồi!
 
Căn cứ vào những gì đang diễn ra ở khắp mọi miền đất nước, chúng ta có thể kết luận rằng, có một điều gì tương tự như một nền kinh tế thứ hai (nếu không muốn gọi là kinh tế ngầm) đang hoạt động khá mạnh mẽ ở Việt Nam. Nền kinh tế này cho phép nhiều người có cuộc sống sung túc, mặc dù mức thu nhập công khai của họ không cao.
 
Từ thực tế này, yêu cầu phải tìm cách quản lý thật tốt mọi nguồn tiền thì ngân sách sẽ có thêm những khoản tiền lớn. Nếu làm được như vậy, lo gì không có tiền để tăng lương?!
 
                                                                   Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...