THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 12:47

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

29/10/2021 | 14:26
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ chứa đựng những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tôn giáo đặc sắc, đề cao đạo lí uống nước nhớ nguồn, hiếu kính tổ tiên, tôn vinh người Mẹ - Mẫu, đồng thời góp phần thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của con người về một đời sống đầy đủ, bình an, hạnh phúc.

Ý thức cội nguồn dân tộc trong Ðạo Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.

Một giá hầu đồng. Ảnh: Đông Khánh

Một giá hầu đồng. Ảnh: Đông Khánh

Theo cố GS.TS Ngô Đức Thịnh, Phật Bà Quan Âm là vị Bồ Tát của đạo Phật. Theo thư tịch cổ và huyền thoại, Phật Bà đã giải cứu công chúa Liễu Hạnh trong một trận kịch chiến. Từ ân đức đó, công chúa Liễu Hạnh đã quy y và mở đường cho sự hội nhập giữa đạo Mẫu dân gian và Phật giáo. Bởi vậy, trong điện thần đạo Mẫu (cũng như trong nhiều nghi lễ đạo Mẫu), Phật Bà Quan Âm đều hiện diện. Về nguồn gốc, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là tiên nữ giáng trần, sau đó quy y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Các Thánh Mẫu có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc thiểu số như người Tày, Nùng, Dao… Bên cạnh đó, trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, có nhiều vị vốn là nhân vật lịch sử như: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu tâm linh, khát vọng hướng về các giá trị chân-thiện-mỹ với việc giúp đỡ con người trong những hoàn cảnh khó khăn.

thuc hanh tin nguong tho Mau

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, TP. Hồ Chí Minh, lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng Thánh Mẫu. Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng Ba âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt…

Hầu đồng lên sân khấu đương đại. Ảnh: Đông Khánh

Hầu đồng lên sân khấu đương đại. Ảnh: Đông Khánh

Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Hầu đồng là một trong những nghi thức độc đáo, nổi bật và tiêu biểu bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Không phải ngẫu nhiên mà khi thực hành nghi thức hầu đồng người ta thường đặt nó trong không gian của đền, phủ linh thiêng và giữa tiết ngày xuân tươi mới. Những giá đồng ngày xuân có không khí trang trọng và hài hòa đặc biệt giữa điệu nhạc, lời ca, tiếng hát và khói hương. Dường như, chỉ trong không gian và không khí ấy thì những người trực tiếp thực hành nghi thức hay những thanh đồng mới bắt được trạng thái thăng hoa nhất để thỉnh, để mời các đấng bề trên chứng giám cho tấm lòng và ước nguyện của những con nhang, đệ tử hay những người cùng tham gia nghi thức. Mỗi giá đồng, thực chất là nhằm chuyển tải khát vọng mưu cầu an lành, hạnh phúc của con người, và những người tham gia nghi thức ấy đều cần một cái tâm thành, hướng thiện và trong sáng.

Việc UNESCO vinh danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016) càng chứng tỏ giá trị vượt ra ngoài biên giới một quốc gia, một nền văn hóa của tín ngưỡng thuần Việt này. Đồng thời, cũng đòi hỏi ở chúng ta sự nhận thức đúng đắn về vị thế của di sản, cũng như có thái độ ứng xử đúng đắn đối với di sản đặc biệt này.

Nhật Minh
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân

Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân

2 năm trước

Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng và Nhà nước ta luôn đảm bảo mọi người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.