THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 08:16

TP.HCM: 4 trẻ mắc tay chân miệng tử vong, 14 ca đang nguy kịch

20/06/2023 | 08:57
Trước số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh trong thời gian vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đang lên kịch bản ứng phó khi dịch bùng phát trên diện rộng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có dấu hiệu tăng cao tại TP.HCM. Ảnh minh hoạ.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có dấu hiệu tăng cao tại TP.HCM. Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, tính đến hết tuần 23 vừa qua, toàn khu vực phía Nam ghi nhận hơn 9.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 4 ca tử vong, với chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tại TPHCM bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21. Đến nay, số ca mắc tích lũy của TP.HCM là hơn 2.400 ca.

Về công tác thu dung điều trị, có tổng cộng 936 ca tay chân miệng điều trị nội trú tại các bệnh viện của TP.HCM từ đầu năm đến nay. Trong đó, có 46 ca nặng và 4 trường hợp tử vong, là bệnh nhi chuyển từ các tỉnh về. Tổng số bệnh nhân đang điều trị nội trú là 147 ca, tất cả đều là trẻ dưới 6 tuổi.

Hiện nay, TP.HCM có 18 trẻ tay chân miệng nặng đang điều trị tại các khoa hồi sức tích cực của 3 bệnh viện chuyên khoa nhi (bao gồm một trường hợp ngụ tại quận 12, còn lại chuyển từ tỉnh về). 14 trường hợp trong số này đang trong tình trạng nguy kịch phải thở máy, 1 ca lọc máu.

Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn theo các kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Tình huống thứ nhất dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng quy mô giường bệnh điều trị tay chân miệng trong tình huống này ở TP.HCM là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực.

Các bệnh nhi tay chân miệng trong tình huống này được ưu tiên điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi.

Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50-100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200-700 ca đang điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện, TP.HCM sẽ nâng tổng số giường điều trị lên 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực.

Các bệnh nhi lúc này sẽ được điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Tình huống thứ ba dự kiến được triển khai khi có từ 100-200 ca tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày, các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 10% trong số đó là ca nặng. Với tình huống này, cần chuẩn bị 1.400 giường điều trị, với khoảng 150 giường hồi sức tích cực.

Các bệnh nhi nặng lúc này vẫn điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Đồng thời, sẽ thực hiện phân loại bệnh nhi điều trị ngoại và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị; kiến nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan, cần thiết cho điều trị tay chân miệng để kịp thời cho lưu hành thuốc, phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Ngoài tham gia điều trị tích cực, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh trong khu vực, không để xảy ra các trường hợp chuyển bệnh không an toàn.

Ngoài ra, các bệnh viện nhi đồng của TP.HCM cần tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng, hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh có khoa nhi trên địa bàn Thành phố. Tổ chuyên gia tay chân miệng trực "Đường dây điện thoại nóng" và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết.

Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu 4 bệnh viện nêu trên tiếp tục phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giải trình tự gene, xác định các kiểu gen gây bệnh nặng của EV71 từ các bệnh phẩm của bệnh nhân tay chân miệng.

Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng, nhanh, đe dọa tính mạng, ngành y tế vận động mọi người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau: - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ. - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. - Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. - Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, đã nổi bông tím, yếu tay chân.
QH
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Quạt nuôi tôm cuốn gãy xương đùi bé ba tuổi

Quạt nuôi tôm cuốn gãy xương đùi bé ba tuổi

10 tháng trước

Bé trai ba tuổi theo gia đình ra đầm tôm, bất ngờ bị cuốn vào cánh quạt dẫn đến chấn thương phần mềm và gãy xương đùi.
Nữ sinh cấp 2 nhập viện vì áp lực phải học giỏi nhất lớp

Nữ sinh cấp 2 nhập viện vì áp lực phải học giỏi nhất lớp

10 tháng trước

Nữ sinh 12 tuổi, luôn mệt mỏi, căng thẳng và hoảng sợ sau thời gian dài chịu áp lực phải đạt vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển học sinh giỏi.
Bắt gần 100 con rận mu làm tổ trên mắt bé trai 5 tuổi

Bắt gần 100 con rận mu làm tổ trên mắt bé trai 5 tuổi

10 tháng trước

Sau chuyến du lịch, bé trai 5 tuổi bị ngứa mắt, thăm khám phát hiện gần 100 con rận mu ký sinh tại vùng mi mắt.
Hệ lụy khi trẻ em thiếu ngủ

Hệ lụy khi trẻ em thiếu ngủ

10 tháng trước

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ em. Trẻ bị mất ngủ nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao, sức đề kháng,...