THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 02:53

Trần Việt Văn: Nghề báo giúp tôi chú ý tới những vấn đề đằng sau hiện thực dễ thấy

18/06/2018 | 17:00
 
Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn (bên trái) và họa sĩ Marcus Duun (người Mỹ) ở trại sáng tác Vermont (Mỹ).
 
Gần đây nhất, tác phẩm “Chiếc mâm đồng và hai quả trứng” của Trần Việt Văn đã được trao giải Nhất cuộc thi Master Cup (Mỹ) ở thể loại tĩnh vật. Bộ ảnh “Nỗi nhớ” của anh thực hiện năm 2018 vừa đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 6 chủ đề “Ký ức” do Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Thái Lan tổ chức. 
 
Gửi gắm sự sâu sắc, tính triết lý qua ảnh
 
Chào anh Việt Văn. Nghề báo cho anh những lợi thế nào trong tư duy chọn đề tài chụp ảnh và góc máy để thực hiện những bộ ảnh gợi nên nhiều suy ngẫm?
 
Nghề báo giúp cho tôi luôn chú ý tới những vấn đề đằng sau hiện thực dễ thấy, để chụp những bức ảnh có nội dung và câu chuyện thú vị. Nó cũng giúp tôi rèn luyện được phản xạ ảnh, nắm bắt những khoảnh khắc nhanh hơn. Và kỹ năng viết của báo chí cũng giúp tôi viết lời dẫn cho bộ ảnh, nhất là ảnh báo chí chân thật và sinh động. Tuy nhiên, khi chụp ảnh nghệ thuật thì yếu tố nhanh lại không quan trọng bằng sự sâu sắc, tính triết lý gửi gắm qua ảnh.
 
Chúng ta đang ở thời đại công nghệ 4.0, nhưng anh lại không thích dùng các phần mềm máy tính chỉnh sửa ảnh cho hiện thực thêm đẹp. Vì sao vậy?
 
Tôi có sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, nhưng ở mức tối thiểu. Với ảnh báo chí, phải tôn trọng sự thật và tính thông tin nên chỉ dừng ở việc cắt cúp, điều chỉnh độ tương phản, sáng - tối chút xíu. Còn với ảnh nghệ thuật, tôi có khi chắp ghép nhưng chỉ với những bức ảnh mang tính ý niệm. Trong thời đại công nghệ 4.0, từ chối áp dụng kỹ thuật hiện đại là sai lầm, nhưng lạm dụng nó cũng sai lầm không kém. Tất cả tuỳ thuộc vào gu thẩm mỹ, ý đồ tác giả để đạt hiệu quả cao nhất cho bức ảnh.
 
 
Tác phẩm “Chiếc mâm đồng và hai quả trứng” của Trần Việt Văn được trao giải  Nhất cuộc thi Master Cup (Mỹ) ở thể loại tĩnh vật.
 
Chụp ảnh cuộc sống hàng ngày giản dị như vốn có
 
Những bức ảnh của anh làm người xem phải ngạc nhiên và dừng lại suy nghĩ, chiêm nghiệm. Dường như, bộ ảnh nào của anh chụp về bất cứ đề tài lớn, nhỏ nào cũng đều đoạt giải, cho dù anh chỉ chụp những gì rất thân quen, gần gũi với cuộc sống thường ngày. Như trong dự án ảnh “Mẹ tôi”, anh chụp chiếc mâm đồng - kỷ vật của bà ngoại tặng mẹ anh trong thời chiến tranh, trên có đĩa bánh cuốn - món ăn dân dã của người Hà Nội. Hay hai quả trứng đặt đối nhau trên chiếc mâm… Với người bình thường, chả ai nghĩ chụp lại khoảnh khắc hết sức thường ngày này làm gì. Anh đã dùng những thủ pháp nào để thuyết phục ban giám khảo?
 
Tôi nghĩ, mỗi bức ảnh đều có một câu chuyện riêng. Chiếc mâm đồng với hai quả trứng mang ý nghĩa biểu trưng, vì mẹ tôi có hai người con (tôi có một anh trai làm họa sĩ), chiếc mâm đồng cũng gợi đến hình ảnh bữa ăn gia đình đầm ấm của văn hóa người Việt xưa (ngày nay, mâm cơm thường là mâm nhôm, mâm nhựa… chứ hiếm ai còn dùng mâm đồng), xa hơn thế nó còn có tính văn hóa, triết học phương Đông với hình tròn (trời tròn, đất vuông) và quả trứng là những gì sinh sôi nảy nở, mang tính phát triển. 
 
Còn bức ảnh chiếc mâm với bánh cuốn - món ăn ưa thích của bố tôi chính là thể hiện một trong muôn vàn khía cạnh về nỗi nhớ của mẹ tôi với bố tôi. 
 
Tôi không dùng thủ pháp, góc độ, ánh sáng quá cầu kỳ mà thực sự rất giản dị như cuộc sống hàng ngày vẫn thế. Tôi thích ánh sáng tự nhiên và muốn khai thác tối đa sức mạnh của nó. 
 
 
 
 
Bộ ảnh “Nỗi nhớ” chủ đề “Ký ức” của Việt Văn đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 6 do Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Thái Lan tổ chức.
 
Với series ảnh “Nỗi nhớ”, điều gì làm lay động trái tim anh, phải chăng từ những kỷ vật còn cất giữ (chiếc áo dài mặc ngày cưới của mẹ, lá thư tình thời chiến tranh, chiếc máy chữ thân quen…), hay câu chuyện thời chiến gian khó, nhưng hào hùng?
 
Cả hai. Series “Nỗi nhớ” chỉ là sự khởi đầu cho dự án “Mẹ tôi” phần 2. “Mẹ tôi” phần 1 đã in thành sách, được triển lãm cá nhân tại Hy Lạp và đoạt một số giải cao tại Italia, Nhật Bản… cũng như xuất bản trong tạp chí ảnh đương đại Silvershotz (Australia). 
 
Trong sách “Mẹ tôi”, bên cạnh những bức ảnh thì phần kể chuyện của mẹ tôi là hết sức quan trọng. Nhiều người đã chia sẻ rằng, xem sách họ không chỉ cảm phục ý chí nỗ lực vươn lên của mẹ tôi, mà còn nhớ lại một thời chiến tranh, thời bao cấp gian khó. Hiểu thêm về thời kỳ khắc nghiệt đó đã tạo thêm động lực cho tôi càng phải cố gắng hơn nữa khi được sống trong một hoàn cảnh có nhiều thuận lợi hơn hẳn ngày xưa. 

Trong ký ức của mình, kỷ niệm nào về gia đình liên quan đến nghề khiến anh ghi nhớ sâu sắc nhất, vì sao?
 
Những bức ảnh chụp mẹ tôi thời gian bị ốm và ý chí chiến thắng bệnh tật của bà là tôi ghi nhớ nhất. Có những bức ảnh thuyết phục được những nhà phê bình ảnh uy tín trên thế giới như bức mẹ tôi nằm trên giường phải dùng đèn hồng ngoại chiếu để giảm cơn đau với bóng mẹ hắt lên tường. Hay bức ảnh mẹ tôi chải tóc, soi gương khi ốm dậy - hình ảnh người phụ nữ luôn muốn làm đẹp, và chính vẻ đẹp tạo ra sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống. 
 
Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn, chúc anh chinh phục được nhiều đỉnh cao trên con đường nghệ thuật.

Hồng Nga (thực hiện)/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...