CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 05:48

Tranh Kim Hoàng hồi sinh từ ước vọng

28/01/2018 | 14:36
 
Tranh dân gian Kim Hoàng hồi sinh.
 
Từ luyến tiếc thất truyền
 
Đời sống văn hóa của một vùng đất mặn mà hiện ra với bao lớp lang, tầng vỉa, dấu ấn thế hệ nối tiếp như chìm vào từng hình khối, sắc màu, đường nét. Nhớ lại 4 năm trước về Kim Hoàng để hỏi chuyện về dòng tranh dân gian truyền thống của làng, các cụ già đều luyến tiếc trong vô vọng: Thế kỷ XIX, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh nhưng bị thất truyền từ trận lụt năm 1915. Vì làng mạc bị ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945 thì tranh không còn được sản xuất, chỉ còn một số ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
 
Trong  hoài niệm của họ, thời vang bóng xưa gắn với quan niệm “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” - đó là bốn thú chơi tao nhã của người Việt xưa vào mỗi độ Tết đến xuân về. Mang ý nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng, mong chờ ở một năm mới sắp đến, cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng là một trong ba dòng tranh dân gian mà người sắm Tết xưa không thể bỏ qua.
 
Tranh Kim Hoàng bắt đầu được làm từ rằm tháng 11 cho đến giáp Tết. Thời tiết giá rét làm cho phẩm pha vào keo sẽ đông quánh, vì thế bát màu phải đặt trên bếp nóng. Những ngày giáp Tết, không khí làm tranh lại càng nhộn nhịp. Ở các gia đình, mọi người làm việc tất bật, làm ngày rồi tối đến lại chong đèn ba dây mà chấm phẩm, để sớm mai có tranh đi chợ bán. Sau một tháng làm tranh, đến ngày rằm tháng Chạp thì phường làm lễ thánh sư, sau đó mới mang tranh đi bán. Mỗi chợ có đến vài chục chiếu bày bán tranh. Có gia đình chiếm những hai chiếu bán hàng ra chợ Tết. Tỏa về từng thôn xóm, những bức tranh tiến tài tiến lộc, lợn, gà… trên nền giấy đỏ Kim Hoàng mang không khí xuân, rực rỡ tô điểm cho những mái nhà tranh vách đất chốn thôn quê. 

 
Tranh Ông Thọ, Ông Lộc.
 
Trong ước vọng hồi sinh
 
Cùng với tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ, tranh Kim Hoàng được biết đến là một trong 3 dòng tranh dân gian nổi tiếng của miền Bắc. Không được may mắn như Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề, những bức tranh và bản khắc còn lại là báu vật của các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài. Điều này cho thấy, việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng đặc sắc này là vô cùng khó khăn, nhưng rất cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
 
Làm tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc bằng gỗ thịt, gỗ mít hay vàng tâm để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.
 
Tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế, dòng tranh này mang những giá trị riêng. 
 
Đề tài của tranh Kim Hoàng vừa đa dạng vừa mộc mạc, gần gũi đời sống con người như trâu, bò, gà, lợn, đời sống làng quê, cảnh ngày tết, ông Công, ông Táo. Tất cả đều được các nghệ nhân thể hiện với mong muốn ai treo tranh sẽ được các vị thần phù hộ, nhà sẽ có nhiều trâu bò, sung túc, ấm cúng.

 
Chợ tranh ngày xuân.
 
Một đặc điểm riêng biệt của tranh Kim Hoàng mà các dòng tranh dân gian khác không có là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ. 
 
Tiếc nuối và ước vọng phục sinh cho dòng tranh độc đáo bị thất truyền, năm 2015, nhà nghiên cứu, sưu tập tranh Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ nhân đầu tư tâm sức, thời gian, xây dựng Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng. Sau hơn 1 năm kể từ khi Dự án được triển khai, tranh Kim Hoàng bước đầu có dấu hiệu hồi sinh.
 
Chị Hòa cho biết: Một thế kỷ bị ngắt quãng, tranh Kim Hoàng gần như "bị hóa thạch" nên chỉ riêng việc xác định màu tranh, nhóm thực hiện dự án đã mất mấy tháng trời. Việc phục chế bản khắc đòi hỏi nhiều kỳ công. Để có bản khắc tranh gà như hiện tại, dù rằng chưa thực sự ưng ý, nhưng những người làm Dự án đã phải nhờ đến gần 30 người, trong đó có cả các nghệ nhân lâu năm của tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ. Hiện nay, Dự án đã khôi phục được khoảng 20 mẫu tranh, chiếm khoảng 5% mẫu tranh Kim Hoàng truyền thống. Nhưng, các thành viên của Dự án cũng quan niệm, hồi sinh tranh Kim Hoàng thì không thể chỉ đánh giá trên góc độ mỹ thuật, dù rằng mỹ thuật rất quan trọng. Muốn làng nghề phát triển thì phải có nghệ nhân và nghệ nhân phải sống được bằng nghề. Mà như thế, tranh phải bán được và tranh càng phải đẹp phải thì mới được thị trường đón nhận.
 
 
Nghệ nhân trẻ của dòng tranh Kim Hoàng.
 
Điều đáng mừng là tranh mới khôi phục lại tuy ít mẫu nhưng đang trong giai đoạn làm không kịp bán. Có thể có nhiều lý do, trong đó, yếu tố lạ trong mùa tranh Tết là một trong những lý do khiến người ta tìm mua. Nhưng về lâu dài, nếu chỉ lạ thôi thì tranh Kim Hoàng không thể đáp ứng được nhu cầu của người chơi tranh hiện đại. Thế nên, nhóm đang ấp ủ khá nhiều dự định đặc biệt để hồi sinh dòng tranh này. Ít nhất, 10 mẫu tranh Truyện Kiều sẽ được phục hồi và khoảng 20 mẫu sáng tác mới theo nội dung Truyện Kiều sẽ được sản xuất thành từng bộ, có minh họa thêm bằng chữ Nôm…
 
Nghệ nhân thực thụ của dòng tranh này đã không còn, việc củng cố tư liệu đã khó càng thêm khó. Nếu không cẩn trọng, phục hồi không chính xác, rất dễ "sai một ly đi một dặm", khiến người đời sau có thể nhầm lẫn sản phẩm không phải là tranh Kim Hoàng truyền thống. Vì vậy, một sự thẩm định nghiêm túc, bài bản, khoa học cho các mẫu tranh được phục hồi trước khi công bố là việc làm cần thiết không kém gì việc phục hồi dòng tranh dân gian độc đáo này.
                                                                                                 
Kim Hoàng là tên gọi của dòng tranh dân gian làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tương truyền dòng họ làm tranh đầu tiên là họ Nguyễn Sĩ từ Thanh Hóa ra Thăng Long, lập nghiệp ở Kim Hoàng, phát triển khá mạnh từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX.  

Thành Sơn/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...