THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 10:34

Trẻ cần làm gì khi bị bạo hành trong gia đình?

14/12/2022 | 12:26
Nhiều câu hỏi thiết thực đã được các em học sinh đặt ra cho các luật sư thực hiện phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhanh chóng can thiệp và trợ giúp các em bị xâm hại, bạo lực

Mới đây, Chi hội Luật sư (LS) Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tổ chức phiên tòa giả định vụ án cố ý gây thương tích. Phiên tòa giả định được thực hiện tại trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) nhằm mục đích trang bị cho học sinh những kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phiên tòa giả định về Phòng, chống bạo lực gia đình

Phiên tòa giả định về Phòng, chống bạo lực gia đình

Phiên tòa giả định xoay quanh câu chuyện về cháu Nguyễn Thị Thảo Mi (sinh năm 2015) bị bạo hành bởi người tình của mẹ ruột.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu, mẹ cháu Mi, sau khi li dị chồng đã làm quen với Nguyễn Thanh Nam. Sau đó, cả hai về sống như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn. Thu đem cháu Mi về sống chung với Nam. Trong quá trình sống chung, những lúc bà Thu bận đi làm hay không có nhà thì nhờ Nam chăm sóc, trông coi giúp cháu Mi. Lúc này, Nam đã nhiều lần có những hành vi đánh đập, gây thương tích cháu Mi.

Vào khoảng 15 giờ ngày 10/12/2021, Nam yêu cầu cháu Mi đi giặt đồ nhưng Nam nói Mi giặt đồ không sạch và chửi mắng cháu Mi. Lúc này, Nam dùng tay tát mạnh vào mặt làm cho cháu Mi té ngã, đầu đập xuống sàn nhà. Nam đã đưa cháu Mi đi đến bệnh viện để cấp cứu nhưng nói Mi tự té ngã.

Bà Nguyễn Thị Hà là giáo viên của cháu Mi. Khi phát hiện trên cơ thể cháu có nhiều vết thương, có biểu hiện bị bạo hành nên đã báo các cơ quan liên quan và trình báo cho cơ quan công an.

Theo cáo trạng phiên tòa giả định, tỷ lệ thương tật của cháu Mi là 16%. Từ đó, HĐXX đã tuyên phạt Nam ba năm sáu tháng tù.

Phiên tòa diễn ra không chỉ có sự tham gia của những người tổ chức, các em học sinh cũng tích cực đặt ra những câu hỏi dành cho các LS. Có em học sinh hỏi “Em là con trai thì có được đụng vào người bạn nữ không?”. Trả lời câu hỏi này, các LS cho biết còn tùy vào em chạm vào vùng nào của bạn nữ. Nếu là khoác tay, nắm tay thì điều đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu chạm vào vùng kín thì có thể bị xử phạt và nếu em từ 18 tuổi thì có thể bị phạt tù.

 LS Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình

LS Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình

“Khi các em bị bạo hành hay xâm hại bởi chính người thân trong gia đình thì phải báo với ai?” là câu hỏi của một em học sinh tham dự. Trả lời câu hỏi trên, LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết các em hãy báo ngay việc bị xâm hại cho thầy, cô nhà trường, UBND, công an cấp xã, đừng e ngại để bảo vệ bản thân. “Bên cạnh đó, các em có thể gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng can thiệp và trợ giúp các em bị xâm hại, bạo lực: Tổng đài đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069” – LS Nữ nói thêm.

Hiệu quả từ những phiên tòa giả định - Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em giảm hẳn

Kết quả nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy, trẻ em chịu hoặc chứng kiến bạo lực gia đình sẽ không thể phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần và nhân cách như những trẻ bình thường.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, chúng ta cần phải tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn các em nhỏ có ý thức tự phòng vệ ngay từ khi các em ngồi trên ghế nhà trường. Thế nên, ngoài việc tham gia nhiều vụ án bảo vệ quyền trẻ em thành công, Chi hội Luật sư còn thực hiện các phiên tòa giả định tại các trường THCS, THPT về bạo lực học đường, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em,… giúp các em hạn chế, phòng tránh tệ nạn xã hội trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Tại phiên tòa giả định, các em được tiếp cận giống như một mô hình phiên tòa thật thu nhỏ mang tính giáo dục và hiệu quả tích cực, với mục đích nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên trong việc tuân thủ pháp luật.

Em Nguyễn Thị Minh, học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ: “Việc tuyên truyền qua phiên tòa giả định rất lôi cuốn người tham dự. Những quy định pháp lý được đan cài trong tình tiết vụ án cũng như trong phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát rất dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng em mong sẽ được tham dự nhiều hơn những hoạt động như thế này”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng hội viên Chi hội tổ chức thường xuyên phiên tòa giả định tại các trường học ở quận, huyện tại TP.HCM, hay ở khu dân cư - nơi có nhiều trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành để tuyên truyền. “Qua hơn 7 năm tổ chức phiên tòa giả định, thấy rõ thành quả phòng ngừa rất tốt, các vụ việc bạo hành, xâm hại ở những nơi đó ít hơn. Ðơn cử như ở quận Bình Tân, TP.HCM trong 1 năm nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em giảm hẳn. Vai trò chính của chúng tôi là tuyên truyền dưới hình thức phiên tòa giả định giống như một phiên tòa thật, những bản án là có thật. Chúng tôi đã mã hóa hết nội dung, kịch bản do Chi hội soạn ra, với sự tham gia của 15 luật sư hết lòng vì trẻ em. Có thể nói, các luật sư như các nghệ sĩ, sáng đóng 1 kịch bản, chiều lại vụ khác, với nhiều đề tài khác nhau. Không chỉ trường học, chúng tôi còn đến khu chung cư, tổ dân phố, khu nhà trọ, có những lúc trời mưa gió, nhưng vẫn đông người dân tới xem. Phiên tòa giả định không hề có kinh phí, luật sư cũng như những người tham gia đều trên tinh thần tự nguyện” - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.

Tuyên truyền để trẻ em tránh vi phạm luật do thiếu hiểu biết

Bên cạnh việc tuyên truyền luật pháp, qua phiên tòa giả định các luật sư đưa ra những kỹ năng phòng tránh, cũng như biện pháp hữu hiệu để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ khi các em không may rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành. Tại phiên tòa, các em đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao bị cáo gây gổ đánh nhau, thế nào là án treo, trường hợp nào phải đi tù?... Bên cạnh đó, các em cũng đưa ra nhiều câu hỏi hay xung quanh Luật Trẻ em 2016 để hiểu rõ các quyền của trẻ em, như quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc sức khỏe, để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc. Sau khi tham dự phiên tòa giả định kéo dài 60 phút, các em rút ra được nhiều điều bổ ích, tránh trường hợp vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Không chỉ trẻ em mà phụ huynh cũng nhận xét phiên tòa giả định rất hay, giúp cho chính bố mẹ hiểu luật hơn, từ đó giảm được bạo hành gia đình.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, phiên tòa giả định có học sinh trong trường tham gia đóng vai, giúp các em hiểu pháp luật hơn. Chúng tôi đã mã hóa các phiên tòa cho các em dễ hiểu, kết hợp cùng báo chí tuyên truyền liên tục trong thời gian dài, đến nay tất cả các trường ở TP.HCM đều muốn đăng ký làm phiên tòa giả định. Nếu các trường thường xuyên mời thì Chi hội phối hợp với công an, Hội Luật gia, phòng tư pháp, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng làm. Mới đây, Chi hội đã ký với Quận 1, TP.HCM cho tác nghiệp phiên tòa giả định có công an. Khi làm phiên tòa giả định là bớt vụ việc vi phạm pháp luật, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần ký với nhau quy chế hỗ trợ để thực hiện thành công hơn nữa.

Từ những kinh nghiệm ở TP.HCM, Chi hội sẽ biên soạn lại thành một tài liệu hướng dẫn cụ thể để nhân rộng mô hình này ra các nơi, dự kiến sẽ tới cả vùng sâu vùng xa, để phổ biến kiến thức pháp luật được mềm hóa dưới hình thức sân khấu hóa tới học sinh, phụ huynh, các thầy cô giáo, cha mẹ, cộng đồng xã hội.

"Chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình cũng là một phương pháp giảm tỉ lệ phạm tội bạo lực ở trẻ vị thành niên" - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.
logo CD Vu GD
Việt Cường
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Tăng cường giáo dục gia đình, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Tăng cường giáo dục gia đình, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho trẻ em

1 năm trước

“Nếu các bạn trẻ đang gặp những trở ngại, triệu chứng tiêu cực về tâm sinh lý, dẫu nặng hay nhẹ, cũng đừng ngần ngại chia sẻ với cha mẹ, người thân. Khi triệu chứng của bệnh...
Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành ngay từ trong gia đình

Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành ngay từ trong gia đình

1 năm trước

Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là của cả xã hội.