THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 08:58

Trẻ khác biệt - giáo viên đã đánh giá đúng năng lực học sinh?

01/04/2022 | 14:51
Thực tế cho thấy, có rất nhiều đứa trẻ khác biệt và dị biệt đang bị mọi người đối xử bất công. Nhưng nếu sự đối xử bất công ấy diễn ra ngay trong lớp học, bởi chính những giáo viên thì đó là điều nhẫn tâm đối với các em.
“Hãy dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt từ khi lọt lòng” là một khuyến nghị của tổ chức UNICEF.

“Hãy dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt từ khi lọt lòng” là một khuyến nghị của tổ chức UNICEF.

Không phải giáo viên nào cũng tâm lý

Một học sinh học bình thường hầu hết các môn, chỉ có môn Mĩ thuật con vẽ rất đẹp, các bạn trong lớp ai cũng ngưỡng mộ, trừ cô chủ nhiệm. Cô cho rằng, Mĩ thuật chỉ là một môn học phụ, học để biết chứ chẳng có vai trò gì trong việc xếp loại danh hiệu thi đua cuối năm. Thậm chí, trong thời gian học online do dịch Covid, các môn học phụ như Mĩ thuật, Thể dục, Kĩ thuật thỉnh thoảng lại bị các giáo viên khác xin giờ.

Một học sinh khác bị hội chứng tự kỷ nhẹ. Người mẹ đã phải nỗ lực rất nhiều để con mình có thể theo kịp các bạn. Sự kiên trì và cố gắng của người mẹ đã làm cô chủ nhiệm cảm động. Mặc dù bạn học sinh bị tự kỷ học không giỏi và thỉnh thoảng còn gây ra một vài vụ lộn xộn trong lớp, nhưng cô luôn kiên nhẫn bảo ban con. Cho đến một hôm, cô chủ nhiệm bị ốm, cô giáo khác dạy thay đã mắng em học sinh tự kỷ sa sả trước lớp, chê em tiếp thu chậm, không hiểu sao vẫn lên được lớp, thậm chí còn moi móc chuyện bố mẹ em ly hôn ra để châm biếm. Cậu bé tự kỷ cúi gầm mặt. Mặc dù, bình thường nhiều bạn không ưa vì cậu hay đánh người, nhưng việc bạn bị chê bai và mang cả chuyện riêng của gia đình ra bêu riếu, học sinh nào trong lớp cũng cảm thấy bất công thay cậu.

Tại sao một giáo viên lại quan niệm Mĩ thuật chỉ học để biết mà không khuyến khích học sinh có năng khiếu vẽ đẹp cần tích cực tìm hiểu nhiều hơn về hội họa để sau này có thể trở thành một họa sĩ hay nhà thiết kế tài năng. Dệt lên một ước mơ cao đẹp cho học sinh chẳng nhẽ lại là một điều vô giá trị?!

Tại sao một cô giáo lại chế giễu khiếm khuyết của học sinh và mang chuyện gia đình của học sinh ra để bình phẩm? Rối loạn phổ tự kỉ là một rối loạn phổ biến, trên thế giới ước tính có đến 1% dân số mắc chứng tự kỉ. Rất nhiều trẻ tự kỷ vẫn thành tài và là những người nổi tiếng. Và cha mẹ ly hôn là việc riêng của gia đình trẻ, một người tinh tế sẽ không bao giờ mang chuyện cá nhân của người khác ra để bàn luận.

Ðáng ra, trường học phải là nơi trẻ được che chở, được thầy cô động viên, khuyến khích để có thể phát huy tối đa năng lực của bản thân. Khi học ngành sư phạm, giáo viên được học môn tâm lý lứa tuổi học sinh, nhưng dường như không phải giáo viên nào cũng tâm lý.

Những học sinh khác biệt cần được giáo viên tôn trọng và tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực.

Những học sinh khác biệt cần được giáo viên tôn trọng và tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực.

Khác biệt không phải là xấu

Mẹ tôi là một cô giáo chuyên dạy học sinh lớp vỡ lòng. Cách đây ba chục năm, mẹ có một học sinh rất đặc biệt. Học sinh này từng bị lưu ban nên mẹ tôi dạy kèm riêng miễn phí tại nhà với hy vọng bạn sẽ được lên lớp.

Khi mẹ chỉ vào số 1 hỏi: Ðây là gì? Bạn nói, đây là cây cột điện. Tôi đã phì cười. Rất nhiều người khi nghe chuyện cũng không nhịn được cười. Tất cả mọi người đều nghĩ, một đứa trẻ đến số 1 còn không thể nhận biết được thì có thể làm được gì cho đời. Người ta cho rằng, đứa trẻ đó căn bản không thích hợp với việc học, nếu được lên lớp thì cũng khó lòng theo kịp các bạn.

Sau này, khi đã là một bà mẹ có con học tiểu học, một hôm tôi kể cho cô con gái nghe về chuyện bạn học sinh nghĩ số 1 là cây cột điện. Không cười phá lên như những người cùng thời tôi, con gái tôi bảo: Bạn ấy thật sáng tạo. Ðúng là số 1 nhìn rất giống cây cột điện. Tôi vô cùng kinh ngạc về nhận xét của con mình. Tại sao tôi không nhìn thấy số 1 giống với cây cột điện? Tại sao tôi - khi ấy cứ khăng khăng cho rằng số 1 phải là số 1? Tôi chợt nhận ra rằng, mình cũng từng giống như rất nhiều người khi nhìn nhận mọi thứ phải theo chuẩn mực, quy tắc.

Thực tế, cuộc sống không tuân theo một quy tắc cố định nào cả. Mọi thứ biến thiên theo thời gian, không gian và hoàn cảnh... Thậm chí, việc ngày hôm nay là khác thường, ngày mai có thể là bình thường, cũng như ngược lại.

Khi dọn dẹp nhà cửa, tôi đọc được sổ tay nhận xét học sinh của mẹ mình khi đó. Cậu bạn không phân biệt được số 1 và cây cột điện được nhận xét là: Tính toán chậm nhưng đọc rõ ràng, lưu loát, viết chữ sạch đẹp.

Vậy là, cậu ấy chỉ không có năng khiếu toán học, còn tiếng Việt, chính tả đều ổn. Chẳng phải con người có rất nhiều loại hình thông minh khác nhau sao, có người giỏi toàn diện, nhưng cũng có người chỉ giỏi một lĩnh vực nào đó như ngôn ngữ, không gian hay âm nhạc...

Cậu học sinh đặc biệt của mẹ bây giờ là một họa sĩ tài năng vì sự tưởng tượng của cậu ấy thật phong phú và khác biệt.

GS, TSKH. Hồ Ngọc Ðại, cha đẻ của mô hình công nghệ giáo dục - thực nghiệm từng chia sẻ: “Giáo dục Việt Nam hiện nay đang phát triển theo hướng dạy cho trẻ cái giống mình hoặc giống người khác, khiến khả năng sáng tạo và cá tính của mỗi cá nhân bị bào mòn. Ðể nền giáo dục Việt Nam phát triển tích cực và thế hệ trẻ có cơ hội phát huy được hết năng lực tiềm ẩn, nhà trường cần bỏ bớt từ “phải” để học sinh biết mình nên làm gì, được làm gì, dịch chuyển quan niệm “giáo viên làm trung tâm” sang “học sinh là trung tâm”, tôn trọng suy nghĩ và cá tính riêng biệt.”

Ước gì, trường học nào cũng tạo mọi điều kiện để những em học sinh khác biệt có cơ hội được phát triển tối đa, để các em thực sự “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Cha mẹ cần tôn trọng sự khác biệt ở trẻ và dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt của những người khác. Tôn trọng sự khác biệt là cách để trẻ biết yêu thương, bao dung và hòa nhập với mọi người.

Minh Thư
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
“Trang Hoa” và 2.000 cuốn sách cho học sinh Thái Nguyên

“Trang Hoa” và 2.000 cuốn sách cho học sinh Thái Nguyên

2 năm trước

Được thành lập vào cuối năm 2020, dự án phi lợi nhuận với tên gọi “Trang Hoa” do các học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội thực hiện với mong muốn hướng độc giả tới những góc nhìn...
Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về Ngày Thương binh Liệt sĩ

Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về Ngày Thương binh Liệt sĩ

2 năm trước

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa tổ chức Lễ phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
'Dạy con phát triển toàn não bộ” - Chiến lược hữu hiệu giúp trẻ sống vui vẻ, tự chủ và thành công

"Dạy con phát triển toàn não bộ” - Chiến lược hữu hiệu giúp trẻ sống vui vẻ, tự chủ và thành công

2 năm trước

Trong quá trình làm cha mẹ, hẳn các bậc phụ huynh đã đối mặt không ít với những lần con khóc lóc, ăn vạ và những đòi hỏi vô lý của con; nhưng chẳng mấy ai hiểu được nguyên nhân khiến...