THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:11

Trẻ tự tử vì áp lực - cha mẹ cần xem lại cách dạy con?

09/01/2022 | 14:55
Trẻ em tự tử vì áp lực đang có xu hướng gia tăng. Áp lực nào khiến con trẻ quyết định kết thúc cuộc sống? Trước thực trạng này, cha mẹ cần xem lại cách dạy con để tránh những hậu quả đau lòng?
Cha mẹ đừng để trẻ cô đơn trong áp lực và sự kỳ vọng. Ảnh minh họa: KT

Cha mẹ đừng để trẻ cô đơn trong áp lực và sự kỳ vọng. Ảnh minh họa: KT

Giúp con giải tỏa, ổn định tâm lý

Buổi sáng, tôi bàng hoàng khi nhận thông tin một học sinh lớp 6 ở Hà Nội tử vong vì nhảy từ tầng 22 khu chung cư. Khi tôi tới cơ quan, câu chuyện trẻ em tự tử vì áp lực học tập đang được các đồng nghiệp cùng phòng thảo luận. Mỗi người đều có quan điểm, ý kiến riêng về việc nuôi dạy con trẻ hiện nay. Có ý kiến cho rằng, dạy trẻ hiện nay thật khó, không nghiêm thì sợ con hư, còn nghiêm quá thì lại lo con phản ứng, có khi quẫn trí mà tự tử.

Chị Hiền trưởng phòng đã chia sẻ câu chuyện về cô con gái cũng học lớp 6 của mình. Bé Nhím thông minh, học giỏi nhưng cũng vô cùng cá tính. Con sẽ tìm mọi lý do để bảo vệ suy nghĩ, ý kiến mà mình cho là đúng. Có lần, con đã phản ứng gay gắt, thậm chí không vào zoom học môn toán, kể cả cô giáo và mẹ đã nhắc nhở. Khi mẹ hỏi lý do, Nhím không hề giấu diếm trả lời: Con ghét môn toán! Nhiều hôm, không phải con ngủ quên mà là không thích vào học. Tại sao lại cứ phải học toán? Môn toán không giúp kiếm ra nhiều tiền. Từ mai, con không học môn toán nữa!

Ôm con gái vào lòng, chị nhẹ nhàng giải thích cho con môn toán rất quan trọng. Sau này, để kiếm được tiền thì ai cũng phải biết tính toán, mà chúng ta không thể tính toán nếu không học môn này. Rồi chị kể cho con nghe chuyện ngày nhỏ cũng không thích môn văn, nhưng nhờ được cô giáo khích lệ mà sau này mẹ yêu môn văn và trở thành một nhà báo giỏi. Có thể do chưa tìm ra phương pháp phù hợp nên con chưa thích học toán, mẹ sẽ đồng hành cùng con.

Sau đó, chị đã nói chuyện với chồng về việc cần phải dành nhiều thời gian quan tâm tới con, cùng chơi với con, bởi một thời gian dài học online, con đang có dấu hiệu mệt mỏi và chán học. Vợ chồng chị sắp xếp lại thời gian biểu, bất kể khi nào rảnh là cả nhà cùng nhau chơi cầu lông, chơi tú lơ khơ, khiêu vũ, làm bánh, lên sân thượng tưới rau… Sau một thời gian, Nhím đã thay đổi, cô bé không còn chán ghét môn toán và luôn vui vẻ, tích cực làm việc nhà.

Trước những thay đổi, những phản ứng của con trẻ, không phải cha mẹ nào cũng tìm ra được cách ứng xử phù hợp. Không có một công thức chung nào cho việc làm cha mẹ và không cha mẹ nào muốn gây áp lực đến mức con phải tự tử. Ðó có thể là do cha mẹ thiếu hiểu biết, kỳ vọng quá mức, không thấu hiểu tâm lý con trẻ. Ðã đến lúc, những bậc làm cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân để có sự điều chỉnh cách dạy con, cách ứng xử với con, tránh tình huống không mong muốn xảy ra.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ tự tử

Trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng. Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây… Đột ngột có những hành vi bất thường: dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh…

Lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng con

Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Ðặc biệt, trong khoảng 2 năm trở lại đây, do dịch Covid-19, các hoạt động xã hội hạn chế, trẻ không được đến trường, không được tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí... nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (ÐH Giáo dục - ÐHQG Hà Nội), số liệu điều tra mới đây của UNICEF, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần tăng 40-50% so với trước đây. Trong đó, khoảng 13% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 đáp ứng chẩn đoán rối loạn tâm thần, 19% người trong độ tuổi 15-29 tuổi cảm thấy chán nản, không thích làm gì trong nửa đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, cha mẹ do quá căng thẳng và mệt mỏi trước những ảnh hưởng của đại dịch nên thay vì lắng nghe, đồng hành cùng con, nhiều người đã phản ứng với thái độ căng thẳng, mắng mỏ, thậm chí bạo hành con. Hoặc cũng có một số bố mẹ phản ứng theo kiểu trốn chạy, bỏ mặc, lơ là trách nhiệm với con. Hay một số cha mẹ khi nhận thấy con “có vấn đề” về sức khỏe tâm thần, thay vì lắng nghe, thấu hiểu, giúp con loại bỏ nguy cơ lại cho rằng đó là do trẻ lười, thiếu ý chí, là viện cớ để gây chú ý… Chính cách ứng xử và suy nghĩ như vậy của cha mẹ càng làm trẻ tổn thương.

Không tạo áp lực, hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Ảnh minh họa: Hồng Trần

Không tạo áp lực, hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Ảnh minh họa: Hồng Trần

Trong bối cảnh của đại dịch, các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, hành vi tự gây hại, những suy nghĩ tự tử sẽ trở nên phổ biến và không còn hiếm gặp, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì. Bởi trẻ em độ tuổi dậy thì rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, rất dễ chán nản, tuyệt vọng với những lời nói và hành động nóng giận của cha mẹ, hay các áp lực, kỳ vọng của người lớn. Khi đó, ý nghĩ tự tử xuất hiện và các em tin rằng đó là cách duy nhất thoát khỏi những khó khăn.

Ðể phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc, cha mẹ cần quan tâm, để ý, chia sẻ với con. Khi nhận thấy con có những thay đổi dù rất nhỏ hay các dấu hiệu bất thường về sức khỏe tâm thần, cha mẹ cần ý thức về tính nghiêm trọng của vấn đề, không nên úi sùi cho qua, bỏ mặc trẻ. Cha mẹ cần tìm hiểu để nhận diện, xác định sớm nguy cơ cũng như dành thời gian cho việc làm dịu, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia và hướng con vào những hoạt động vốn là thế mạnh của trẻ. Sự thấu hiểu, cảm thông và đồng hành của cha mẹ là liều thuốc hiệu quả nhất giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đề cập: Để phòng ngừa trẻ em tự tử, cần nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân tự tử ở trẻ em. Rà soát các quy định pháp luật, chính sách về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Cung cấp, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em các kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa tự tử ở trẻ em; phát hiện sớm và theo dõi, hỗ trợ các trường hợp trẻ em có nguy cơ tự tử.

 

Hồng Trần
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Cần Thơ dự kiến cho học sinh THCS và THPT học trực tiếp từ 17/1

Cần Thơ dự kiến cho học sinh THCS và THPT học trực tiếp từ 17/1

2 năm trước

UBND TP. Cần Thơ đã có tờ trình gửi Thường trực Thành ủy về việc xin ý kiến thời gian cho trẻ mầm non, học tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trở lại trường học...
Đồng Tháp dự kiến học sinh khối 9 và 12 học trực tiếp từ ngày 17/1

Đồng Tháp dự kiến học sinh khối 9 và 12 học trực tiếp từ ngày 17/1

2 năm trước

UBND tỉnh Đồng Tháp dự kiến cho học sinh khối 9 và 12 học trực tiếp tại trường từ ngày 17/1/2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát.
Xử lý nghiêm tội che giấu, không tố cáo hành vi bạo lực trẻ em

Xử lý nghiêm tội che giấu, không tố cáo hành vi bạo lực trẻ em

2 năm trước

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không khai báo, không tố cáo vụ việc, hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối...