THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 05:36

Triển khai đồng bộ chính sách trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

29/09/2018 | 16:33
 
Ông Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội nghị thường kỳ sơ kết 6 tháng đầu năm của Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam.
 
Theo Báo cáo của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ và các bộ liên quan đã ban hành 10 văn bản, nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với NKT trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, giao thông vận tải, y tế... Trên cơ sở đó, các địa phương đã ban hành các nghị định, quyết định điều chỉnh chính sách trợ giúp đối với NKT. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về NKT và các hoạt động trợ giúp NKT.
'
Trong năm 2018, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ- CP trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Ngoài ra, ngân sách cũng cấp 299 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Bộ LĐTBXH đã phối hợp với một số bộ, ngành, tổ chức triển khai thực hiện Dự án Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2018 thông qua các hoạt động: Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, nhân viên CTXH và tâm thần; truyền thông, nghiên cứu đánh giá, giám sát. 
 
Đến nay, cả nước có gần 900 NKT nặng và đặc biệt nặng; 70 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Bên cạnh đó, thực hiện mô hình trợ giúp NKT thông qua hình thức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nông cụ để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đã có 150 NKT tại 8 huyện, 16 xã của các tỉnh: Điện Biên, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đồng Nai được hưởng lợi. Trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung phê duyệt kế hoạch, nguồn lực thực hiện. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 6.000 NKT được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956. Bên cạnh đó, NKT được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Trong quý I/2018, Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho vay 333 dự án của lao động là NKT, hỗ trợ tạo việc làm cho 354 người. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay 105 dự án, với doanh số cho vay 1.398 triệu đồng, tạo việc làm cho 113 hội viên, trong đó có 90 lao động là NKT. 
 
Trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục đào tạo; văn hóa thể thao; giao thông tiếp cận cũng có nhiều chuyển biến. Các rào cản xã hội, giao thông, đi lại, thông tin từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các quy định hỗ trợ NKT tham gia giao thông công cộng như miễn giám giá vé, ưu tiên, trợ giúp khi mua vé, mang vác hành lý lên tàu xe... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục NKT, thúc đẩy hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục đối với NKT tại các địa phương, cơ sở; xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục học sinh khuyết tật; tổ chức tập huấn cho 300 cán bộ quản lý và 1.500 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, THPT cốt cán cấp tỉnh của 63 tỉnh/thành phố về quản lý và kỹ năng giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật. 
 
Công tác hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT được thực hiện chủ yếu bằng các hình thức cấp thẻ BHYT, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp như xe lăn, xe lắc, chân tay giả, máy trợ thính..., giúp phòng ngừa khuyết tật và tầm soát dị tật bẩm sinh. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho 500 cán bộ triển khai chương trình mục tiêu dân số, hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh, tầm soát khuyết tật bẩm sinh, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người bệnh phong. Bộ Y tế đang triển khai thực hiện Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học dioxin giai đoạn 2018-2021” tại 10 tỉnh/thành phố với tổng số tiền 72,3 tỷ đồng. 
 

Một gian hàng trưng bày sản phẩm của NKT.
 
Năm 2018, có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT có khó khăn về tài chính. Trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo chưa đầy đủ, 52/63 Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh/thành phố đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 1.083 vụ NKT có khó khăn về tài chính. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của NKT thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở.
 
Tham gia vào công tác trợ giúp cho NKT cũng phải kể đến vai trò của các tổ chức của NKT như: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được nguồn hỗ trợ bằng tiền và hiện vật tương đương 315 tỷ đồng trợ giúp cho trên 1,4 triệu lượt NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo; Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin vận động tài trợ được 121,6 tỷ đồng, trong đó ở trung ương được 3,9 tỷ đồng, địa phương được 117,7 tỷ đồng hỗ trợ NKT; Hội Cứu trợ trẻ tàn tật Việt Nam vận động được gần 10,5 tỷ đồng cho các hoạt động trợ giúp, cải thiện đời sống của NKT.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống; ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT. Hệ thống các chính sách trong lĩnh vực trợ giúp NKT đã tương đối đồng bộ, phù hợp với thực tế. Đặc biệt, thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019), về ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động dạy nghề cho NKT. Riêng đối với công tác dạy nghề theo Đề án 1956, cả nước đã bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho 80.000 lao động (trong đó có 25.000 lao động là NKT). Hầu hết các địa phương đã ban hanh danh mục nghề đào tạo và định mức chi phí đào tạo nghề cho NKT. Về cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật, các Bộ, ngành đã phối hợp nghiên cứu ban hành Thông tư thay thế Thông tư 37 về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Bộ LĐTBXH tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, chỉnh sửa nâng mức trợ cấp cho đối tượng để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
 
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, trong đó nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật Công tác xã hội; đề xuất đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi những nội dung về lao động là NKT, Luật Giáo dục sửa đổi những nội dung quy định về giáo dục NKT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Nghiên cứu xây dựng, ban hành Thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho NKT; Thông tư quy định về giáo dục nghề nghiệp đối với NKT; Quan tâm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 37 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật.

Minh Nhật/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...