THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 12:36

Trở lại Điện Biên

07/05/2017 | 09:21
 
Tượng đài “Quyết chiến, Quyết thắng”.
 
Trở lại Điện Biên sau mùa lễ hội hoa ban, nhưng những âm vang tưng bừng dường như chưa dứt. Đường từ thành phố tới bản làng với những hàng cây ban còn lưu luyến những chùm hoa trắng bền bỉ trong vòm lá xanh mướt.
 
Bên những đồi sa mộc cổ thụ là những hàng cây mới trồng, cho Điện Biên trẻ lại cùng với sự đổi thay đầy sức vóc của những cơ hội đầu tư cho tương lai. 63 năm trôi qua, sau sự kiện trọng đại Chiến thắng Điện Biên Phủ, bãi chiến trường khốc liệt năm xưa đã trở thành thành phố lộng lẫy của vùng Tây Bắc.
 
Âm vang của những chiến công xưa như tạo ra âm hưởng cho một Điện Biên lớn mạnh. Cùng với thổ nhưỡng, khí hậu tạo cho Điện Biên một vườn cây trái khổng lồ với nhiều sản vật quý. Cả nước biết đến hạt gạo Điện Biên và bao sản vật quý giá, cùng khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái hết sức đa dạng và phong phú, hứa hẹn phát triển du lịch, từ du lịch khám phá, đến du lịch trải nhiệm, du lịch cộng đồng… trong xu hướng tìm về sự hoàn nguyên của thiên nhiên và của con người.
 
 
Di tích Đồi A1.
 
Trở lại Điện Biên như một hành trình ngược về kí ức chiến trường xưa hào hùng, nay ân tình cùng đồng bào để ngưỡng vọng về một “Thiên sử vàng”. Con đường dài nhất, đẹp nhất của thành phố Điện Biên mang tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp. Quảng trường rộng lớn của thành phố mang tên Quảng trường ngày 7 tháng 5 - ngày thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà bảo tàng thành phố được xây dựng to đẹp với mặt ngoài tượng hình là chiếc mũ lưới của bộ đội dùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nghĩa trang thành phố trang nghiêm với kiến trúc bằng đá trắng vững chãi hình chữ A… Mỗi bước chân, ánh mắt nhìn đều chạm tới ký ức lịch sử anh hùng.
 
 
Hầm chỉ huy căn cứ điểm Điện Biên Phủ.
 
Mường Phăng là chìa khóa, là trái tim của Điện Biên. Mỗi lần trở lại Điện Biên, trở lại Mường Phăng là mỗi lần một cảm xúc, một tâm trạng khác nhau. Cái tên Điện Biên Phủ (Phủ Điện Biên) bắt đầu có từ năm 1841 bao gồm hầu hết đất đai tỉnh Lai Châu ngày nay. Về tên đặt Điện Biên có ý nghĩa sâu sắc: Điện là vững, Biên là biên giới. Điện Biên là biên giới vững vàng. Điện Biên có tiếng Thái là Mường Thanh. Đọc theo tiếng địa phương là Mường Then, có nghĩa là Mường Trời. Người Thái gọi vùng đất này là đất của trời. 
 
Từ Đại chiến Thế giới lần thứ Nhất, Điện Biên Phủ được đánh giá là một vị trí chiến lược quan trọng nhất ở Đông Dương và cả Đông Nam Á. Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nhất ở thượng du phía Tây Bắc nối liền Lào, Thái Lan, Mianma, Trung Quốc. Từ năm 1939 đã có sân bay chiến lược. Sau khi bộ đội ta tổn thương trong trận chiến Nà Sản - không chiếm được Nà Sản, các tướng lĩnh Pháp hí hửng cho rằng đã tìm ra điểm yếu của Tướng Giáp. Quân Tướng Giáp chỉ giỏi đánh du kích, đánh ở đồng bằng, đánh ban đêm, chứ còn đánh ban ngày, đánh công kiên, đánh ở vùng rừng núi rộng lớn thì không sở trường.

 
Nét đặc trưng của bản làng Điện Biên.
 
Đường lên Điện Biên Phủ thuận theo đường địa lý có lẽ cũng thuận theo lòng người. Từng đoàn tham quan Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng cấp tốc dọc theo một con suối dưới chân núi Phú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, từ ngày 31/1/1954 đến ngày 15/3/1954.
 
Con đường dẫn đến trái tim của Mường Phăng là lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ - đã được đổ xi măng và trải sỏi để dễ đi nhưng vẫn giữ được vẻ mộc mạc, nguyên sơ của đường mòn năm xưa. Những chiếc cầu qua suối cũng được làm bằng bê tông cốt sắt nhưng theo hình thân cây ghép lại.
 
Khi đến lán ở và nơi làm việc của Đại tướng, mọi người đều xúc động và thành kính trân trọng từng di vật thiêng liêng. Căn phòng nhỏ đơn sơ, chiếc bàn làm việc, giường nằm cá nhân bằng tre nứa. Bên cạnh là đường hầm xuyên núi dẫn đến nơi quan sát toàn cảnh Mường Thanh.
 
Sau ngày 25/1/1954 không thể nào quên ấy, Đại tướng đã đi đến một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”, hoãn tiến công, “kéo pháo ra” lui về địa điểm tập kết. 
 
Sinh thời, Đại tướng thường nói: “Tôi chỉ là giọt nước trong biển cả”. Biển cả là dân tộc, là nhân dân, không ai đo đếm được sức mạnh kỳ vĩ lớn lao trong lòng biển cả, nhưng có những thời điểm của lịch sử được thể hiện sinh động và mạnh mẽ.
 
 
Thành phố Điện Biên hôm nay.
 
Năm nay, mùa hè đến sớm trên vùng Tây Bắc. Nắng vàng đã rực rỡ phản chiếu lung linh trên tượng đài Quyết chiến, Quyết thắng. Hai cây phượng trên đồi A1 xanh thắm lạ thường. Đi dưới hàng cây cổ thụ, hai bên đường là những công trình kiến trúc hiện đại, ta phấn chấn tự hào và không khỏi ngẫm suy về cuộc đời, con người, về lịch sử và những vĩ nhân. 
 
Sự thay đổi của Điện Biên hôm nay còn hàm nghĩa cùng ngọn lửa truyền thống, sự vững chãi của vùng đất nơi cương thổ, tạo nên một dòng chảy cho một Điện Biên hùng vĩ và đằm thắm.

Thành Sơn - Nguyễn Sơn Hòa/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...