THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 06:49

Truyền tình yêu hát Xoan tới giới trẻ

19/02/2023 | 09:45
Xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật hát Xoan, nhiều nghệ nhân đã và đang nỗ lực gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để bồi đắp thêm sức sống mãnh liệt cho hát Xoan và giúp thế hệ trẻ trên đất Vua Hùng thêm yêu loại hình nghệ thuật này.
Các nghệ nhân phường Xoan An Thái biểu diễn hát Xoan.

Các nghệ nhân phường Xoan An Thái biểu diễn hát Xoan.

Hát Xoan vẫn trường tồn và ngày càng phát triển

Có nhiều huyền thoại giải thích về nguồn gốc của hát Xoan. Theo lời kể của Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Lịch - trùm phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), hát Xoan được hình thành từ thời Vua Hùng dựng nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt cổ. Trải qua thời gian dài phát triển trong cộng đồng, hát Xoan dần được dung hòa giữa ca hát nghi lễ và ca hát dân gian nguyên thủy. Ðến thời Hậu Lê, những bài hát Xoan đã được các nhà Nho biên soạn và lưu truyền cho đến ngày nay.

Khi trình diễn, hát Xoan sẽ chia làm ba chặng là hát Nghi lễ, hát Quả cách và hát Hội. Hát Nghi lễ để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, với vua Hùng nên giọng điệu nghiêm trang, thong thả. Hát Quả cách chú trọng vào hình thức hát, lối hát, thể hiện niềm vui trong lao động sản xuất, đời sống lứa đôi. Người hát có thể hát nói, hát ngâm, hát đồng ca, tốp ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đối đáp, vì vậy sắc thái âm thanh sẽ dồn dập, tươi vui và khỏe khoắn hơn. Chặng cuối hát Hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng để giao lưu với khán giả, nội dung các bài hát mang tính trữ tình.

Phường Xoan An Thái - 1 trong 4 phường Xoan cổ của tỉnh Phú Thọ là nơi phát tích của hát Xoan. Tại phường Xoan An Thái, hát Xoan được trình diễn vào 3 dịp lễ chính là 6/6, 10/3 (Giỗ Tổ Hùng Vương) và 9/9 (hội làng). Hiện nay, phường Xoan An Thái đã trở thành điểm đến du lịch và là nơi các bạn trẻ tìm về với những làn điệu Xoan cổ. Bà trùm phường Xoan An Thái Nguyễn Thị Lịch cho biết, phường Xoan An Thái có 5 thế hệ tiếp nối và chia theo từng độ tuổi từ thiếu niên nhi đồng đến trung niên, người cao tuổi để gìn giữ giá trị di sản này. Hiện tại, phường Xoan An Thái có 107 thành viên, thành viên nhỏ tuổi nhất là 6 tuổi và cao tuổi nhất là 94 tuổi. Em bé nhỏ tuổi nhất 6 tuổi là cháu của bà Lịch vẫn ngày ngày hát Xoan. Em hát hay, múa dẻo và du khách quốc tế rất thích xem em biểu diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy cách hát Xoan cho ca sĩ trẻ Hà Myo.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy cách hát Xoan cho ca sĩ trẻ Hà Myo.

Gìn giữ nghệ thuật hát Xoan

Gắn bó với hát Xoan từ năm lên 9, bà Lịch là người có công lớn trong việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống của vùng đất Tổ. Năm 2012, bà được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu NNND về hát Xoan. Với những đóng góp không ngừng nghỉ ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc giữ gìn, truyền dạy và quảng bá hát Xoan, bà đã vinh dự được trao “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” năm 2021.

Bà Lịch cho biết, hát Xoan là báu vật tinh thần của nhân dân ta, đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với mong muốn những làn điệu hát Xoan không bị mai một, đều đặn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, bà Lịch lên lớp truyền dạy hát Xoan miễn phí cho các thế hệ. Học trò của bà thuộc nhiều lứa tuổi, không chỉ có các cháu thiếu nhi mà còn có cả những người trung và cao tuổi. Bà Lịch chia sẻ, hát Xoan vừa dễ lại vừa khó học. Dễ là bởi giai điệu hát Xoan mộc mạc, giản dị và dễ thể hiện... Nhưng khó ở chỗ, hát Xoan vốn là một nghệ thuật cổ, ca từ đa số theo văn Hán Nôm, động tác tay và chân phải kết hợp nhịp nhàng với lời hát. Do đó, nếu không thật sự yêu thích, say mê và chăm chỉ luyện tập thì sẽ rất khó học.

Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã hình thành 3 thế hệ hát Xoan: Thế hệ nghệ nhân cao niên giàu kinh nghiệm, thế hệ nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ triển vọng. Các trường học ở tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa hát Xoan vào chương trình học ngoại khóa và thành lập câu lạc bộ hát Xoan. Ngoài 4 làng Xoan gốc với số lượng gần 70 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT, đến nay tỉnh Phú Thọ đã phát triển hệ thống 34 câu lạc bộ hát Xoan với 1.560 thành viên thường xuyên tham gia thực hành hát Xoan. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đưa di sản này vào nhà trường, biên soạn chương trình giảng dạy đối với lứa tuổi tiểu học, hướng dẫn các em học thuộc và trình diễn thực hành 2-3 bài hát Xoan theo chương trình ngoại khóa từ dễ đến khó. Nhờ những nỗ lực đó, hát Xoan vẫn trường tồn và ngày càng phát triển.

Ca sĩ Hà Myo thổi làn gió mới khi kết hợp hát Xoan cùng rap và EDM vào trong MV “Trò chơi… í a… Trời cho”.

Ca sĩ Hà Myo thổi làn gió mới khi kết hợp hát Xoan cùng rap và EDM vào trong MV “Trò chơi… í a… Trời cho”.

Giới trẻ góp sức lan tỏa nghệ thuật hát Xoan

Say mê và tâm huyết đưa âm nhạc truyền thống đến gần với khán giả trẻ, ca sĩ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) mới đây đã tạo nên bước tiến mới trong MV “Trò chơi… í a… Trời cho” hòa quyện giữa nghệ thuật hát Xoan với nhạc rap và nhạc điện tử. Với sự đầu tư lớn cả về âm nhạc và hình ảnh, bài hát rất vui tươi, dí dỏm và đậm chất Xoan này đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả.

Ðể thực hiện MV này, ca sĩ Hà Myo đã dành nhiều thời gian về phường Xoan An Thái và được chính NNND Nguyễn Thị Lịch hướng dẫn, chỉ bảo từng câu hát, điệu múa. Ca sĩ Hà Myo thổ lộ, thông qua MV, cô mong muốn nghệ thuật hát Xoan được lan tỏa, đồng thời góp sức giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống dân tộc.

“Hát Xoan vốn là nghi lễ hát thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn của người dân với các Vua Hùng. Người hát Xoan phải luôn đặt mình trong tâm thế trang trọng, nghiêm túc, bởi thế, nhiều gia đình ở đất Tổ hiện nay hướng con trẻ học hát Xoan, một phần để giữ gìn di sản của ông cha, nhưng phần khác là mong con cái học những điều hay, rèn những đức tính tốt đẹp.” -

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thị Huệ

Nhận xét về những sáng tạo và tâm huyết của Hà Myo, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết, việc khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống của các nghệ sĩ trẻ nói chung và ca sĩ Hà Myo nói riêng rất đáng khích lệ. Nhờ thế, âm nhạc truyền thống không bị mai một mà có đời sống mới phù hợp với thời đại hơn, tiếp cận với khán giả trẻ dễ dàng hơn.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: “Hà Myo đã phát triển và phổ nhạc, lời rất hay. Ðây chính là tín hiệu đáng mừng khi giới trẻ yêu mến và phát triển nghệ thuật hát Xoan”.

Hồng Nga
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Bảo vệ sức khỏe con trẻ khi thời tiết nồm ẩm

Bảo vệ sức khỏe con trẻ khi thời tiết nồm ẩm

1 năm trước

Những ngày gần đây, khoa nhi và khoa tai mũi họng các bệnh viện ở phía Bắc đều gia tăng số bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản... tới khám và điều trị. Thời tiết nồm ẩm là điều...
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét

1 năm trước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 17/2, ở phía Bắc, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng sáng 19/2, bộ phận không khí lạnh...
6 khuyến nghị của UNICEF nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em

6 khuyến nghị của UNICEF nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em

1 năm trước

Theo bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội, đặc biệt là những nhóm đối tượng dễ bị tổn...
Cha mẹ đã dạy trẻ biết yêu thương vật nuôi?

Cha mẹ đã dạy trẻ biết yêu thương vật nuôi?

1 năm trước

Chó, mèo… đôi khi không chỉ là thú cưng, chúng còn là bạn, là một thành viên trong gia đình, thậm chí là điểm tựa chữa lành những vết thương tâm hồn cho con người. Đã bao giờ cha mẹ tự...