THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 11:47

Ứng phó sang chấn tâm lý do Covid-19

29/09/2021 | 14:19
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm sinh lý của người dân, nhất là người cao tuổi, học sinh, sinh viên, trẻ nhỏ. Nhiều người vì bị mắc bệnh hoặc sợ bị mắc bệnh, gặp khó khăn về kinh tế, ít được giao tiếp…, nên rơi vào lo âu, thậm chí là rối loạn cảm xúc, trầm cảm, hoang tưởng...

Do đó, các đơn vị, cơ quan chức năng đã cảnh báo về hiện tượng sang chấn tâm lý do dịch bệnh, đồng thời triển khai các giải pháp giúp người dân - đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương - ứng phó hiệu quả, kịp thời.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ảnh: Dung Vũ

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ảnh: Dung Vũ

Những yếu tố gây lo âu, trầm cảm

Bà Nguyễn Thị P. ở xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) bị nhiễm Covid-19 từ ngày 27-7 và đã được ra viện sau 10 ngày điều trị. Tuy nhiên, sau khi ra viện, bà P. lo âu, mất ngủ, khóc lóc và luôn bị ám ảnh người thân, họ hàng đều bị nhiễm Covid-19. Bà P. đã đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong trạng thái hoang tưởng.

Trường hợp bà L.T.X ở huyện Phúc Thọ cũng là nạn nhân của việc lo lắng quá mức khi dịch bệnh xảy ra vì tự dằn vặt, cho mình là gánh nặng của con cái bởi không có lương hưu... Đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám, bà được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa, điều trị theo liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Sau 30 ngày điều trị, tình trạng bệnh dần ổn định nên được ra viện và tiếp tục uống thuốc theo đơn.

Hồi đầu tháng 8-2021, N.T.T. 21 tuổi, nữ sinh viên thuê trọ tại quận Cầu Giấy đã đăng ký tư vấn tâm lý qua nhóm Dự án tham vấn tâm lý miễn phí: "Dr. Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch". T. bị trầm cảm ở mức độ nặng với việc mất ngủ, bỏ ăn, hoang tưởng bị bạn bè ghét bỏ, luôn sống khép kín và khóc một mình. Nguyên nhân là T. tiếp xúc với ca bệnh F0, phải đi cách ly tập trung 15 ngày. Nỗi lo sợ bị nhiễm Covid-19 khiến T. có ý định tự tử trong nhà vệ sinh ở khu cách ly. Sau khi làm theo hướng dẫn, T. đã dần thay đổi tích cực như chạy bộ tập thể dục, trồng cây và tự làm bánh...

Theo thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5-2021 đến nay, có 459 trẻ em và phụ huynh điện thoại đến tổng đài, trong đó có 93 cuộc gọi mong muốn được hỗ trợ, chăm sóc tâm lý cho trẻ em do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điển hình, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân cần sự trợ giúp khi con trai 7 tuổi ở nhà nhiều, nên gần đây la hét đòi đi chơi, hay cáu gắt, không hợp tác với bố mẹ. Gia đình chị lo lắng con mình bị thần kinh, hoang tưởng. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, gia đình chị đã làm theo lời khuyên của chuyên gia, nói chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn, và hiện tình hình của cháu bé đã khả quan hơn nhiều.

Kết hợp nhiều biện pháp

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng, Trưởng nhóm Dự án tham vấn tâm lý miễn phí "Dr. Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch" cho biết, mỗi ngày nhóm nhận được 100-200 lượt người đăng ký tư vấn, chủ yếu là những người có biểu hiện trầm cảm, lo âu... do ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ ngày 15-8 đến nay, 54 bác sĩ, chuyên gia tâm lý và cố vấn chuyên môn của dự án đã tham gia tư vấn, chữa trị cho gần 2.800 người. Đa số các trường hợp sau khi nhận tư vấn, chia sẻ và thực hiện các bài tập rèn luyện sức khỏe đã vượt qua được trở ngại tâm lý của bản thân.

Còn theo bác sĩ Lê Thúy, Trưởng khoa Người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, dịch Covid-19 là yếu tố thuận lợi khiến các triệu chứng bệnh ở người hay lo âu tăng nặng. Do đó, cần kết hợp cả hai liệu pháp là liệu pháp tâm lý nâng đỡ, nhận thức hành vi và liệu pháp hóa dược, kê các loại thuốc chống trầm cảm, lo âu. Việc kết hợp này là phác đồ điều trị khả thi để đưa bệnh nhân trở lại bình thường.

Cung cấp thêm thông tin, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 70 người bị rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan đến dịch Covid-19.

Bác sĩ Trần Quyết Thắng khuyến cáo, khi người thân có biểu hiện khó ngủ, gặp ác mộng, mệt mỏi, lo âu..., gia đình cần đưa đi khám bệnh ngay để sớm được điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và can thiệp bằng các biện pháp tâm lý, tránh để rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc bệnh lý tâm thần. Khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên bình tĩnh tìm giải pháp để có phương án ứng phó, xử lý tối ưu...

Cũng về vấn đề trẻ em bị sang chấn tâm lý, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga cho biết, Cục đã triển khai mạng lưới dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong dịch Covid-19. Trong đó, mở rộng dịch vụ tư vấn của Tổng đài 111, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn trực tuyến để cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ, chăm sóc trẻ trong dịch bệnh. Cục cũng kết nối với các sở lao động - thương binh và xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hình thành mạng lưới hỗ trợ tâm lý cho trẻ em.

Theo hanoimoi.com.vn
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến

Học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến

2 năm trước

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường, ngày 27/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản về việc tiếp tục triển khai các biện...
Ra mắt nền tảng kỹ thuật số Em Vui

Ra mắt nền tảng kỹ thuật số Em Vui

2 năm trước

Hôm nay (ngày 28/9), Hội thảo trực tuyến ra mắt nền tảng kỹ thuật số Em Vui đã diễn ra với sự tham gia của gần 200 đại biểu tại 5 điểm cầu là Hà Nội, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và...
Bảo vệ đôi mắt của trẻ khi học tập trực tuyến

Bảo vệ đôi mắt của trẻ khi học tập trực tuyến

2 năm trước

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc dạy học thay đổi hình thức từ học tập trực tiếp sang trực tuyến. Điều này có nghĩa trẻ em sẽ phải dành nhiều thời gian hơn trước màn hình...