THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 10:10

Vì sao giáo dục Phần Lan tốt nhất thế giới?

17/12/2016 | 16:01
 
Học sinh Phần Lan. Ảnh: KT
 
Giáo dục là ưu tiên số một 
 
Giáo sư Pasi Sahlberg, nhà cải cách giáo dục, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan cho biết:“Thứ nhất, chúng tôi đặt niềm tin mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục công, do đó, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép hoạt động cho bất kỳ loại hình trường học nào. Phần Lan có khoảng 75 trường học độc lập nhưng được ngân sách công tài trợ. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để khuyến khích các bậc phụ huynh tự do lựa chọn trường học trong vùng cho con cái họ theo học.
 
Thứ hai, chúng tôi chèn vào hệ thống giáo dục một quy trình can thiệp sớm và toàn diện để nhận diện và hỗ trợ các học sinh có nhu cầu đặc biệt trong học tập. Mỗi trường học đều phải có một bộ phận mà chúng tôi gọi là “Nhóm phúc lợi học sinh” có trách nhiệm đảm bảo tất cả học sinh trong trường được giúp đỡ và được hỗ trợ đầy đủ. Hiện, dịch vụ giáo dục đặc biệt này đang phục vụ khoảng 1/3 tổng số học sinh học chương trình cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9). Nhờ có chương trình này, tỉ lệ học lại của học sinh là rất thấp còn tỉ lệ tốt nghiệp từ chương trình cơ bản đạt gần 100%.
 
Thứ ba, để thành công trong hai yếu tố kể trên, Phần Lan có một hệ thống đặc biệt về tuyển chọn và đào tạo giáo viên. Vào cuối những năm 1970, Chính phủ Phần Lan đã quyết định nâng cao tiêu chuẩn của nghề giáo viên lên ngang bằng với các nghề đòi hỏi tiêu chuẩn cao khác như nghề dược hay luật bằng cách quy định giáo viên giảng dạy chương trình cơ bản phải có bằng thạc sĩ. Việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan được thực hiện dựa trên nhiều nghiên cứu, điều này cho phép chúng tôi nâng cao sự tin tưởng của dân chúng đối với đội ngũ giáo viên và trách nhiệm nghề nghiệp của họ. Giáo viên ở Phần Lan rất có uy tín xã hội, và giảng dạy được xem là một nghề cạnh trạnh đối với nhiều người Phần Lan trẻ. Các trường học ở Phần Lan thật sự là các cộng đồng học tập chuyên nghiệp với quyền tự chủ lớn và được tự do tạo ra các phương pháp tốt nhất để hỗ trợ cho việc học tập của học sinh”.
 
Những ưu điểm tuyệt vời của giáo dục Phần Lan
 
Phần Lan có 8 nguyên tắc căn bản làm nên nền giáo dục phát triển thành công như ngày hôm nay: 
 
Thứ nhất, bình đẳng giữa các trường, tất cả các trường đều được tài trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị như nhau. Sự khác biệt giữa một trường học tốt nhất và trường học kém nhất ở Phần Lan chỉ ở mức 4%.
 
Thứ hai, miễn học phí và học sinh không phải chi trả các khoản ăn trưa, các tour du lịch, tham quan bảo tàng, hoạt động ngoại khóa...
 
Thứ ba, chương trình học được thiết kế để có thể tiếp cận tới từng học sinh. Chủ tịch Hội đồng giáo viên Phần Lan cho biết: “Tất cả trẻ em dù ở thành phố hay nông thôn đều phải được hưởng sự giáo dục như nhau. Mỗi công dân đều phải có quyền hưởng nền giáo dục tốt nhất”. Thậm chí, ngay cả những học sinh, sinh viên khuyết tật, thiểu năng thì vẫn được tạo điều kiện để có cơ hội học tập như các bạn đồng lứa.
 
Thứ tư, không có những kỳ thi trong các trường học ở Phần Lan. Chỉ có một kỳ thi duy nhất là bài thi viết để xét tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học. 
 
Thứ năm, mọi mối quan hệ trong trường học đều được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Giáo viên không kiểm tra đột xuất cũng không áp đặt luật lệ cho học sinh. Họ luôn cố gắng khuyến khích học sinh học tập, nhưng nếu học sinh đó không muốn học hoặc không có khả năng họcmà muốn tập trung tìm kiếm một công việc thực tế hơn, giáo viên sẽ không vì thế mà liên tục cho học sinh đó điểm thấp.
 
Thứ sáu, giáo viên được tự do áp dụng phương pháp riêng, tự xây dựng giáo án và có quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa. Khi đứng lớp, giáo viên không bị thanh tra hoặc bị đánh giá thường xuyên. Họ không dạy học sinh quá nhiều kiến thức mà dạy phương pháp ghi nhớ cũng như cách tự mình suy nghĩ, phân tích, tìm kiếm thông tin từ những nguồn bên ngoài lớp học, đặc biệt là Internet.
 
Thứ bảy, học sinh gần như không có áp lực về bài vở. Ở cấp tiểu học, các em thậm chí còn không được giao bài tập về nhà, vì thế trẻ em được tận hưởng thời gian vui chơi giải trí sau khi kết thúc giờ học.
 
Thứ tám, học sinh được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, thậm chí ngay cả trong mùa đông lạnh giá. Những giờ học ngoại khóa khiến thầy và trò đều phải sáng tạo khi không có giáo trình cụ thể, chính xác. Cách dạy này giúp học sinh thích thú và không ngừng khám phá, từ đó tìm hiểu kiến thức nhanh và sâu hơn so với việc học trong sách giáo khoa truyền thống.
 
Mặc dù được đánh giá là quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới nhưng người Phần Lan không cho rằng hệ thống giáo dục của mình là hoàn hảo, và họ không ngừng nghiên cứu, cải thiện cho phù hợp với những thay đổi của xã hội.
 
 
Ảnh: KT
 
Phần Lan sẽ xóa bỏ các môn học
 
Phần Lan là nước duy nhất trên thế giới dám thực hiện việc xóa bỏ toàn bộ các môn học cho học sinh từ 16 tuổi trở lên. 
 
Bà Marjo Kyllonen - Giám đốc Sở Giáo dục Helsinki, Phần Lan lý giải sự thay đổi này: “Chúng ta thực sự cần phải suy nghĩ lại về giáo dục và việc thiết kế lại hệ thống giáo dục hiện tại, vì nó cần chuẩn bị cho con em chúng ta các kỹ năng cần thiết cho hôm nay và ngày mai. Rất nhiều trường học đang giảng dạy theo cách cũ, vốn chỉ phù hợp với giai đoạn đầu của thế kỷ 20. Hiện giờ, các nhu cầu không còn như trước, và chúng ta cần điều gì đó phù hợp hơn cho thế kỷ 21”.
 
Ý tưởng chung của việc xóa bỏ toàn bộ các môn học là các em phải tự lựa chọn cho mình chủ đề hay hiện tượng muốn học, mang trong tâm trí những hoài bão về năng lực và tương lai của mình.
 
Thay vì học từng môn riêng rẽ, học sinh sẽ học các sự kiện và hiện tượng trong một định dạng đa ngành. Ví dụ, Chiến tranh Thế giới thứ 2 sẽ được nghiên cứu từ góc độ lịch sử, địa lý và toán học. 
 
Cách thức giao tiếp và trao đổi giữa giáo viên và học sinh cũng sẽ thay đổi. Học sinh không còn ngồi phía sau bàn học và lo lắng chờ đợi bị gọi lên trả lời câu hỏi. Thay vào đó, họ sẽ làm việc với nhau trong các nhóm nhỏ để thảo luận về các chủ đề.
 
Hệ thống giáo dục Phần Lan khuyến khích làm việc tập thể, đó là lý do thay đổi này cũng sẽ ảnh hưởng đến giáo viên. Khoảng 70% giáo viên tại Helsinki đã cam kết chuẩn bị công tác phù hợp cho việc giảng dạy kiến thức trong hệ thống mới, và đương nhiên, họ cũng sẽ được tăng lương.
 
Theo dự kiến, những thay đổi trong hệ thống giáo dục tại Phần Lan sẽ được hoàn thiện vào năm 2020.

Phương Anh/tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...