THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 08:07

Vỉa hè và người khuyết tật

31/03/2018 | 08:14
 
Barie trên vỉa hè gây khó khăn cho NKT trong việc đi lại.
 
Từ cái barie trên vỉa hè
 
Cẩm Nhung, một người khuyết tật nặng sống tại Nghệ An, lần đầu được ra thăm Thủ đô. Sự háo hức của cô bỗng chốc trở thành nỗi thất vọng tràn trề, khi Nhung không thể nào lăn xe trên vỉa hè quanh khu Văn Miếu. Mấy du khách nước ngoài nhiệt tình xúm lại khiêng cả xe và Nhung qua những cọc rào chắn cũng không khỏi ái ngại mà khuyên Nhung nên xuống lòng đường… cho dễ đi lại, bởi có lên được hè rồi, thì Nhung cũng không thể ra được đường nữa bởi những chiếc barie có khoảng cách rộng hơn một gang tay.
 
Những chiếc barie ấy đã được lắp đặt gần một năm nay, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Ngọc Hồi... Chức năng của những chiếc barie rất đơn giản: ngăn xe máy chạy lên vỉa hè. Các thanh barie bằng chất liệu sắt sơn đẹp đẽ, cao 80cm, được chôn cách nhau đúng 30cm. Độ hở giữa các thanh là 30cm chỉ gây khó một chút cho những người đi xe máy muốn leo lên hè, nhưng hóa ra lại hẹp hơn cả chiều rộng của một chiếc xe đẩy trẻ em và đương nhiên quá hẹp cho bất kỳ chiếc xe lăn của NKT nào. Và hình ảnh những chiếc xe máy, xe đạp điện vẫn luồn lách giữa những thanh barie cho thấy tính hiệu quả rất hạn chế của phương án làm rào chắn barie trên hè phố.
 
Nhưng đằng sau cái mong muốn rất đỗi đơn sơ ấy của những nhà quản lý, lại là những logic hết sức phức tạp của một đô thị… phức tạp. Và Nhung không được đi trên hè phố như mọi công dân khác, chỉ là một ví dụ của sự phức tạp ấy. Tôi kể câu chuyện ấy với Hoàng Lý, một người khiếm thị đang làm cho VOV giao thông, chị tâm sự: Dù không muốn thì chị vẫn phải đi xuống lòng đường thôi, vì vỉa hè như tuyến phố Liễu Giai, Văn Cao được đánh giá là đẹp nhất Hà Nội, tuy có lát gạch gờ nổi cho người khiếm thị tiếp cận, nhưng giữa lằn gạch quy định ấy lại lù lù mọc lên vài cái cột điện. Nên thà đi xuống lòng đường, người ta thấy còn tránh, chứ đi trên hè, cột điện đâu có tránh người!      
 
Bộ Xây dựng đã có những quy định khá rõ về “Bộ quy chuẩn của công trình công cộng với người khuyết tật” và “Luật Người khuyết tật” cũng có lộ trình rất rõ ràng về tiến trình đảm bảo tiếp cận công trình công cộng cho mọi NKT. Nhưng có lẽ, trong một nỗ lực tuyệt vọng chống lại sự rối tinh của đường phố, chính quyền không đủ thời gian nghĩ tới điều ấy.

 
NKT tham gia giao thông.
 
Trở ngại việc đi lại
 
Không biết có phải bởi tôi là một NKT nên có cái nhìn khắt khe hơn so với người lành lặn? Hãy cứ cho rằng, NKTchỉ là một biến số nhỏ, chẳng đáng là bao so với lợi ích thu được, không tính đến cũng chẳng sao. Nhưng tôi nhìn thấy từ hình ảnh của Nhung bất lực trước thanh barie lạnh lùng đến vô cảm, thấy cái lắc đầu ngao ngán của các du khách quốc tế khi nhấc xe cho Nhung “được” đi trên vỉa hè như một phép thử chính sách. Cái vỉa hè phải hy sinh một phần ý nghĩa, phải vứt bỏ đi một phần sự toàn vẹn của mình, để tránh sự “xâm hại” của những người đi xe máy vô ý thức.
 
Cho dù cái barier ấy có phát huy phần nào tác dụng để ngăn chặn xe máy, thì nó cũng không thể là giải pháp đáng trông chờ. Chúng ta không thể xây dựng tương lai bằng những cuộc “chống cháy” cực chẳng đã như vậy.
 
Có những thứ không đúng, không sai, chúng tồn tại chỉ như một mâu thuẫn. Cái barie trên vỉa hè là một thứ như thế. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu nó đã ở đó rồi, thì cứ để nó ở đó, để chúng ta nhìn vào và biết mình đã mất đi những gì, đã ở tình thế bế tắc tới mức độ nào. Còn Nhung, hay Lý và tôi, hay bất kỳ NKT nào sẽ biết tự tránh những cái barie ấy mà chọn đường khác.
 
Không ít NKTđã nhiều lần bị ngã xuống đường do bó vỉa không phù hợp. Rất nhiều tuyến đường có bó vỉa cao, người đi xe lăn phải tốn nhiều sức mới có thể lên vỉa hè. Những người sức tay yếu, phải lấy trớn vài lần, chỉ cần sai sót nhỏ là ngã. Dù đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng các công trình, đường phố với những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản, nhằm tạo điều kiện để NKT tiếp cận sử dụng, nhưng trên thực tế, nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm các đô thị không có thiết kế lối đi dành cho người khiếm thị (lát gạch nổi). Ở khu vực ngoại thành, nhiều tuyến đường còn không có vỉa hè, NKT phải xuống lòng đường đi chung với các phương tiện khác. Chưa kể, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, để xe càng gây thêm nhiều khó khăn cho NKT đi lại. Các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, chung cư...  nếu có theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thì cũng chỉ hạ thấp vỉa hè, tạo làn đường thuận tiện cho việc đi lại bằng xe lăn; rất hiếm những nhà vệ sinh công cộng có tay vịn cho NKT. 
 
Tại một số tỉnh, thành khác, NKT cũng gặp những khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Đình Phương, làm việc tại Hội Người mù tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Toàn bộ người mù ở Bình Dương không ai dám đi trên vỉa hè vì vướng đủ thứ, có thể đụng đầu vào trụ điện hoặc đạp phải miệng cống. Chưa kể, người ta còn để xe, buôn bán trên vỉa hè. Việc băng qua đường đối với người mù thật sự nguy hiểm vì không có trụ báo hoặc biển báo chữ nổi để chúng tôi biết chỗ dành cho người đi bộ sang đường, nên cứ băng liều! 
 
Trong khi đó, ở nhiều tuyến đường khác, việc đầu tư, cải tạo hệ thống trạm dừng xe buýt còn quá nhiều hạn chế, không đủ điều kiện kỹ thuật cho NKT sử dụng. Nhiều trạm dừng ở đoạn vỉa hè được xây thành bậc thẳng đứng, không có lối lên xuống cho người sử dụng xe lăn, hoặc nếu có cũng cách xa điểm đón xe buýt. Chưa kể, nhiều đoạn vỉa hè ở các trạm dừng lồi lõm, bị chiếm dụng để kinh doanh, chưa có các bảng chỉ dẫn và hệ thống âm thanh cung cấp thông tin hành trình hoặc các bảng báo hiệu bằng chữ nổi...
 
NKT ở Việt Nam khi tham gia giao thông còn gặp không ít khó khăn do hệ thống giao thông công cộng và công trình công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Nhật Nam/TC GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...