CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 04:11

Việc tiếp cận BHYT đối với người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản

04/07/2017 | 10:49
 
 
 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh T.V
 
Khó khăn trong tiếp cận và sử dụng BHYT

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, dù đã có nhiều chính sách, song việc tiếp cận BHYT đối với người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản như: không có giấy tờ tùy thân; tâm lý sợ bị lộ danh tính, sợ bị kỳ thị nếu phải cung cấp thông tin tên tuổi thật; cán bộ chuyên trách, cán bộ BHYT còn thiếu kiến thức về bệnh nhân nhiễm HIV nên vẫn còn thái độ ứng xử chưa phù hợp; không có nhân viên cộng đồng hỗ trợ tư vấn tại các cơ sở điều trị… Chị Hiền ở Bắc Ninh bức xúc: Không phải là người có H lo ngại hay không dám bộc lộ nhưng sự kỳ thị phân biệt của nhân viên y tế còn rất nhiều. Có lần nhóm em đi khám, mấy nhân viên y tế tỏ thái độ khó chịu: “Sao hôm nay “lũ chúng nó” nhiều thế nhỉ”. Vì vậy, cần có giải pháp để thay đổi sự nhìn nhận từ hệ thống y tế, thay đổi nhận thức của cán bộ y tế. 

Chị An My (Tp. HCM) kể: Chị em mại dâm khi đi làm lại giấy tờ tùy thân thì cũng tốn các chi phí “bôi trơn” khác không sẽ mất rất nhiều thời gian ít là 3-4 tháng đến 1 năm, ngay thành viên mạng lưới bao nhiêu năm mới có được Chứng minh nhân dân nhưng cũng mất đến 30 triệu, không tính đến mất thời gian để kiếm ăn, và các chi phí sinh hoạt khác…

Đồng tình với ý kiến trên, Thuận Tp. HCM chia sẻ: Cả anh em hành nghề cũng nằm trong các trường hợp này. Tp HCM phải yêu cầu tạm trú mà tính di biến động rất lớn, các bạn làm trong “động”, “cơ sở” thì ko thể có giấy tạm trú được mà sẽ phải đi về tỉnh - điều đó rất khó khăn. 
Chính vì gia cảnh của nhiều cá nhân trong cộng đồng không thể đáp ứng được những chi phí ngoài luồng để làm lại được giấy tờ tùy thân nên đành chấp nhận sống cho qua ngày. Đối với người chuyển giới thì còn gặp trở ngại về ngoại hình thì cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm giấy tờ tùy thân. 
 
 
 
Lấy mẫu máu để đo tải lượng vi rút HIV. Ảnh KT

34% người có H chưa có BHYT

Hoạt động phòng chống HIV, Lao và Sốt rét ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do Nhà nước thực hiện và kinh phí từ các nguồn tài trợ nước ngoài. Trong bối cảnh các nguồn viện trợ đang bị cắt giảm dần, mặc dù ngân sách quốc gia được mong đợi bao phủ ít nhất 50% phần ngân sách sụt giảm, nhưng Chính phủ cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc lấp đầy khoảng trống về ngân sách cho các hoạt động này từ nguồn ngân sách quốc gia. Chính vì vậy để bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS, việc sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị kháng virus (ARV) là việc rất cần thiết.

Để giúp người nhiễm HIV tiếp cận được chính sách BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg, theo đó giao cho UBND tỉnh/thành phố bố trí nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. 

Dự kiến từ tháng 7/2017, BHXH Việt Nam bắt đầu chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Đây được xem là tin vui cho những người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cơ chế mở, song đến nay vẫn chưa có nhiều người nhiễm HIV/AIDS cũng như bệnh nhân lao và sốt rét tiếp cận được BHYT. Theo ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, vẫn có nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để mua BHYT cho người nhiễm HIV. Do đó tính đến 31/3/2017 theo thống kê số người nhiễm HIV được rà soát tại các cơ sở điều trị HIV là 108.000 người, trong đó số người bệnh có thẻ BHYT là 71.280 người (chiếm 66%), vẫn còn gần 34% người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT. 
 
 
Ảnh KT

Từ những khó khăn trên, theo các đại biểu, là cần truyền thông, phổ cập kiến thức về BHYT một cách rộng rãi, giúp người có HIV có thể tiếp cận điều trị thông qua BHYT, đảm bảo cho 100% người có HIV được điều trị thông qua BHYT.

Ngoài ra, giáo dục kiến thức về dự phòng các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên y tế cũng vô cùng quan trọng, nhằm giảm kỳ thị: bác sỹ, nhân viên y tế, nhất là khi phụ trách về HIV, cần thân thiện hơn với bệnh nhân có HIV. Bên cạnh đó cũng cần có các quy định ... “mở” giúp người nhiễm HIV/AIDS dễ dàng mua thẻ BHYT.

Các nhóm đồng đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền thông về lợi ích và sự cần thiết của BHYT cho người có HIV; tìm kiếm, khuyến khích và hỗ trợ người có HIV điều trị HIV thông qua BHYT. 

Để làm được điều đó, cần kết hợp với các cơ sở điều trị để tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có HIV và liên tục cập nhật những thông tin về luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về BHYT cho nhóm khách hàng là người có HIV. 

Châu Anh/ GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...