THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 06:10

Với Corona: Cảnh giác cao, không hoảng sợ

10/02/2020 | 10:39
Tại sao nhiều người lo lắng như thế?
 
Cái lo đầu tiên là cho đến thời điểm này, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác 2019-nCoV nguy hiểm như thế nào. Loại thuốc nào là thuốc đặc trị phòng, chống 2019-nCoV? Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong tiếp tục tăng. Cụ thể: Trong vòng 24 giờ qua (tính đến 6h sáng ngày 7/2), Trung Quốc đã có thêm 73 người chết và 3.143 người nhiễm mới, nâng số người chết lên 636, người bị nhiễm bệnh lên 31.161.
 
Cái lo thứ hai là chúng ta chưa biết khi nào thì nạn dịch này đạt đỉnh (để bắt đầu giảm). Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói: “Chúng ta vẫn ở giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh. Đã có những trường hợp truyền nhiễm (từ người sang người) và số trường hợp này có thể tăng trong những ngày tới. Ít nhất hiện giờ mọi thứ ổn định. Nhưng với 4.000 ca hay gần 3.700 ca nhiễm mới trong một ngày thì không phải là điều đáng để bớt lo lắng, tình hình vẫn rất đáng lo ngại”.
 
Cái lo thứ ba là việc cách ly gây khó khăn, căng thẳng đối với nhiều người; nếu họ bị cách ly lâu sẽ quá sức chịu đựng của người bị cách ly và người giám sát cách ly. Ở đây tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ.
 
Cái lo thứ tư là hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị đảo lộn và đình trệ. Chỉ nguyên chuyện các xe nông sản của Việt Nam bị tắc ở cửa khẩu vào Trung Quốc đã khiến giá thanh long từ 37.000 đồng/kg giảm còn 5.000 đồng/kg, dưa hấu từ 20.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/kg. Nhưng có lẽ ngành du lịch mới là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, số tiền thiệt hại phải tính bằng hàng ngàn tỷ đồng. Rồi việc học sinh phải nghỉ học đến bao giờ? Trong điều kiện nào thì học sinh sẽ đi học trở lại?...
 
Có quá nhiều lý do để mọi người lo lắng, thậm chí là hoảng sợ. Nhưng kinh nghiệm cho hay: Lo lắng và hoảng sợ không giải quyết vấn đề gì cả!
 
 
Virus corona làm ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản. Ảnh KT
 
Những cách phòng chống virus Corona tốt nhất
 
Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, quan hệ làm ăn, buôn bán đang phát triển mạnh mẽ nên Việt Nam lo lắng là phải. Chúng ta không chỉ lo lắng suông, mà áp dụng ngay nhiều biện pháp thiết thực: Cách ly những người ở Trung Quốc về, tiếp xúc với người Trung Quốc; khoanh vùng, cách ly người Trung Quốc mới sang Việt Nam; Khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp đề phòng như đeo khẩu trang, hạn chế đến chỗ đông người, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng...
 
Ngày 1/2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định tuyên bố dịch viêm phổi do virus Corona gây ra, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải có rất nhiều hoạt động đề phòng. Tôi thấy lần đầu tiên Bộ Y tế in tờ rơi khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh lây nhiễm 2019-nCoV; ở nhiều nơi, tờ rơi này được đưa đến từng nhà của người dân.
 
Hiện nay đang là mùa lễ hội nhưng lệnh lùi, lệnh cấm khai hội đã được đưa ra. Hàng trăm lễ hội trên cả nước bị đình lại. Học sinh, sinh viên được nghỉ học ít nhất là thêm 1 tuần và sau đó sẽ có thông báo cụ thể. Vấn đề này phải được tính toán kỹ và có những quyết định phù hợp vì chuyện học không thể nghỉ lâu được.
 
Báo chí, truyền thông liên tục cập thông tin, đưa ra những cảnh báo và quan trọng nhất là đưa ra những chỉ dẫn về cách phòng chống. Nghĩa là truyền thông đã duy trì sự chú ý cao độ của mọi người trong suốt thời gian diễn ra nạn dịch này. Tuy nhiên, ở đây đã xuất hiện một số tiêu cực: Đã có những thông tin không chính xác về nạn dịch này được đưa ra. Có thể có những kẻ xấu đưa tin sai để gây rối nhưng phần lớn các trường hợp là để “câu likes”, hoặc do không có kinh nghiệm xử lý thông tin.
 
Nhìn chung, chúng ta đã có có những giải pháp kịp thời và tương đối hợp lý trong những tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Chúng ta cảnh giác cao độ nhưng không hoảng sợ.

 
Nhiều tỉnh đã quyết định cho học sinh nghỉ đến hết 16/2 để phòng tránh vius Corona. Ảnh KT
 
Cần có chiến lược đối phó dài hạn
 
Những gì chúng ta làm vừa qua mang tính ứng phó khẩn cấp. Các biện pháp này không thể kéo dài vì chúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra những giải pháp mang tính chiến lược để đối phó lâu dài với chủng virus 2019-nCoV.  Chiến lược đó là phải dần dần khôi phục hoạt động bình thường trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
 
Điều cần phải chú ý là cho đến thời điểm này, mức độ lây nhiễm của 2019-nCoV vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà khoa học. Đáng lo ngại là 2019-nCoV chưa có vaccine phòng bệnh, điều đó có nghĩa là trẻ em, người già yếu, những người có vấn đề về hô hấp hoặc miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Chúng ta phải quan tâm tới điều này khi nhà trường, nhà trẻ, đền chùa, chợ búa, lễ hội... hoạt động trở lại.
 
Các biện pháp phòng có hiệu quả như rửa tay đúng cách và thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường cần phải thực hiện. Việc đo thân nhiệt ở những nơi như máy bay, tàu hỏa, xe khách, xe buýt... cũng cần thực hiện. Nếu phát hiện ai có triệu chứng nhiễm 2019-nCoV thì phải cách ly ngay.
 
Điều quan trọng nhất là tất cả mọi người phải bình tĩnh và tỉnh táo trong thời dịch bệnh đang diễn ra. Nếu người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình bị nhiễm bệnh thì cũng không nên lo lắng quá. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ tử vong của những người bị nhiễm căn bệnh này ở mức 2,1%. Do vậy, nếu mắc bệnh thì khả năng khỏi bệnh là rất lớn.
 
Để cuộc sống diễn ra bình thường trong mùa dịch 2019-nCoV, chúng ta cần cảnh giác nhưng tỉnh táo và lạc quan. Việc lao động, học tập tiếp tục được duy trì đã đành, vui chơi, giải trí, du lịch, chơi thể thao... cũng phải tiếp tục (thậm chí là đẩy mạnh để bù lại những ngày bị dừng). Cuộc sống bây giờ cần bản lĩnh và sự tính toán chính xác. Làm được như vậy chúng ta mới góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 
Để cuộc sống diễn ra bình thường trong mùa dịch 2019-nCoV, chúng ta cần cảnh giác nhưng tỉnh táo và lạc quan.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...