CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 06:52

Vui hai lần, trách nhiệm tăng gấp đôi

20/10/2017 | 17:04
 
Cắm hoa: Nam giới thi cắm hoa tôn vinh phụ nữ. Ảnh: KT
 
Số phận phụ nữ gắn liền với vận mệnh dân tộc
 
Năm 1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch). Đại hội đó đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
 
Vào lúc này, Việt Nam đang nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Nhiệm vụ chiến lược của nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ là đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Cùng với cả dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đấu tranh chính trị, cướp chính quyền, góp phần quan trọng vào việc lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, phụ nữ Việt Nam còn phải chiến đấu, hi sinh trong những cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt để có được nước Việt Nam thống nhất hôm nay. Để ghi nhận công lao của phụ nữ Việt Nam, Nhà nước Việt Nam quyết định chọn ngày 20/10 để  kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”. Cũng xin nói thêm là trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, phụ nữ miền Nam cũng có ngày truyền thống của mình. Đó là ngày tưởng niệm Hai Bà Trưng vào ngày 6 tháng 2 Âm lịch.
 
Như vậy là phụ nữ Việt Nam luôn gắn số phận của mình với vận mệnh dân tộc, xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giành độc lập tự do, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lao động xây dựng đất nước phồn thịnh. Xuất phát từ đặc điểm này, mỗi năm, phụ nữ Việt Nam được tôn vinh hai lần. Chính vì vậy, phụ nữ Việt Nam cũng cảm thấy mình có trách nhiệm gấp đôi trước xã hội. Đây là một điều khá thú vị trong đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế của đất nước.
 


Helen: Helen Thanh Đào (giữa), người sáng lập cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu” trong một cuộc gặp gỡ báo chí giới thiệu cuộc thi ở Việt Nam. Ảnh: KT   
 
Thiên chức và bình đẳng giới
Phụ nữ có thiên chức làm vợ, làm mẹ. Cùng với những thiên chức này, phụ nữ được “ưu tiên” hơn trong việc “tề gia nội trợ”, nghĩa là họ được thừa nhận có ưu thế hơn trong việc đi chợ, nấu ăn, rửa bát, quét nhà… Những việc lặt vặt này tiêu hao của họ nhiều sức lực và thời gian. Càng ngày, họ càng nhận ra rằng, điều này là không công bằng vì nam giới cũng có thể làm những việc đó không kém gì phụ nữ.
Khi cuộc đấu tranh thực hiện quyền bình đẳng giới lan rộng và ngày càng được đẩy mạnh, không thể không tính đến chuyện bình đẳng trong việc nhà. Thật ra, đây là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ thua kém nam giới trong một số lĩnh vực, mặc dù họ không kém hơn về trí tuệ, sự thông minh, sắc sảo.
 
Như vậy, vấn đề đặt ra là để bảo đảm bình đẳng giới, phải chú ý tới hai vấn đề: 1. Có chính sách đền bù (hay là khen thưởng) cho phụ nữ vì họ thực hiện thiên chức làm mẹ (mang nặng, đẻ đau, cho con bú bằng sữa mẹ); 2. Phải nhận thức và luôn luôn nhớ: Về mặt sinh học, phụ nữ không kém nam giới về năng lực trí tuệ.
 
Trong những năm gần đây, khi thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch, nhiều phụ nữ đã gặt hái được những thành công trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, nghệ thuật, chính trị… Điều này khiến chúng ta khẳng định: Phụ nữ Việt Nam không kém đàn ông Việt Nam, thậm chí có những lĩnh vực họ tỏ ra nhỉnh hơn. Bóng đá nữ Việt Nam gặt hái được nhiều thành công hơn bóng đá nam trong khu vực; những vận động viên nữ cũng mang về những tấm huy chương giá trị hơn vận động viên nam; vận động viên bơi lội Ánh Viên là một ví dụ.
 
Dẫn ra vài ví dụ như vậy không phải để khẳng định sự nhỉnh hơn của phụ nữ, mà chỉ muốn nói là phụ nữ có khả năng không hề thua kém nam giới trong hầu hết các lĩnh vực. Nhận thức rõ được điều này, chũng ta sẽ có cách ứng xử thích hợp, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 
Về mặt chủ trương, chính sách: Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm vấn đề giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới; đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ. Ðã có những nhà lãnh đạo là nữ giới ở các cơ quan cao nhất của Ðảng, Nhà nước. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ Việt Nam. Chúng ta phải thẳng thắn công nhận rằng, những định kiến, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại trong đầu nhiều người.
 
 
Quyền năng phái đẹp là chương trình nhằm tôn vinh phái đẹp do Hoa khôi Thu Hương đứng ra tổ chức. Ảnh: KT     
 
Hãy phát huy những phẩm chất điển hình của phụ nữ Việt Nam!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang. Đây là những điều phụ nữ Việt Nam cần phát huy, kể cả trong thời bình. Ngoài ra, những phẩm chất quý giá được sàng lọc, tích lũy từ xa xưa cũng cần được gìn giữ và phát huy. Đó là sự đoan trang, kín đáo, tế nhị, cần cù, nhẫn nại, chỉn chu… Đây là những phẩm chất rất có ý nghĩa trong thời kỳ hội nhập.
 
Sống trong hội nhập, chúng ta học tập, lĩnh hội được nhiều điều hay, điều tốt của thế giới. Ngược lại, chúng ta cũng cần quảng bá, phổ biến cái hay, cái tốt của mình ra thế giới. Dù muốn hay không thì trào lưu phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc đang diễn ra khá phổ biến. Ra nước ngoài sinh sống với chồng và gia đình chồng, phụ nữ Việt Nam nên thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Điều này không những cần thiết cho mỗi con người, mỗi gia đình cụ thể, mà nó còn góp phần tạo dựng danh tiếng ở quy mô quốc gia. Trong dân gian vẫn truyền tụng câu: “Cơm Tàu, vợ Nhật, nhà Tây”; phụ nữ Nhật Bản đã tạo được tiếng thơm trên toàn thế giới vì những phẩm chất tốt đẹp của mình. Phụ nữ Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự như vậy.
 
Hơn nữa, không phải tất cả những điều diễn ra trong hội nhập đều là điều hay. Cần phải phát huy những phẩm chất quý báu của phụ nữ Việt Nam để “phòng thủ” trước sự xâm lấn của một số biểu hiện thái quá trong văn hóa giải trí, tiêu dùng, lối sống… 
 
Việc giữ được những chuẩn mực về đạo đức gia đình có ý nghĩa to lớn và lâu dài. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào phụ nữ Việt Nam.
                                                                 
Biến thách thức thành cơ hội

Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay là sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Có thể đây lại là cơ hội của nữ giới?!

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng năng nề của tư tưởng Nho giáo nên người ta tìm mọi cách sinh con trai. Trước đây mấy chục năm, tỷ lệ bé gái – bé trai khi sinh là 100/106; nay con số này đã là 100/115. Đây là điều đáng báo động. Nếu cứ để tình hình này diễn ra, đến năm 2050 sẽ có khoảng 4 triệu đàn ông Việt Nam đến tuổi lập gia đình không có phụ nữ để lấy làm vợ!

Đây là một thách thức lớn đối với đất nước, với xã hội. Song, ở một khía cạnh nào đó, đây là cơ hội để chúng ta đề cao phụ nữ Việt Nam. Trước hết, những gia đình nào sinh con gái phải lấy làm niềm vui, niềm tự hào. Trên thực tế đã có một số địa phương tôn vinh những gia đình sinh 2 bé gái. Tiếp theo, nhân cơ hội này, chúng ta phải phê phán, bài trừ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” của Nho giáo; chỉ ra đây là một trong những mối nguy hại lớn khiến xã hội căng thẳng, mất an toàn. Thứ ba, Nhà nước cần có những chính sách để cân bằng giới tính khi sinh. Về lâu dài, chỉ có sự cân bằng giới tính mới là nền tảng cho việc thực hiện bình đẳng giới, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Vai trò của từng cá nhân phụ nữ và tổ chức hội phụ nữ các cấp rất quan trọng trong việc vừa tôn vinh phụ nữ, vừa điều chỉnh cân bằng giới tính. Đây là một “bài toán lớn” đã được đặt ra, cần lời giải trong thời gian tới.

Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất (GĐ&TE)

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...