THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 11:22

Vui xuân và nỗi lo giao thông

15/02/2019 | 16:01
 
Tắc đường luôn là nỗi lo khi tham gia giao thông ngày lễ, tết. Ảnh: Internet
 
Những gì thuộc di sản thì không bỏ được!
 
Thấy việc tổ chức Tết Nguyên đán vất vả, tốn kém và chứa nhiều hiểm họa, một số người đã đề nghị là gộp Tết Dương và Tết Âm làm một. Đề nghị này vấp phải sự phản kháng của đa số dân chúng. Họ cho rằng, người Việt Nam không thể làm như người Nhật Bản là “tây hóa” - chỉ đón Tết Dương.
 
Bình tĩnh suy xét thì thấy rằng, người Việt Nam nặng tình với Tết Nguyên đán hàng ngàn năm nay. Điều này đã ăn sâu vào xương tủy của nhiều thế hệ nên người ta không tưởng tượng được là đến một lúc nào đó người Việt Nam lại không đón Tết Nguyên đán nữa. Tết gắn liền với gia đình, với quê hương, với lễ hội; Tết làm cho tình cảm và trí tuệ của người Việt Nam giàu có thêm.
 
Nhìn từ khía cạnh lịch sử, văn hóa, truyền thống thì Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân ở Việt Nam đã trở thành một loại di sản. Mà đã là di sản thì phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy tác dụng. Không chỉ người Việt chúng ta, mà nhiều chuyên gia người nước ngoài cũng có quan điểm như vậy. Nghĩa là chuyện đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam là một hiện tượng văn hóa đặc biệt trong hoạt động của nhân loại, nó có ý nghĩa lớn lao, cần được bảo vệ.
 
Với những lý do như vậy, không nên đặt vấn đề gộp Tết nữa. Vấn đề còn lại là tổ chức Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân thế nào cho tốt, chỉ mang lại niềm vui chứ không còn nỗi lo nữa.
 
Nỗi lo giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là nỗi lo lớn nhất, dài nhất của người Việt Nam. Làm thế nào để nỗi lo này bớt đi vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
 
Hiện tại, nỗi lo giao thông vẫn rất lớn
 
Trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân, nỗi lo giao thông vẫn còn đó và hầu như chưa hề suy giảm. Có 4 nỗi lo cơ bản: 1. Lo kiếm cho được vé máy bay, ô tô, tàu hỏa từ Nam ra Bắc và ngược lại. Nhiều người lo trước Tết hàng tháng nhưng kết quả vẫn lận đận; 2. Nỗi lo bị “chặt chém” - giá vé bị đẩy lên gấp 2, gấp 3 so với ngày thường - tiền dự định để mua thứ khác đành phải bỏ ra mua vé; 3. Nỗi lo bị chậm chuyến, phải nằm lại trên đường và vạ vật ở bến xe, bến tàu. Ví dụ, vừa rồi tàu hỏa bị trật bánh, mãi 13 tiếng đồng hồ sau mới khắc phục được sự cố. Điều này khiến hàng chục ngàn người vất vả cả về tinh thần lẫn thể xác; 4. Nỗi lo về tai nạn giao thông vẫn bao trùm lên từng gia đình khi có người còn ở trên đường. Thông thường, tai nạn giao thông trong dịp Tết thường cao hơn gấp rưỡi ngày thường.
 
Nói về số lượng nạn nhân tai nạn giao thông lại thêm những lo lắng, buồn phiền sâu xa nữa. Số là các con số thống kê rất khác nhau. Theo con số của cảnh sát giao thông, những năm gần đây, mỗi năm có trên 8.000 người tử vong và khoảng trên 10.000 bị thương vì tai nạn giao thông. Con số này đã là khủng khiếp rồi, nhưng theo các chuyên gia thì đây chỉ là con số do cảnh sát giao thông ghi nhận tại hiện trường hàng ngày, nó không phản ánh đúng thực tế. Ví dụ cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2015 có tới 15.386 người chết sau khi đã thống kê theo đúng quy định quốc tế tử vong sau 30 ngày xảy ra vụ tai nạn. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng công nhận điều này.
 
Như vậy, không còn nghi ngờ gì về việc tai nạn giao thông mỗi năm cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng của người Việt Nam. Đây là nỗi lo, nỗi đau kéo dài từ năm này qua năm khác, nhất là vào dịp lễ, Tết.

 
 Niềm vui du xuân. Ảnh minh họa

Làm thế nào để giảm bớt nỗi lo giao thông?
 
Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ hàng chục năm nay, từ Thủ tướng đến các chuyên gia và người dân bình thường đều cố gắng tìm kiếm nhưng câu trả lời có sức thuyết phục vẫn chưa tìm ra. Hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể, cầu đường, sân bay đã được xây dựng thêm nhiều và mở rộng; các phương tiện tham gia giao thông đã được đổi mới và hiện đại. Các loại xe đắt tiền, tiện dụng của nước ngoài đã được nhập về Việt Nam. Ấy vậy mà 4 nỗi lo giao thông cơ bản vẫn còn đó và ngày thêm trầm trọng.
 
Người ta đã nói nhiều về ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam. Có thể nói một câu ngắn gọn là văn hóa giao thông của đại đa số người Việt Nam rất thấp. Đây là nguyên nhân chính gây nên thảm họa giao thông. Lái xe khách, lái xe tải đường dài không đủ sức khỏe vẫn cầm vô lăng và xuôi ngược khắp nơi. Để làm được việc này, nhiều lái xe sử dụng ma túy. Ai cũng biết người nghiện ma túy khi lên cơn thì thế nào rồi. Những vụ tai nạn chết nhiều người thường liên quan đến việc tài xế dương tính với ma túy. Điều này thật đáng lo ngại!
 
Để nỗi lo giao thông bớt đi, trước hết các cơ quan chức năng phải thực hiện triệt để chức năng của mình. Tiếp đến là phải rà soát lại toàn bộ khâu dạy lại xe, thi sát hạch và cấp bằng. Bộ phận đăng kiểm cũng phải được giám sát chặt chẽ. Và cuối cùng là thái độ của người tham gia giao thông. Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức, thảm họa giao thông vẫn tiếp tục diễn ra.
 
Để những ngày xuân diễn ra vui vẻ, trước hết là mỗi người chúng ta phải biết sợ cái chết - bản thân mình chết và khiến người khác chết vì mình đều đau đớn như nhau. Vậy hãy cố gắng không gây ra nỗi đau!
 

 

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...