THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:31

Vun đắp tình yêu lao động cho trẻ

15/10/2021 | 15:20
Khi con trẻ muốn tham gia vào việc nhà, các bậc cha mẹ thường có tâm lý sợ con làm hỏng, sợ con bẩn, hay sợ con không an toàn, tất cả những cái sợ như thế vô tình khiến cho con mất tính độc lập và mất mong muốn tự do trong lao động. Thay vì cấm đoán con, hãy giúp cho con trở thành một đứa trẻ yêu thích lao động.

Những hệ lụy thường gặp

Hiện nay, nhất là ở thành thị, các gia đình có xu hướng ít con, thường chú trọng đầu tư vào học hành đỗ đạt cao, hơn là rèn luyện kỹ năng lao động cho con. Trẻ được cha mẹ cưng chiều quá sẽ hình thành thói quen dựa dẫm. "Nhật ơi, ăn cơm với cá cho thông minh nào!”, "Không mẹ gỡ xương thì con mới ăn!". Con trai quen được mẹ chăm sóc cơm bưng nước rót tận miệng, việc gì cũng phải có người làm giúp. Dần dần, thói quen muốn gì được nấy khiến trẻ thấy làm việc nhà là “cực hình”, lao động là gánh nặng, tạo tính ỉ lại, trẻ cảm nhận rằng nếu đã có tất cả mọi thứ thì sao phải cố gắng, nỗ lực, tạo nên tâm lý thích thụ hưởng và lười lao động.

Hướng dẫn cho trẻ làm vườn, có tình yêu với thiên nhiên. Ảnh: T. Yến

Hướng dẫn cho trẻ làm vườn, có tình yêu với thiên nhiên. Ảnh: T. Yến

Chuyện nhà em Bông cũng không phải hiếm gặp. Mỗi lần em thực hiện được việc gì là đòi bố mẹ phải trả công, như rửa bát, lau nhà: 10.000đ, hay khi dọn đồ chơi cũng được quy đổi bằng số tiền tương ứng. Dần Bông trở nên ích kỷ, tính toán, đến mức đi mua thuốc cho bố cũng đòi tiền. Cả nhà lúc ý mới nhận ra sự việc đã diễn tiến quá trầm trọng.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khoảng sau những năm 2000 đến nay, việc giáo dục lao động đối với học sinh các cấp giảm hẳn đi do các nguyên nhân: áp lực bài vở và thi cử khá nặng nề, nhiều gia đình đặt mục tiêu tối đa vào việc học của con, nên việc giáo dục lao động ở gia đình không còn được chú trọng, thậm chí bị coi nhẹ. Từ việc giáo dục lao động với trẻ bị hạn chế, tạo nên yếu kém về ý thức - kỹ năng lao động và kỹ năng sống, kéo theo những hệ quả yếu kém khác, gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ.

Truyền tình yêu lao động cho con trẻ

Những đúc kết về tâm lý học cho thấy, trẻ chập chững biết đi đã có nhu cầu muốn giúp mẹ làm việc, 2 tuổi biết lấy giúp mẹ một số đồ vật, 3 tuổi có ước muốn làm việc như người lớn, 4-5 tuổi biết tự thu dọn đồ chơi, quần áo và tự rửa bát đũa cho mình. Điều đó chứng tỏ, lười biếng không phải bản tính của trẻ con, mà ngược lại, đứa trẻ nào cũng thích làm việc.

“Thực tế cho thấy việc giáo dục con cái lao động không nhất thiết phải là các công việc nhà mà ngay từ nhỏ, phải lưu tâm về việc trẻ tự phục vụ chính mình. Những nghiên cứu chuyên biệt về giáo dục lao động cho trẻ đã minh chứng rằng việc dạy cho trẻ tự phục vụ bản thân làm cho trẻ nhận thức được giá trị của sức lao động. Lâu dần trẻ sẽ yêu hơn lao động và nhận ra lao động là trách nhiệm của chính mình trong cuộc sống”. GS.TS Huỳnh Văn Sơn

Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc của trẻ. Cha mẹ chính là tấm gương chuẩn mực và là người truyền cảm hứng cho tình yêu lao động ở con trẻ. Hãy tạo cơ hội cho trẻ làm quen với lao động từ những việc đơn giản, các hoạt động cá nhân để trẻ có thói quen và yêu lao động. Hãy để trẻ tự làm những việc vặt quanh nhà, và cha mẹ đừng quên khen thưởng bé: “Con giỏi quá! Con đã làm rất tốt! Bố mẹ tự hào vì con!”. Phần thưởng khi con hoàn thành tốt công việc không nhất thiết phải là vật chất, có thể là cuốn truyện, hay đồ chơi, hoặc chút tiền để bỏ lợn tiết kiệm.

Làm việc vặt trong nhà cũng là dịp tốt để mở mang kiến thức cho trẻ. Khi hướng dẫn trẻ giặt quần áo nhỏ, bạn có thể giải thích vì sao xà phòng có thể làm sạch quần áo bẩn. Khi cùng trẻ làm món ăn, bạn có thể nói cho trẻ nghe về sự hòa tan trong nước của đường và muối… với câu hỏi mở đầu như: “Con có biết tại sao… không?”

Tạo thói quen làm việc nhà hàng ngày cho trẻ. Ảnh: T. Yến

Tạo thói quen làm việc nhà hàng ngày cho trẻ. Ảnh: T. Yến

Giúp trẻ nhận thức được giá trị của sức lao động

Hãy để trẻ hiểu giá trị của lao động, lao động không chỉ tạo ra tiền bạc, của cải vật chất mà thông qua quá trình lao động con người còn nhận thức được thế giới và phát triển bản thân. Chỉ khi lao động tạo ra giá trị thì chúng ta mới thấy được giá trị của mình. Do đó, ngay từ sớm hãy để trẻ tham gia lao động với nguyên tắc vừa sức, mà một trong những nhiệm vụ lao động đầu tiên của trẻ sẽ là “lao động tự phục vụ”. Chính sự bồi đắp này sẽ tạo nên một tuổi vị thành niên – thanh niên có khả năng tự lập và tự tạo ra giá trị lao động cho riêng mình. Suốt một quá trình gắn bó chặt chẽ với đời sống gia đình, việc lao động tạo nên sự phát triển toàn diện cho trẻ - ngay cả khi không nhận được “tiền công” trẻ vẫn hưởng thụ được giá trị của điều mình đã làm.

Nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ hướng dẫn con tự giặt quần áo. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ hướng dẫn con tự giặt quần áo. Ảnh: NVCC

Nên tạo cho trẻ niềm thích thú, say mê khi lao động. Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng khi công việc có phần đóng góp cao của bản thân và có trách nhiệm hơn với phần việc đó. Đây sẽ là động lực góp phần hình thành nhân cách con người ở trẻ, tạo nên những phẩm chất tốt đẹp như: Tính kiên trì, biết quý trọng thành quả lao động, biết thông cảm với những người lao động.

Bảo Ngọc
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Bắc Ninh tăng cường phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ trẻ em lao động sớm, trái pháp luật

Bắc Ninh tăng cường phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ trẻ em lao động sớm, trái pháp luật

2 năm trước

Tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp...