THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 08:37

Xâm hại tình dục trẻ em và những thách thức

07/04/2020 | 11:19

Bé trai cũng là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục. Ảnh Darkness to Light.


Thách thức về sức khỏe, về sự an toàn trong cộng đồng


Những thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tuy có sự khác biệt nhưng chúng cũng đã nói lên một điều: Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang diễn ra rất trầm trọng. Vào google gõ “xâm hại tình dục trẻ em”, sau 0,44 giây có trên 7 triệu kết quả. Không ai nghi ngờ về chuyện trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều nhưng chúng ta xử lý chưa được bao nhiêu, mặc dù các cơ quan chức năng đều kêu gọi là phải ngăn chặn.


Đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội nên Quốc hội cũng rất quan tâm. Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết là các đại biểu Quốc hội đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện trực tiếp tại 17 tỉnh, thành phố và từ kết quả điều tra xã hội học tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả là từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại và 8.091 trẻ em bị xâm hại, gồm 1.059 trẻ em nam và 7.032 trẻ em nữ (trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần trẻ em nam).


So với giai đoạn 2011 - 2014, số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ (12,2%). Đáng lưu ý, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trường hợp, gần bằng cả năm 2018 (1.579 em). Bà Nguyễn Thị Thủy cho hay: “Chính phủ và các bộ, ngành đều có chung đánh giá, số lượng các vụ xâm hại đã được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế, còn nhiều vụ đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện, xử lý”.


Những con số và cách đánh giá của bà Thủy cho thấy, với tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục như vậy thì vấn đề sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng đã được đặt ra. Cần phải thấy rằng, một đứa trẻ bị xâm hại tình dục sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần suốt cuộc đời. Vì thế, hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ lo ngay ngáy vì con cái mình có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, ở đâu, vì thực tế cho hay phần lớn thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen biết.

 


Thách thức về mặt pháp lý hay là vẫn còn lỗ hổng trong những bộ luật


Mỗi một vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng xẩy ra, dư luận xã hội rất bức xúc, nhiều người cho rằng, pháp luật của ta chưa đủ nghiêm nên tính răn đe chưa có. Xin thưa, không phải như thế, vì Bộ Luật hình sự đã có khung hình phạt tử hình cho những kẻ hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa thủ phạm nào bị tuyên tội chết vì phạm tội này cả. Đây là vấn đề thực thi pháp luật chứ không phải vì nội dung của Bộ luật.


Tuy nhiên, công bằng mà nói thì vấn đề xâm hại tình dục trẻ em cũng đặt ra những thách thức đối với ngành tòa án của nước ta.


Thách thức đầu tiên là luật pháp nước ta có những điều chưa đồng nhất với luật pháp quốc tế. Ví dụ, hầu hết các nước trên thế giới cho rằng, trẻ em là người từ khi sinh ra cho đến lúc chưa đủ 18 tuổi. Luật pháp của nước ta lại cho rằng, trẻ em là những người mới sinh ra cho đến chưa đầy 16 tuổi. Thế là những người ở độ tuổi từ 16 cho đến chưa đầy 18 tuổi nằm ở khoảng cách lửng lơ: không phải trẻ con mà cũng chưa phải người lớn. Điều này gây ra những rắc rối không nhỏ trong cuộc sống.


Tôi có người bạn ở quê yêu cầu tư vấn về một chuyện rắc rối mà cháu anh liên quan. Đó là cháu anh trên 16 tuổi, quen biết và có quan hệ thân thiết với một cô gái cùng làng cũng ở tuổi đó. Hai bạn trẻ này có quan hệ tình dục với nhau trên cơ sở có tình yêu và hoàn toàn tự nguyện; bên nhà gái biết và có ý đe dọa kiện ra tòa nếu bên nhà trai không đáp ứng một số yêu cầu của bên nhà gái.


Tôi bảo với anh là vấn đề này nên nhờ các văn phòng luật sư, công ty luật thì tốt hơn. Anh bảo: “Tôi đến những nơi đó rồi. Họ mang Bộ Luật hình sự dày cộm ra, trích đầy đủ các điều khoản trong đó về tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô trẻ em làm tôi hoa cả mắt, ù cả tai. Bây giờ tôi hỏi anh một câu đơn giản và cũng mong nhận được câu trả lời rõ ràng: Trong trường hợp của cháu tôi, nếu bị đưa ra tòa, nó có bị tù không?”.


Căn cứ vào sự hiểu biết và trí nhớ của mình, tôi trả lời ngay: “Nếu bị đưa ra tòa, tòa sẽ tuyên: Cháu anh vô tội”. “Căn cứ vào đâu mà tòa sẽ tuyên như vậy?”. “Căn cứ vào việc cháu anh không dùng vũ lực, không lợi dụng tình thế để quan hệ tình dục với bạn gái. Và, cơ sở quan trọng nhất là cháu anh chưa đủ 18 tuổi, nghĩa là cháu anh vẫn là vị thành niên nên trong trường hợp này không biết ai xâm hại ai? Cháu anh xâm hại cô bé kia hay ngược lại”. “Anh chắc chắn như vậy chứ?”.


Tôi lục tìm trong trí nhớ và khẳng định: “Tôi chắc chắn như vậy vì có tiền lệ rồi. Tôi nhớ cách đây mấy năm, TAND tỉnh Tây Ninh xử một thanh niên tên Tuấn 8 năm tù tội hiếp dâm trẻ em ở phiên sơ thẩm. Sau đó, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trên, yêu cầu cho giám định độ tuổi của Tuấn và bị hại. TAND tỉnh Tây Ninh điều tra, xử lại và tuyên Tuấn không phạm tội vì khi quan hệ với bạn gái, bản thân Tuấn cũng chưa đủ 18 tuổi và anh ta không hề dùng vũ lực hay lợi dụng tình huống để quan hệ tình dục, mà cả hai đều hoàn toàn tự nguyện”.


Tôi nói rõ thêm điều này: Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam không quy định tội phạm với hành vi giao cấu với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đương nhiên là với điều kiện là việc giao cấu phải là thuận tình, không có sự cưỡng ép hoặc  hành vi mua dâm người chưa thành niên.

Trần Nghiêm/TC GĐ&TE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

6 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...