THỨ HAI, NGÀY 29 THÁNG 04 NĂM 2024 12:19

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa một số bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa

12/10/2021 | 20:51
Thời tiết giao mùa thu đông tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh mẽ và lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và gặp biến chứng nặng. Hãy cùng tìm hiểu các bệnh giao mùa thu đông và phòng tránh sớm cho trẻ.

Nhiều bố mẹ chủ quan cho rằng các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi… ở trẻ chỉ là triệu chứng bệnh thông thường nên chỉ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, hơn 25% các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tiến triển sang viêm phổi cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác, đe dọa tính mạng trẻ. Do đó, khuyến cáo bố mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản về dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị hiệu quả và cách phòng tránh bệnh giao mùa thu đông thường gặp ở trẻ, phòng ngừa các bệnh tật gây nguy hiểm cho trẻ.

Bệnh sởi

benh soi

Dấu hiệu nhận biết: Các triệu chứng đặc trưng của sởi là sốt, sổ mũi, ho khan, phát ban, viêm kết mạc… Giai đoạn ủ bệnh và nhiễm trùng kéo dài từ hai đến ba tuần. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như khô loét giác mạc mắt, viêm não, viêm tai giữa, viêm phổi…

Phương pháp điều trị: Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, nên dự phòng là yếu tố tiên quyết. Nếu chẳng may mắc bệnh, người bệnh cần biết cách sử dụng thuốc đúng, theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh những biến chứng nguy hiểm do việc dùng thuốc không chính xác gây ra. Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng và vệ sinh răng miệng đầy đủ. Bù nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn của trẻ, lưu ý nên cho trẻ sử dụng đồ ăn dạng lỏng dễ tiêu.

Cách phòng ngừa: Tốc độ lây lan bệnh sởi rất nhanh, do đó tiêm ngừa vaccine đúng lịch và đủ mũi theo phác đồ là biện pháp phòng ngừa bệnh đơn giản nhưng hiệu quả nhất, bảo vệ trẻ, gia đình và cộng đồng.

Bệnh cảm cúm

Empty

Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng bệnh cúm rất dễ nhầm lẫn với dấu hiệu cảm lạnh thông thường nên nhiều bố mẹ bỏ qua dấu hiệu ban đầu. Sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với virus gây bệnh cúm, trẻ có thể bị sốt, ớn lạnh, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi. Một số trẻ gặp các triệu chứng khác như đau tai, đau họng, nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần trong ngày.

Phương pháp điều trị: Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ kết hợp cho trẻ nghỉ ngơi, uống bù nước và bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng.

Cách phòng ngừa: Thiết lập thói quen vệ sinh mũi sạch sẽ, vệ sinh họng bằng nước muối loãng, Uống nhiều nước nóng, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện… Tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm được xem là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ông bà, bố mẹ, người lớn trong gia đình cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh để tránh lây bệnh cho trẻ, đặc biệt là trẻ chưa tới độ tuổi tiêm ngừa.

Bệnh viêm phổi

benh viem phoi

Dấu hiệu nhận biết: Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở trẻ bị viêm phổi, tiếp đó là các dấu hiệu như sốt, ho, nghẹt mũi, đau bụng, đau tức ngực, nôn ói…

Phương pháp điều trị: Những trường hợp trẻ có triệu chứng bệnh nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn bố mẹ theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, khi bé xuất hiện các triệu chứng như bỏ ăn/bỏ bú, co giật tím tái quanh môi và nổi vân tím toàn thân, bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay để được can thiệp kịp thời.

Cách phòng ngừa: Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm ngừa vaccine đầy đủ, đúng lịch; đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ, tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa.

Bệnh quai bị

benh quai bi

Dấu hiệu nhận biết: Trẻ không có bất cứ triệu chứng nào ở giai đoạn ủ bệnh. Đến giai đoạn khởi phát, trẻ có thể sốt cao 38 – 39 độ C, mệt mỏi, chán ăn, đau họng, tuyến mang tai to và đau nhức.

Phương pháp điều trị: Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm giảm triệu chứng, chống việc nhiễm trùng gây biến chứng. Tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc dân gian điều trị cho trẻ vì có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, có nguy cơ tử vong. Hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

Cách phòng ngừa: Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 97% người tiêm vaccine đã phòng được căn bệnh này. Do đó, chủ động cho trẻ tiêm phòng vaccine ngừa quai bị là cách để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm tụy cấp tính, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não…

Bệnh nhiễm trùng hô hấp

Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng nhiễm trùng hô hấp ở trẻ rất đa dạng, trẻ có thể sốt cao, ho, nhịp thở nhanh, tiếng thở rít, tím tái quanh môi, bỏ bú hoặc bỏ ăn… Một số trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như nôn, chướng bụng, đi phân lỏng, khó thở, quấy khóc…

Phương pháp điều trị: Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm giảm thiểu các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Cách phòng ngừa: Các biện pháp phòng ngừa bệnh bao gồm vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh trẻ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt tiêm ngừa vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo giúp trẻ phòng tránh được nhiễm trùng hô hấp cùng các bệnh giao mùa khác.

Bệnh sốt phát ban

benh sot phat ban

Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng đặc trưng của sốt phát ban ở trẻ là sốt cao, có thể lên đến 39 – 39,5 độ C và nổi những nốt đỏ trên da, thậm chí có thể sưng. Một số triệu chứng khác gồm sưng mí mắt, chán ăn, tiêu chảy,…

Phương pháp điều trị: Khi có dấu hiệu bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám loại trừ các bệnh lý khác và được hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh chuyển nặng, bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay để được can thiệp kịp thời.

Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vaccine phòng sốt phát ban ở trẻ, do đó cách phòng ngừa bệnh tốt nhất là cho trẻ tránh xa các nguồn bệnh: cách ly trẻ khi lớp học có trẻ nhiễm bệnh, rửa tay sạch sẽ ngăn ngừa virus và bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể trẻ khỏe mạnh.

Bệnh tay chân miệng

Benh tay chan mieng

Dấu hiệu nhận biết: Trẻ em mắc bệnh có thể có những nốt phỏng nước trên da, loét niêm mạc miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng như khó thở, nôn trớ, co giật và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi… trường hợp xấu có thể gây tử vong.

Phương pháp điều trị: Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay – chân – miệng. Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm ở trẻ, do đó khi có dấu hiệu bệnh, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, các biện pháp phòng ngừa gồm hạn chế tiếp xúc với người bệnh, rửa tay bằng xà phòng và theo dõi các triệu chứng bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

GIa Bảo
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.