THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 03:27

Dự án KidSkills giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống

08/11/2021 | 15:27
Dự án hỗ trợ giáo viên mầm non dạy kỹ năng sống (KidSkills) của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương vừa được vinh danh là Sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu 2022. Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam đã lọt top 100 sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu do Tổ chức phát triển giáo dục quốc tế HundrED (Phần Lan) bình chọn.

Trẻ em là những chủ nhân tương lai, là nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Bởi vậy, quan tâm, chăm sóc trẻ em luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển con người. Để có những công dân tốt, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, ngay từ nhỏ trẻ em phải được nuôi dưỡng, chăm sóc thật tốt để đảm bảo phát triển về sức khoẻ, trí tuệ, tình cảm và hành vi. Điều đáng quan tâm là trẻ em dưới 6 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và dễ gặp rủi ro thương tích do trẻ lứa tuổi này thường thể hiện bản tính hiếu động trong khi các em vẫn còn non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần, chưa có sự hiểu biết về kĩ năng sống. Do đó, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non để phát triển toàn diện là hết sức quan trọng và cần thiết.

Việt Nam hiện có 5,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi nhưng giáo dục mầm non ở nhiều nơi còn khó khăn. Giáo viên mầm non cũng lại gặp thêm nhiều khó khăn khác do đại dịch Covid-19. Dự án đã truyền cảm hứng cho các giáo viên mầm non dạy kỹ năng sống trong các trường mẫu giáo ở Việt Nam, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quá trình tự học, tự đào tạo kỹ năng tin học của các giáo viên, góp phần dần thu hẹp khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng miền.

Giáo viên chú trọng lồng ghép rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các bài dạy

Với dự án KidSkills, những giáo viên sẽ được dạy kỹ năng sống nhưng thông qua các kiến thức về tin học. Từ đó các thầy cô giáo sẽ dùng những kiến thức mình học được để truyền đạt lại cho trẻ. Dự án này của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương do cô giáo Nguyễn Thị Phương làm trưởng nhóm.

Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục nghề nghiệp, là trưởng nhóm Dự án Kidskills. Anh: An Nhiên

Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục nghề nghiệp, là trưởng nhóm Dự án Kidskills. Anh: An Nhiên

Cô Nguyễn Thị Phương - giảng viên khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ, từ cuối năm 2019, cô đã nảy ra ý tưởng này với mong muốn giúp giờ học tin học của sinh viên không bị nhàm chán, đồng thời giúp sinh viên sư phạm mầm non thực sự chú trọng lồng ghép rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các bài dạy. Bằng cách tiếp cận từ giáo viên, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em mới có tính dài hạn với sức ảnh hưởng lớn. Công nghệ thông tin là phương tiện để thực hiện và lan tỏa dự án đi xa trong xã hội ngày nay. 

Cô Phương mày mò, giao bài tập để các sinh viên có thể tự tạo ra những bài học sinh động của mình. Ví dụ, Paint dùng để viết thơ, sáng tác tranh, Power Point giúp làm bài giảng điện tử. Ngoài ra, cô cũng giới thiệu bộ công cụ trong Office 365 để lưu trữ, viết nhật ký học tập, một số phần mềm cắt, ghép ảnh và chỉnh sửa video để giúp sinh viên thể hiện bài giảng phong phú hơn.

Từ dự án ban đầu của cô Phương với 50 sinh viên mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã phát triển thành Dự án hỗ trợ giáo viên mầm non dạy kỹ năng sống.

Hiện tại, kho học liệu bao gồm 12 bộ tư liệu, mỗi bộ gồm có giáo án, bài giảng, tranh ảnh, bài thơ, bài hát, poster, tạp chí ,các bức tranh, bài hát, bài thơ, vè, video, vở kịch, các sản phẩm như quyển lịch, thiệp tết, móc khóa ảnh về kỹ năng sống đã được thực hiện.  Điều tuyệt vời hơn nữa là nhóm dự án đã tiếp cận và chia sẻ kho tư liệu với các em học sinh khiếm thính của trường. 

Dự án KidSkills giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống.

Dự án KidSkills giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống.

Để lan tỏa dự án trong cộng đồng, từ năm 2019 đến nay, cô Phương đã chia sẻ hàng 100 bài viết lên các nhóm cộng đồng giáo viên. Những bài viết đã được cộng đồng giáo viên đón nhận, chia sẻ, áp dụng thành công và phản hồi rất tích cực. Đồng thời, tích cực tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về các chuyên đề về Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy cho khoảng 6500 giáo viên toàn quốc, một kênh youtube, trên kênh có khoảng 100 video đã được chia sẻ, một nhóm facebook gần 9.000 thành viên sinh hoạt chuyên môn, dự án cũng đã giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống và các phương pháp giảng dạy mới mẻ...

Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non và thực hành các hoạt động liên quan đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Ảnh: An Nhiên

Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non và thực hành các hoạt động liên quan đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Ảnh: An Nhiên

Nhóm dự án đã tổ chức buổi giao lưu online giữa 8 trường mầm non và chuyên gia tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka. Các điểm cầu lần lượt chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho trẻ và thực hành các hoạt động liên quan đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.

Mong giá trị dự án lan tỏa mạnh mẽ hơn

Cô Phương cho biết, hiện tại chúng tôi duy trì được 1 nhóm zalo với hơn 800 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non để sinh hoạt chuyên môn, với hơn 9 buổi webinar đã được tổ chức, thu hút gần 3.500 lượt giáo viên mầm non tham gia.

Trong tương lai, nhóm dự án chúng tôi mong muốn được phát triển tiếp dự án, chia sẻ với các trẻ mầm non khắp 3 vùng miền, tạo một hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System) có các bài giảng E-Learning giảng dạy về Kỹ năng sống, dễ dàng chia sẻ với sinh viên, giáo viên mầm non trên toàn quốc để mọi người có thể học được bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào.

Mong muốn nữa là nhóm dự án có thể chia sẻ bộ tư liệu kỹ năng sống dành cho trẻ khiếm thính toàn quốc để có thể giúp đỡ được nhiều những trẻ em không có điều kiện đến trường cũng có thể được học tập.” - Cô Nguyễn Thị Phương - giảng viên khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

PGS.TS. Trần Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: “Dự án Kidskills đã khai thác hiệu quả các giải pháp, nền tảng công nghệ và dạy học truyền thống. Dự án đã xây dựng được kho học liệu điện tử về giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết với hệ thống các trường mầm non Việt Nam nói chung và hệ thống 3 trường mầm non thực hành của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nói riêng. Tôi đánh giá rất cao về tính thực tiễn của dự án đem lại. Tôi cũng rất tự hào về các giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã đi đầu trong chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục mầm non với những sáng kiến có tác động rộng lớn như thế này”.

HundrED là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục toàn cầu thông qua phát hiện các sáng tạo, đổi mới có tầm ảnh hưởng. Hàng năm, HundrED chọn 100 dự án giáo dục để vinh danh. Lần đầu tiên giáo dục Việt Nam có tên trong danh sách này cho thấy tầm ảnh hưởng cũng như sức lan tỏa của dự án, điều quan trọng nhất là giúp thu hẹp khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng miền.

Việt Cường
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...