THỨ BA, NGÀY 14 THÁNG 05 NĂM 2024 09:21

Giáo dục giới tính cần thực hiện sớm trong nhà trường

04/10/2023 | 14:40
Những năm gần đây, tỉ lệ nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên gia tăng. Tuổi trung bình của nhóm đối tượng này là 15,7 tuổi và nhỏ nhất là 12 tuổi. Thực trạng đáng báo động này cho thấy đã đến lúc cần thay đổi cách dạy - học về giáo dục giới tính (GDGT) trong các nhà trường. Nếu học sinh được GDGT sớm, đúng cách và phù hợp với từng cấp học sẽ giúp các em có kỹ năng bảo vệ bản thân cũng như phòng tránh những tình huống đáng tiếc.
Một tiết học giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ nhỏ.

Một tiết học giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ nhỏ.

Giảng dạy GDGT trong trường mới dừng lại ở lý thuyết

Tình bạn, tình yêu, giới tính là một trong những chủ đề được thanh thiếu niên rất quan tâm, tò mò. Dù các nhà trường đã đưa GDGT vào các tiết học ngoại khóa, nhưng chừng đó là chưa đủ để giải đáp băn khoăn và sự tò mò của học sinh. Thực tế, Bộ GD&ÐT đã lồng ghép các kiến thức về GDGT trong các môn học khác nhau cho học sinh từ tiểu học, THCS, THPT, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nội dung còn mỏng và không đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.

Hiện chương trình về GDGT chỉ với những tiết dạy lồng ghép như tiết học Giáo dục công dân, hay giờ ngoại khóa... mà chưa hề được đưa vào một tiết học chính thức với giáo trình cụ thể. Các giáo viên phải nỗ lực để có thể truyền đạt đến học sinh kiến thức về giới tính một cách dễ hiểu hơn. Hiện nay, Bộ GD&ÐT tiếp tục nghiên cứu để đưa GDGT vào trong nội dung Chương trình giáo dục mầm non mới cho phù hợp với tâm sinh lý trẻ mầm non.

Cần sớm đưa giáo dục giới tính thành một môn học độc lập

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Ðinh Thị Ngọc Dung, tỉnh Hải Dương, đã đề xuất Bộ GD&ÐT xem xét đưa GDGT, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi. Ðại biểu cho rằng, việc GDGT hiện nay mới dừng lại ở lý thuyết, giáo viên còn lúng túng, học sinh chưa áp dụng được để bảo vệ bản thân. Trong khi đó, những hệ lụy đáng tiếc của quan hệ tình dục tuổi vị thành niên đã được cảnh báo từ lâu, không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn làm mất đi nhiều cơ hội của các em trong tương lai.

Ða số ý kiến ủng hộ đề xuất này, nhất là các bậc phụ huynh vốn đã lo lắng về các nội dung đồi trụy tràn lan trên mạng xã hội hiện nay: Là phụ huynh ai cũng lo, thực sự việc kiểm soát những nội dung  này rất khó. Ban phụ huynh cũng đề xuất với nhà trường là cần có các tiết giảng dạy về giới tính. Cũng phải rất khéo léo, tế nhị, nếu không khéo thì thành ra “vẽ đường cho hươu chạy”. Thế nhưng, cho nó chạy đúng còn hơn nó chạy sai.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần sớm đưa GDGT thành một môn học độc lập để nội dung được tập hợp, thiết kế giảng dạy một cách toàn diện, hệ thống và chuyên sâu hơn: "Tôi thấy các nội dung giáo dục này hiện nay không hệ thống, khá mờ nhạt, đặc biệt là kiến thức về xu hướng tính dục, cộng đồng LGBT,... chưa đầy đủ. Phương pháp giảng dạy thiếu sáng tạo, không trực quan. Bản thân người dạy cũng thiếu kiến thức và chưa được huấn luyện về kỹ năng. Hệ thống tài liệu tham khảo chuẩn mực, đã được kiểm duyệt còn ít. Nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm phối hợp và tham gia của các bên liên quan, ví dụ như gia đình, cha mẹ, cộng đồng cũng chưa rõ và mờ nhạt", PGS. TS. Trần Thành Nam cho biết.

Không chỉ GDGT, sức khỏe sinh sản mà hầu hết kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp là những kiến thức thiếu hụt với học sinh các cấp ở trường công lập hiện nay, nơi vẫn đặt nặng kiến thức văn hóa trong chương trình giảng dạy. Vì vậy, GDGT một cách chính thống sẽ là “người dẫn đường” để trẻ không lạc lối giữa vô vàn thông tin cũng như “cạm bẫy” ở cả thế giới ảo lẫn thế giới thực.

Giáo dục giới tính trong nhà trường nên được thực hiện càng sớm càng tốt để trang bị cho các em nền tảng kiến thức vững chắc.

Giáo dục giới tính trong nhà trường nên được thực hiện càng sớm càng tốt để trang bị cho các em nền tảng kiến thức vững chắc.

Gia đình cũng phải tham gia vào GDGT cho trẻ

Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường các kiến thức GDGT cho trẻ. Cùng với nhà trường thì cha mẹ là những người đầu tiên cần định hướng, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản… cho con. Thay vì lảng tránh, phụ huynh nên chủ động dành thời gian để chia sẻ cởi mở về những kinh nghiệm và hiểu biết của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản. Sự gần gũi, lắng nghe và trò chuyện thường xuyên của mẹ với con gái, cha với con trai sẽ giúp các em có những nhìn nhận và hành vi đúng đắn.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ðình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đưa ra lời khuyên: "Cha mẹ cần nói chuyện với con về GDGT bắt đầu từ 8 tuổi và kết thúc vào năm 23 tuổi. Những năm tiểu học không phải là yêu mà các em chỉ cảm mến nhau. Lớn hơn là tuổi hẹn hò ở cấp THCS và tình trạng bạo lực tình dục thường xảy ra ở cấp THPT.  Có thể chia thành 2 trường hợp. Trường hợp 1 là trẻ cảm mến nhau, yêu nhau và xảy ra sinh hoạt tình dục. Thậm chí có trẻ còn sử dụng chất kích thích. Vì vậy, cha mẹ phải chú ý dạy con tỉnh táo, bảo vệ bản thân. Trường hợp thứ 2 là trẻ bị dụ dỗ bằng kẹo, bánh hay tiền... Cha mẹ cần dạy con phân biệt được đâu là hành vi xâm hại tình dục và cách ứng phó khi bị người khác tấn công tình dục, dạy con cân nhắc các cuộc hẹn hò, hành động hay các mối quan hệ. Bởi vì, hậu quả để lại cho con gái vô cùng lớn. Con có thể bị tổn thương tình cảm mà mất nhiều năm mới chữa lành được. Cha mẹ cũng nên hạn chế Internet cho con ở cấp tiểu học. Từ THCS trở lên là cơ hội để GDGT cho con.”

ThS tâm lý Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu Ðào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam cho rằng, để GDGT hiệu quả, phụ huynh phải hình thành thói quen chia sẻ với các con. Khi được trao đổi sớm thì con biết được nên làm gì trong những tình huống cụ thể. Bố mẹ cần dạy cho con về những hành động nào được phép và hành động nào không. Ví dụ như yêu mến một ai đó, việc quan tâm người đó, tặng quà, động viên bạn đó, khuyến khích thúc đẩy học tập thì là tốt. Nhưng nếu chỉ tập trung vào thỏa mãn khao khát của bản thân mà thiếu quan tâm tới hậu quả thì không được. Việc trò chuyện, giáo dục về sức khỏe sinh sản không chỉ là ngăn cấm điều này, ngăn cấm điều kia mà cha mẹ giải thích để con hiểu bản chất thật sự của mối quan hệ tình cảm.

GDGT kịp thời sẽ giúp các em ý thức hơn về cảm xúc và biết cách kiểm soát chính mình. Ðiều này là nền tảng để các em xây dựng đời sống tình cảm lành mạnh, trong sáng và phù hợp lứa tuổi. Tình cảm thuần khiết trong giai đoạn này vừa giúp học sinh có ký ức đẹp về thời niên thiếu vừa là nền tảng để tiến đến mối quan hệ lâu dài hơn trong tương lai.

Việt Cường
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

6 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Xuất hơn 37.207 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh nghèo

Xuất hơn 37.207 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh nghèo

7 tháng trước

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 2036/QĐ-BTC xuất hơn 37.207 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các học sinh nghèo và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó...
Các nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý chất lượng năm học 2023-2024

Các nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý chất lượng năm học 2023-2024

7 tháng trước

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường...
Những lưu ý khi hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau thảm họa

Những lưu ý khi hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau thảm họa

7 tháng trước

Gặp biến cố lớn hay phải trải qua và chứng kiến thảm họa, trẻ em dễ bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần. Phóng viên Vì trẻ em đã phỏng vấn Thạc sĩ Tâm...