THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 12:09

Làm gì để thúc đẩy sự tham gia của trẻ em?

13/12/2021 | 05:43
Thúc đẩy việc tham gia của trẻ, lắng nghe và chấp nhận trẻ sẽ tạo nên những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài trong tiến trình phát triển cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung.
Quyền tham gia tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Ảnh K. Trang

Quyền tham gia tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Ảnh K. Trang

Quyền tham gia của trẻ em đã được ghi nhận trong Công ước về quyền trẻ em, trong đó nhấn mạnh đến việc các quốc gia cần đảm bảo cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em, và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ (Điều 12).

Trẻ em tham gia vào nhiều môi trường sống với các vai trò khác nhau, trong đó hai môi trường chủ đạo là gia đình và nhà trường. Theo PGS.TS. Bùi Thị Hồng Thái (Bộ môn Tham vấn tâm lý, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN), nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, cha mẹ và thầy cô cần lưu ý những điều sau:

Đối với cha mẹ

Dành thời gian và khích lệ con chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của con về mọi việc. Cùng con đưa ra các lựa chọn liên quan đến con thay vì tự quyết định hộ con. Phân tích cho con hiểu mức độ phù hợp/ không phù hợp trong quan điểm của con và hướng dẫn nhận thức để con có thể nhìn nhận các vấn đề một cách đúng đắn.

Hướng dẫn con bày tỏ các quan điểm cá nhân một cách lành mạnh (ví dụ, con có thể nói ý kiến của mình nhưng trong sự tôn trọng cha mẹ và kiểm soát cảm xúc). Muốn làm được điều này, chính cha mẹ cần làm gương cho con trong cách tương tác với con, nói cách khác, cha mẹ cần kiểm soát lời nói và cảm xúc của bản thân khi quan điểm của cha mẹ không tương đồng với các con.

Khi cha mẹ thực hành lắng nghe con, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được cải thiện theo hướng tích cực; cha mẹ cảm thấy giảm áp lực, giảm suy nghĩ tiêu cực về con; giảm những hành vi và thái độ không phù hợp với con; gia tăng sự thấu hiểu con hơn và điều này khiến cha mẹ cũng thay đổi hành vi ứng xử với con mình. Ngược lại các con cũng cảm nhận thấy những thay đổi tích cực từ cha mẹ và thông qua đó, con hợp tác với cha mẹ hơn.

Đối với thầy cô

Tôn trọng những quan điểm của trẻ, dù thầy cô có thể không đồng tình với trẻ nhưng việc thể hiện sự tôn trọng, không chế giễu, bài xích trẻ là điều quan trọng giúp trẻ cảm thấy trẻ được lắng nghe và thông qua đó, thầy cô có thể định hướng lại nhận thức của trẻ cho phù hợp

Không phân biệt đối xử giữa các trẻ dựa trên mong muốn của giáo viên về một hình mẫu học sinh lý tưởng

Tạo môi trường học đường dân chủ, ở đó trẻ được tích cực tham gia các hoạt động dựa theo năng lực và mong muốn của bản thân, nói cách khác là đi theo triết lý lấy học sinh làm trọng tâm.

Nhiều bằng chứng cho thấy, tại trường học, sự tham gia của học sinh làm gia tăng kết quả học tập của trẻ, đồng thời cũng cải thiện việc giảng dạy của giáo viên và làm giảm bớt các tác động tiêu cực từ công việc mà giáo viên cảm nhận thấy.

Trong những năm qua, đã có rất nhiều nghiên cứu phân tích về quyền tham gia của trẻ em từ khía cạnh pháp luật, chính sách, cũng như đánh giá về những ảnh hưởng tích cực/tiêu cực của việc thực hiện quyền tham gia đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em. Kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia cho thấy, sự tham gia của trẻ em mang lại những tác động tích cực, cả ở những nước phát triển và những nước đang phát triển như: gia tăng lòng tự trọng, sự tự tin vào bản thân, tăng cường các kỹ năng xã hội sẽ được phát huy trong những thời điểm sau này, khi trẻ đã ở tuổi trưởng thành. Những yếu tố đó sẽ bảo vệ cho cá nhân trước những nguy cơ đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng và gia tăng cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống. Do vậy, cha mẹ, thầy cô giáo cần thúc đẩy việc tham gia của trẻ, lắng nghe và chấp nhận trẻ ngay khi trẻ còn nhỏ.

Châu Anh Hưng
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Đẩy mạnh rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh dân tộc bán trú

Đẩy mạnh rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh dân tộc bán trú

2 năm trước

Cùng với thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, những năm qua, các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) luôn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Song hành cùng với công tác giáo...
Thúc đẩy sự tham gia của nhóm trẻ yếu thế trong diễn đàn trẻ em

Thúc đẩy sự tham gia của nhóm trẻ yếu thế trong diễn đàn trẻ em

2 năm trước

Khi tổ chức Diễn đàn trẻ em, chúng ta thường nhầm tưởng trẻ em sinh sống tại khu vực đô thị sẽ tự tin và tham gia tích cực hơn tại diễn đàn, còn trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số...
Báo động tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên

Báo động tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên

2 năm trước

Tự tử ở trẻ vị thành niên hiện nay ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ.