THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 07:47

Nhiều cha mẹ không biết mình đang bạo hành lạnh với con

16/12/2022 | 08:52
"Bố/mẹ nói gì con cũng không nghe. Vậy từ giờ bố/mẹ sẽ im lặng", đó là cách mà không ít cha mẹ đang đối xử với con. Áp dụng bạo hành lạnh bằng việc im lặng, ngó lơ, xua đuổi, cô lập con... vô hình trung làm tổn thương sâu sắc tới đứa trẻ.

Đừng cô lập “đứa trẻ hư” bằng bức tường lạnh lẽo

Xua đuổi, cô lập con, thể hiện việc chán nản về con, thậm chí, cha mẹ lôi kéo ông bà, anh chị em của con về phe mình để cô lập "đứa trẻ hư"... nhiều cha mẹ không biết rằng mình đang bạo hành con. Họ nghĩ rằng đó là chuyện bình thường, vì hồi bé họ cũng từng bị cha mẹ nói vậy, cũng từng bị thóa mạ, hắt hủi, bỏ mặc, nhưng vẫn lớn khôn. Song, mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng biệt, có sức chống chịu riêng biệt. Với đứa trẻ này, đòn roi là bình thường. Nhưng với đứa trẻ khác, một lời trách mắng cũng hằn sâu trong chúng đến cuối đời. Ðừng đem mình ra làm thước đo chuẩn cho con mình. Những đứa trẻ tự tử cũng đâu phải vì bố mẹ chúng đã từng có ý nghĩ tự tử? Ðừng mang bản thân mình ra để suy đoán về con cái. Ðừng nghĩ mình chịu được thì con mình cũng chịu được. Những trẻ bị tổn thương, trầm cảm, có thể đang nghĩ tới cái chết đến với chúng. Ðừng coi nhẹ, nghĩ ai cũng giống mình và không ai tổn thương.

Hạnh phúc của hôn nhân mới là cách giúp giáo dục con cái tốt nhất.

Hạnh phúc của hôn nhân mới là cách giúp giáo dục con cái tốt nhất.

Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, việc con cái bị cha mẹ dọa hắt hủi, dọa bỏ rơi, trừng phạt bằng thái độ lạnh nhạt, bỏ mặc dẫn đến những tổn thương mà mắt thường không thấy được. Nhẹ thì đứa trẻ sẽ mất dần sự tự tin, sống thu mình, giấu mình lại. Nặng hơn thì chúng giữ mãi trong lòng như một ẩn ức và kể cả khi chúng quên rồi thì lúc chúng làm cha mẹ, chúng sẽ lặp lại những gì cha mẹ đã làm với mình. Một cách vô thức, bạo hành sẽ được tiếp nối di truyền là vậy. Trầm trọng hơn, chúng ta sẽ có 1 đứa trẻ nổi loạn hoặc nung nấu ý nghĩ: Cha mẹ không còn cần đến sự tồn tại của mình nữa rồi.

Theo Ðiều 27 Luật Trẻ em 2016, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện. Theo đó, sự sao nhãng, bỏ mặc trẻ em về thể chất, tình cảm, giáo dục… chính là bạo hành lạnh. Việc này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bởi lẽ đôi khi sự lạnh nhạt còn gây tổn thương cho trẻ em hơn cả việc bị chửi bới, đánh đập.

Theo các chuyên gia tâm lý, bạo hành lạnh là kiểu bạo hành không để lại tổn thương trên da thịt nhưng hậu quả về tinh thần mà bạo hành lạnh gây ra nguy hiểm không kém. Theo bác sĩ y khoa, nhà tâm thần học người Pháp Marie - France Hirigoyan, cha mẹ đánh vào điểm yếu của con cái nhằm che đi khuyết điểm lớn nhất của chính mình. Họ đã đè bẹp ý chí và tinh thần phê phán của trẻ, để đứa trẻ không thể phán xét hành động của mình. Bạo hành lạnh cũng giống như một bức tường lạnh lẽo ngăn cách mối quan hệ cha mẹ và con cái. Họ giống như người xa lạ quen thuộc nhất. Trừng phạt trẻ bằng bạo hành lạnh chỉ để đạt được sự vâng lời ngắn hạn. Chiến thắng nhất thời của cha mẹ đổi lấy một đứa trẻ ngoan ngoãn tạm thời, nhưng kèm theo đó là sự tuyệt vọng, oán giận của những tâm hồn non nớt. Hậu quả những đứa trẻ phải chịu đựng bạo hành lạnh trong thời thơ ấu là chúng sẽ sao chép lại đúng tinh thần đó khi ứng xử xã hội lúc trưởng thành.

Dạy con là cùng con trưởng thành

Trong việc giáo dục con, nhiều cha mẹ muốn nhanh chóng đưa con vào khuôn khổ bằng đòn roi, kỷ luật thép và nghĩ rằng đâu sẽ ra đó ngay, mà quên mất rằng lũ trẻ nghe đấy nhưng là vì chúng bị buộc phải thể hiện ra chứ thực tâm chúng không nhận thức ra chúng sai ở đâu, sửa thế nào. Nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, để thay đổi và học hỏi cách kiên nhẫn dạy con, điều cần nhất và đầu tiên mà cha mẹ phải nhớ đó là con của chúng ta là đứa trẻ có thời hạn hay là con của chúng ta suốt đời? Ðừng vội, vì bạn phải làm cha mẹ của chúng đến ngày bạn nhắm mắt xuôi tay. Nhớ điều đó, chúng ta sẽ chậm lại. Thứ hai, đó là sự bao dung. Yêu thương chỉ có ý nghĩa nếu như trong yêu thương có cả những bao dung. Bằng không thì yêu ấy, thương ấy chỉ là cách cũ: Yêu cho roi cho vọt.

Nhà báo Hoàng Anh Tú và các con.

Nhà báo Hoàng Anh Tú và các con.

Trong gia đình nhà báo Hoàng Anh Tú, việc dạy con phải đi cùng với việc học làm cha mẹ. Học làm cha mẹ để hiểu cách dạy con. Cha mẹ chính là tấm gương, cha mẹ phải học để trở thành cha mẹ rồi mới nói đến dạy con. Nếu cha mẹ chưa ổn, đừng đòi con phải ổn. Không thể là cha mẹ gà đẻ ra cái trứng và bắt nó phải biết bay như chim được. Cả cha mẹ với con cùng học cách trưởng thành cùng nhau.

“Khi con không nghe lời, vợ chồng chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi với chính mình trước: Tại sao con không nghe lời mình? Liệu trong những gì mình nói đã có đủ sự thuyết phục con chưa? Nó có chỗ nào khiến con chưa hiểu hoặc chưa cảm thấy đúng? Muốn ai đó nghe chúng ta trước hết chúng ta phải biết nghe họ. Lắng nghe con thì mới khiến con lắng nghe lại mình. Về việc con làm trái ý cha mẹ, tôi thay vì cảm thấy giận dữ hay khó chịu, tôi sẽ biết mừng. Mừng vì con có chính kiến của con. Tôi sợ những đứa trẻ nhắm mắt nhắm mũi làm theo ý cha mẹ bất kể đúng sai. Sau đó mới là cùng con tìm ra giải pháp dung hòa. Ðể con hiểu đúng ý cha mẹ thì con mới làm đúng được ý của cha mẹ. Thường khi con làm trái ý cha mẹ là bởi con chưa hiểu đúng ý cha mẹ hoặc con cảm thấy ý của cha mẹ là sai”. “Hạnh phúc của hôn nhân mới là cách giúp giáo dục con cái tốt nhất. Hôn nhân có hạnh phúc, đồng thuận thì việc dạy con mới đồng thuận được. Nhưng mỗi chúng ta đều lớn lên trong môi trường giáo dục khác nhau nên khi dạy con, vợ chồng có thể xảy ra mâu thuẫn. Nhà tôi cũng vậy dù vợ chồng tôi đang có cuộc sống hạnh phúc. Nếu có sai thì sửa lại cho đúng. Quan trọng nhất là phụ huynh đều muốn tốt cho con vậy nên chúng ta cùng một phe, là đồng đội. Làm ơn đừng hơn thua. Việc vợ chồng cùng thống nhất rất quan trọng. Con cái là cả cuộc đời chúng ta phía trước, thế nên nếu chưa thống nhất được, hãy nghĩ thêm, hoặc tạm thời thống nhất theo 1 phương án rồi rút kinh nghiệm dần dần” - Nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ.

logo CD Vu GD
Hồng Nga
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Trẻ cần làm gì khi bị bạo hành trong gia đình?

Trẻ cần làm gì khi bị bạo hành trong gia đình?

1 năm trước

Nhiều câu hỏi thiết thực đã được các em học sinh đặt ra cho các luật sư thực hiện phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Hiểu về đặc điểm tâm lý tội phạm bạo hành và xâm hại trẻ em để giúp trẻ phòng, chống

Hiểu về đặc điểm tâm lý tội phạm bạo hành và xâm hại trẻ em để giúp trẻ phòng, chống

1 năm trước

Ai cũng nghĩ trẻ em sẽ được yêu thương và an toàn trong vòng tay của cha mẹ, nhưng sự thật, nhiều em bị bạo hành và xâm hại dã man bởi chính những người thân thiết nhất trong gia đình.
5 kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, cha mẹ nên dạy con

5 kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, cha mẹ nên dạy con

1 năm trước

Cha mẹ thường chú trọng dạy cho trẻ các kỹ năng sống như tự lập, biết chia sẻ, hợp tác,... nhưng lại chủ quan và chưa thực sự quan tâm tới vấn đề cung cấp cho trẻ các kiến thức và...