THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 11:29

Nối dài những ước mơ xanh

04/02/2022 | 07:17
Chịu tác động sâu sắc bởi đại dịch Covid-19, đa phần các em học sinh phải thích ứng với hình thức học tập trực tuyến. Không chỉ có vậy, trẻ em ở các gia đình khó khăn còn phải đối diện với nguy cơ thụt lùi trong học tập bởi nhiều lý do (thiếu thiết bị học tập, xao nhãng trong giờ học, phụ huynh không có kỹ năng kèm con em học…), thậm chí bỏ học.
z3097703184150_824b8ef71316e54caeeeecc626d5e41d

Nguy cơ thụt lùi trong học tập

Mẹ chẳng may mất sớm khi bé Nguyễn Thị Trúc (sinh năm 2014 ở Hải Phòng) mới lên ba. Ðến tháng 9/2021, người bố cũng đột ngột qua đời, để lại Trúc và Dâu - em gái cùng cha khác mẹ cho bà nội là bà Lê Thị Ngoan năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ba bà cháu không nhà không cửa, sống lang thang trên đường phố, ai có gì cho nấy. Một già, hai trẻ nương tựa vào nhau với thu nhập trông đợi vào gánh ve chai của người bà. Bà không có trợ cấp xã hội, còn Trúc từ khi sinh ra đã không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Ðiều này cũng khiến việc học hành của em bị lỡ dở.

Ở tuổi lên 7, đáng lẽ bé Trúc đang học lớp 2 như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng vì không có giấy khai sinh nên em chỉ quanh quẩn trông em hoặc cùng bà rong ruổi trên khắp các con đường bươn chải mưu sinh.

Cũng giống như chị em Trúc, Lê Khánh Linh 7 tuổi cùng em trai là Lê Trung Kiên 6 tuổi (quận Ba Ðình, Hà Nội) cũng không có giấy tờ tùy thân. Hai bé chưa từng học mầm non và có nguy cơ không được học tiểu học do bố mẹ không đăng ký kết hôn và không làm giấy khai sinh cho con.

Trong căn nhà nổi “bồng bềnh” dưới chân cầu Long Biên, cả nhà Tùng Linh sống lênh đênh trên sông, nguồn điện ít ỏi của gia đình đến từ hai tấm pin năng lượng mặt trời nhỏ trên mái, sạc cả ngày mới đủ tích trữ đủ cho buổi đêm. Cực nhọc và nguy hiểm nhất vẫn là vào mùa mưa bão, gió to nước lớn. Từ đợt nghỉ học đầu tiên do giãn cách vì dịch Covid-19, thay vì những giờ học online với cô giáo trên lớp, hai anh em Tùng Linh (lớp 4) và Hiếu Nghĩa (lớp 3) đều học offline với mẹ. “Hàng ngày, tôi nhận tin nhắn cô giao bài cho các con trong sách giáo khoa, sách bài tập”, chị Thu Trang – mẹ của hai em kể và giơ ra chiếc điện thoại cũ kỹ không thể kết nối mạng. “Có nhiều bài không biết dạy thế nào trong khi con không được nghe giảng nên tôi phải gọi điện trực tiếp để nhờ cô giáo.”

Thực tế cho thấy, trẻ em sống ở các khu ổ chuột hoặc vô gia cư hầu hết là con em của những gia đình không có thu nhập ổn định. Hầu hết họ không có chứng minh thư hay hộ khẩu, thường phải chuyển liên tục từ khu này sang khu khác nên con em của họ rất khó được tiếp cận với giáo dục và dễ có nguy cơ bỏ học. Bên cạnh đó, trẻ em sống trong các gia đình nghèo tại địa phương cũng gặp trở ngại khi đến trường, dù đã được miễn học phí. Bởi các chi phí khác như sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục và các khoản đóng góp thì không được miễn. Theo nghiên cứu, mỗi năm học, cần phải chi trả ít nhất 3 triệu đồng cho một trẻ. Trong khi đó, giáo dục đã được công nhận là con đường hiệu quả nhất để trẻ em có thể có một cuộc sống tốt đẹp hợp, cắt đứt “vòng xoáy” đói nghèo ngay tại thế hệ của các em.

Niềm vui của các bé trong ngày đến trường.

Niềm vui của các bé trong ngày đến trường.

"Cắt đứt vòng xoáy” giúp trẻ khó khăn hòa nhập xã hội

Ðược xây dựng dựa trên cơ sở giáo dục là con đường thoát nghèo hiệu quả nhất, sau làn sóng Covid-19 lần thứ nhất vào tháng 4/2020, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) bắt đầu thực hiện dự án “Cắt đứt vòng xoáy” với nguồn tài trợ chính từ Ngân hàng HSBC Việt Nam. Dự án hỗ trợ các trẻ em nghèo bắt đầu và duy trì việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Bến Tre và Bình Dương, hàn gắn đứt gãy giáo dục cho hàng trăm trẻ nhỏ.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI chia sẻ: Với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (thiếu thốn về điều kiện vật chất, trẻ mồ côi, là nạn nhân bị xâm hại, phải chứng kiến hoặc bị bạo lực bởi chính người ruột thịt trong gia đình…), nếu không có ai đưa tay ra để dẫn chúng đi, chúng sẽ ở dưới đáy xã hội và sẽ lớn lên như vậy. Chúng tôi muốn cắt vòng xoáy hàng thế hệ ấy đi, dẫn những trẻ em ấy về hướng hòa nhập xã hội, trở thành công dân có ích. Mục tiêu số 1 của chúng tôi là giúp tất cả trẻ em khó khăn được đi học.

Biết được hoàn cảnh của Trúc, từ tháng 7/2021, dự án “Cắt đứt vòng xoáy” đã hỗ trợ gói dinh dưỡng trong hai tháng trị giá 1.000.000 đồng cho hai chị em và thẻ bảo hiểm y tế cho bà. Trước mắt, SCDI hỗ trợ ba bà cháu thuê nhà trong 6 tháng, vừa để đảm bảo an toàn, vừa để bà có thể đăng ký tạm trú làm căn cứ để SCDI trao đổi với nhà trường giúp Trúc có thể đi học sớm nhất.

Việc làm giấy khai sinh cho Trúc gặp muôn vàn khó khăn, nhưng để em không lãng phí thêm một năm học nữa, SCDI đề xuất với nhà trường phương án cho Trúc đăng ký đi học với điều kiện gia đình tạm nợ giấy khai sinh (gia đình cam kết sẽ bổ sung vào tháng 3/2022), thay thế bằng giấy tạm trú của bà và đơn trình bày nguyện vọng. Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Bạch Ðằng đã hết sức tạo điều kiện để Trúc được vào học lớp 1 ngay năm học 2021-2022.

Dự án cũng đã hỗ trợ gia đình làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu, đăng ký tạm trú và thủ tục nhập học Tiểu học cho hai em Linh và Kiên. Hiện hai em đang là học sinh lớp 1 tại một trường tiểu học gần nhà. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, học bổng để gia đình chi trả các khoản chi phí đầu năm học cho hai bé. Ðồng thời, tìm các nguồn hỗ trợ thiết bị học trực tuyến và Internet cho Linh và Kiên, hỗ trợ tình nguyện viên làm gia sư kèm học thêm cho các em.

Trở lại câu chuyện của Tùng Linh và Hiếu Nghĩa nhận được chiếc điện thoại có thể vào mạng học trực tuyến từ Dự án, hai em không giấu được niềm vui: “Mẹ ơi, thế là con được học online giống các bạn rồi hả mẹ? Thế là con cũng học Zoom hả mẹ?”

Chị Vũ Ngọc Hoa, thành viên SCDI chia sẻ: Hỗ trợ giấy tờ tùy thân cho các em gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng nhóm hiểu đó là công việc quan trọng. Ðược định danh sẽ giúp cuộc sống bớt khó nhọc, để các em được học hành, được khám chữa bệnh, được hưởng mọi quyền của một công dân. “Gian nan chồng chất nhưng chỉ cần nghĩ đến nụ cười hồn nhiên của các em ngày đầu được đi học với sự chung tay của nhà trường và chính quyền sở tại, chúng tôi biết mình không đơn độc trên chặng đường này. SCDI sẽ đồng hành cùng các em trên chặng đường tới một tương lai tươi sáng và hạnh phúc hơn” - chị Hoa tâm sự.

Vân Nhi
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Chủ tịch nước biểu dương chiến công của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia

Chủ tịch nước biểu dương chiến công của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia

2 năm trước

Tối 2/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và khen ngợi huấn luyện viên Mai Đức Chung, ban huấn luyện và các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam, sau khi...
Trẻ em Ấn Độ đối mặt nhiều nguy cơ vì trường học đóng cửa quá lâu

Trẻ em Ấn Độ đối mặt nhiều nguy cơ vì trường học đóng cửa quá lâu

2 năm trước

Ông Shaheen Mistri, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Teach For India cho rằng, việc đóng cửa trường học gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng ở nhiều cấp độ,...
Xin chữ đầu năm: Nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc

Xin chữ đầu năm: Nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc

2 năm trước

Xin và cho chữ đầu năm là phong tục không thể thiếu đối với nhiều người Việt Nam trong những ngày đầu xuân mới. Ngày nay, giới trẻ đang nỗ lực giữ gìn nét văn hoá truyền thống tốt...