THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:17

Tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm

13/10/2021 | 11:19
Trong những năm gần đây, tảo hôn có xu hướng giảm nhờ giáo dục truyền thông là một trong những kết quả đáng lưu ý trong khảo sát do Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, tảo hôn vẫn là một thực tế khá phổ biến ở nhiều vùng của Dự án, đặc biệt là với trẻ em gái, ở nhóm dân tộc Mông và Vân Kiều, tập trung nhiều ở độ tuổi 15-17.
Hình ảnh được đăng tải trên trang Facebook Emvui phòng ngừa tảo hôn. Ảnh: PV

Hình ảnh được đăng tải trên trang Facebook "Emvui" phòng ngừa tảo hôn. Ảnh: PV

Khảo sát được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020 tại 17 xã thuộc 6 huyện ở 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị. Dự án đã khảo sát định lượng 1.725 em dân tộc thiểu số từ 10-24 tuổi, phỏng vấn đại diện chính quyền địa phương, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, giáo viên, phụ huynh có con kết hôn sớm và đại diện các tổ chức xã hội dân sự.

Theo đó, nguyên nhân chính của tình trạng tảo hôn là do định kiến giới tạo ra áp lực khiến các em gái phải lấy chồng sớm; trẻ em gái phải nghỉ học sớm do hoàn cảnh gia đình và các hủ tục cưỡng ép hôn nhân như bắt vợ, thách cưới. Bên cạnh đó, việc yêu và mang thai sớm được củng cố bởi tập quán địa phương. Đói nghèo, thiếu sinh kế, giáo dục hướng nghiệp cũng chưa hiệu quả.

Chỉ có 28% trẻ em được trang bị kiến thức về tảo hôn

Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 28% được trang bị để phòng tránh tảo hôn. Chỉ có 52% các em được khảo sát hiểu biết đúng về độ tuổi kết hôn tối thiểu. Các em thường hiểu sai về độ tuổi được kết hôn của nam giới, đồng thời các em nữ cũng cảm thấy áp lực phải lấy chồng (để không bị “ế”) lớn hơn. Có 72% biết được ít nhất 2 hậu quả của việc tảo hôn, phổ biến nhất là ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai, việc học hành và sức khỏe bản thân. Chỉ có 60% sẵn sàng phản đối hôn nhân ép buộc. Tỉ lệ này cao hơn ở trẻ em gái và trẻ em được đi học.

Đối với những kiến thức về phòng, chống mua bán người, chỉ có 3% nhận biết hầu hết các rủi ro về mua bán người. Những rủi ro ít được nhận biết nhất liên quan đến việc đi lao động qua biên giới và rủi ro đến từ họ hàng, người thân và người yêu; Chỉ có 11% biết về các cách phòng tránh rủi ro, tỉ lệ này thấp nhất ở nhóm 10 tuổi (2%); Có 37% biết ít nhất 2 số điện thoại trợ giúp là 111 (Tổng đài bảo vệ trẻ em) và 113 (công an).

Cần tăng cường kiến thức cho em gái và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về quyền của họ. Ảnh CTV.

Cần tăng cường kiến thức cho em gái và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về quyền của họ. Ảnh CTV.

Thiếu kiến thức và kỹ năng về sử dụng Internet

Hiện nay, 91% trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số đang sử dụng Internet, chủ yếu bằng điện thoại thông minh và thường sử dụng từ 1-3 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 10% tự khai là có hiểu biết về an toàn trực tuyến. Facebook và YouTube là 2 kênh được dùng nhiều nhất, hoạt động chính là chat, lướt mạng và xem phim/video. 42% trả lời đã từng hẹn gặp bạn quen trên mạng, trong đó 1/3 hẹn gặp mặt chỉ sau 1 lần nói chuyện. Hiện không có chương trình tập huấn bài bản tại địa phương cho các em về an toàn trực tuyến.

Trước thực trạng đó, Dự án EMPoWR được thực hiện từ tháng 7 năm 2020 và kéo dài trong 3 năm nhằm hỗ trợ trẻ em và nam nữ thanh niên dân tộc thiểu số sử dụng không gian số để tìm hiểu và tiếp cận các quyền của mình, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách. Đối tượng đích của dự án là 17.200 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của Dự án. Dự án kỳ vọng sẽ lan tỏa thông tin tới hơn 57.400 em vùng dân tộc nữa trên khắp 4 tỉnh dự án.

Tại hội thảo trực tuyến ra mắt nền tảng kỹ thuật số Em Vui hồi cuối tháng 9 vừa qua, bà Audrey Anne Rochelemagne, Tuỳ viên Phòng Quản trị và Pháp quyền Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: Bạo lực trên cơ sở giới còn rất phổ biến ở Việt Nam và trong cộng đồng phụ nữ và em gái dân tộc thiểu số. Phần lớn em gái và phụ nữ khi bị bạo lực thể chất và bạo lực tình dục thường không báo cáo hay tìm kiếm sự trợ giúp hay biện pháp bảo vệ nào cho chính mình. Nền tảng Em Vui về quyền em gái có thể giải quyết một số thách thức này bằng việc tăng cường kiến thức cho em gái và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về quyền của họ và làm thế nào để tự tin lên tiếng yêu cầu quyền chính đáng cho chính mình. Từ đó, có thể giúp họ tự bảo vệ chính mình khỏi nạn tảo hôn và mua bán người, đồng thời nâng cao kiến thức của bản thân về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc cho rằng, EMPoWR là một dự án có kết quả tốt. Bà mong muốn Dự án không chỉ triển khai trong vùng dự án mà còn trên cả nước, cùng hợp tác và triển khai cùng với Phòng Dân tộc của các huyện tại các địa phương. Rút kinh nghiệm từ đề án 498 trong khâu tuyên truyền, bà Huệ hi vọng đây là 1 kênh tuyên truyền hiệu quả để chấm dứt nạn tảo hôn và mua bán người.

Ông Đỗ Văn Hải, phó trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang chia sẻ, đây là một chương trình bổ ích, hỗ trợ cho các em có nhận thức đúng đắn về tảo hôn và mua bán người, nội dung rất gần gũi và thân thiện với các em học sinh. Tuy nhiên, trẻ em dân tộc thiểu số mới tiếp cận internet nên còn nhiều hạn chế. Do đó, nội dung tuyên truyền cho các em cần có nội dung cô đọng, mới mẻ, hiện đại. Ngoài ra, dự án cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chặt chẽ hơn.

Vi Hương
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Quan tâm, thúc đẩy quyền của trẻ em gái dân tộc thiểu số

Quan tâm, thúc đẩy quyền của trẻ em gái dân tộc thiểu số

2 năm trước

Những năm gần đây, nước ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em gái, trong đó có trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các em...
Liên tiếp nhiều trẻ em nhập viện trong tình trạng nguy kịch do chấn thương sọ não

Liên tiếp nhiều trẻ em nhập viện trong tình trạng nguy kịch do chấn thương sọ não

2 năm trước

Chỉ trong 1 tuần đầu tháng 10/2021, Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận 7 bệnh nhi có độ tuổi từ 2-14 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy...