THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 07:04

Trang bị kỹ năng sống cho học sinh để phát triển toàn diện

11/12/2021 | 09:00
Trong xu hướng giáo dục hiện nay không chỉ hướng vào mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn hướng đến mục tiêu phát triển đầy đủ và tự do giá trị của mỗi cá nhân học sinh, giúp cho các em có năng lực và có kỹ năng để sống một cuộc sống có chất lượng, hạnh phúc, và phát triển toàn diện.

Giáo dục kỹ năng sống (KNS) trang bị cho học sinh kiến thức, thái độ và kỹ năng phù hợp, từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống; tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày.

Cha mẹ tạo hứng thú cho con làm việc làm - một kỹ năng sống không thể thiếu. Ảnh: Thái Thuỳ Linh

Cha mẹ tạo hứng thú cho con làm việc làm - một kỹ năng sống không thể thiếu. Ảnh: Thái Thuỳ Linh

Có nhiều cách tiếp cận khái niệm KNS. Tuy nhiên, có thể tiếp cận khái niệm KNS qua 4 trụ cột của giáo dục theo UNESCO: Học để biết (learning to know), học để khẳng định bản thân (learning to be), học để chung sống (learning to live together) và học để làm việc (learning to do).

Tiếp cận theo 4 trụ cột trên thì KNS có thể hiểu là: kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, kỹ năng làm việc.

Tuy nhiên, KNS (life skills) có thể hiểu là khả năng làm chủ bản thân của mỗi học sinh, khả năng ứng xử phù hợp với bạn bè, trường lớp, gia đình, xã hội; và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

Có thể nói KNS chính là nhịp cầu giúp các em học sinh biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh.

Thời gian qua, dù giáo dục KNS có được quan tâm nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế thể hiện qua thực trạng về KNS của học sinh còn nhiều khiếm khuyết, biểu hiện qua hành vi ứng xử không phù hợp trong xã hội, sự ứng phó hạn chế với các tình huống trong cuộc sống. Như: ứng xử thiếu văn hóa trong giao tiếp nơi công cộng; thiếu lễ độ với thầy cô giáo, cha mẹ và người lớn tuổi; chưa có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, gây phiền hà cho người khác khi sử dụng điện thoại di động, ....

Vai trò của công tác giáo dục KNS trong yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

Nhận xét về công tác giáo dục KNS cho học sinh phổ thông hiện nay, theo TS. Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành quan tâm chủ yếu tới cung cấp kiến thức cho học sinh. Chương trình như vậy được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung dạy học, khác với một chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy bằng việc xây dựng chuẩn đầu ra về năng lực mà học sinh cần phải đạt được sau một quá trình dạy - học.

Khác với cách tiếp cận nội dung, tiếp cận năng lực chú trọng vào việc yêu cầu học sinh học xong phải thể hiện được, làm được; biết vận dụng những kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống,... Vì thế, việc học tập theo hướng tiếp cận này trở nên gần gũi và thiết thực đối với cá nhân và cộng đồng.

Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện KNS.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số hoạt động hướng tới việc rèn luyện năng lực cho học sinh như: Tổ chức Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA với cách đánh giá kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống; tổ chức cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn; triển khai phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột", là phương pháp dạy học khoa học được tiến hành dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình.

Ở Việt Nam, với Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, mục tiêu giáo dục đang chuyển hướng từ trang bị kiến thức nặng lý thuyết sang trang bị những năng lực cần thiết và phẩm chất cho người học. Điều đó cũng khẳng định thêm tầm quan trọng và yêu cầu thiết yếu đưa giáo dục KNS vào trường học cùng với các môn học và các hoạt động giáo dục.

Giáo dục KNS cho học sinh được quan tâm nhiều hơn trước

Nội dung và phương pháp giáo dục trong các nhà trường hiện nay còn xem trọng việc dạy chữ, chưa chú trọng đúng mức dạy làm người, nhất là việc giáo dục KNS cho học sinh. Do phải chạy theo thời gian, phải chuyển tải nhiều nội dung trong khi thời gian có hạn, giáo viên có khuynh hướng tập trung cung cấp kiến thức mà ít quan tâm rèn luyện kỹ năng cho học sinh, nhất là kỹ năng ứng xử với xã hội, ứng phó và hòa nhập với cuộc sống.

Thời gian gần đây, giáo dục KNS cho học sinh được quan tâm nhiều hơn. Giáo dục KNS cho học sinh phổ thông hiện nay không bố trí thành một môn học riêng trong hệ thống các môn học của nhà trường phổ thông bởi KNS phải được giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi khi có điều kiện, cơ hội phù hợp. Sự phối hợp chặt chẽ giáo dục KNS với các hoạt động giáo dục vốn đã được lồng ghép vào chương trình giáo dục từ nhiều năm nay như giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống ma tuý, giáo dục pháp luật, sức khỏe sinh sản vị thành niên... tạo nhiều cơ hội và điều kiện để triển khai giáo dục KNS.

Một số hoạt động giáo dục KNS đã được đa số các trường chú ý thực hiện trong khuôn khổ và yêu cầu của Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động.

Giáo dục KNS từ nhà trường cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng đã thu hút được sự chú ý và hưởng ứng của xã hội, của phụ huynh học sinh. Hình thức tổ chức giáo dục KNS đã bước đầu được thực hiện trong một số môn học, thông qua hoạt động ngoại khoá và các hoạt động trải nghiệm với nội dung khá đa dạng.

Tuy nhiên, trong nhà trường chủ yếu học sinh chỉ được dạy kỹ năng học tập, việc giáo dục KNS và nhất là kỹ năng thích ứng, hòa nhập với cuộc sống, ứng phó tích cực với các tình huống trong cuộc sống chưa được quan tâm nhiều.

Do đó, theo TS. Nguyễn Văn Huấn, cần tập trung rèn luyện cho học sinh phổ thông 2 nhóm KNS sau:

Nhóm kỹ năng trong học tập, làm việc, vui chơi giải trí: Các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, quan sát, đưa ra ý kiến chia sẻ trong nhóm; Kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung; Kỹ năng làm việc theo nhóm; Các kỹ năng tư duy logic, sáng tạo, suy nghĩ nhiều chiều, các kỹ năng tư duy xuyên môn như: phân tích, tổng hợp, so sánh…

Nhóm kỹ năng giao tiếp, hòa nhập, ứng phó với các tình huống cuộc sống: Biết chào hỏi lễ phép trong nhà trường, ở nhà và ở nơi công cộng; Kỹ năng kiểm soát tình cảm, kìm chế thói hư tật xấu, sở thích cá nhân; Biết phân biệt hành vi đúng - sai, phòng tránh tai nạn; Kỹ năng trình bày ý kiến, diễn đạt, thuyết trình trước đám đông; Kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu như động đất, sóng thần, bão lũ; kỹ năng ứng phó với tai nạn như cháy, nổ...;  Kỹ năng ứng phó với tai nạn đuối nước;  Kỹ năng sống còn là những kiến thức về giới tính, chống lại sự cám dỗ từ tệ nạn xã hội, chống xâm phạm tình dục; Kỹ năng ứng phó với một tình huống bạo lực trong học sinh (khi tình trạng bạo lực trong học sinh thường xảy ra)...

KNS của học sinh chỉ có thể được hình thành thông qua hoạt động học tập cũng như các hoạt động giáo dục khác trong sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Bảo Ngọc
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Dự án KidSkills giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống

Dự án KidSkills giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống

2 năm trước

Dự án hỗ trợ giáo viên mầm non dạy kỹ năng sống (KidSkills) của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương vừa được vinh danh là Sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu 2022. Đây là dự án...