THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 07:22

Trẻ em khuyết tật có nhiều cơ hội hòa nhập với cộng đồng

13/12/2021 | 15:30
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể và xã hội đối với công tác chăm sóc trẻ em khuyết tật, những năm qua có nhiều trẻ em khuyết tật được tạo điều kiện thụ hưởng chăm sóc sức khỏe, can thiệp phẫu thuật, giáo dục, được dạy kỹ năng sống, sinh kế, từng bước xóa bỏ đi mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nhẹ nhàng, kiên trì dạy bảo giúp trẻ khuyết tật học tập và hòa nhập tốt hơn

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng (Cơ sở 3 - Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật) hiện đang quản lý, chăm sóc và giáo dục 70 học sinh ở 8 lớp thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau từ bậc mầm non đến tiểu học. Trong số này có 24 trẻ khiếm thính, khuyết tật vận động và tự kỷ, còn lại hầu hết trẻ bị khuyết tật trí tuệ. Với nhiều dạng tật và đặc thù lứa tuổi của trẻ, việc dạy học tại đây được các thầy, cô giáo xây dựng theo chương trình hoàn toàn khác so với các trường mầm non, tiểu học thông thường gồm cả tiết học chung và tiết học cá nhân để tạo sự tập trung, tiếp thu bài hiệu quả hơn cho trẻ.

Trẻ khuyết tật được quan tâm giáo dục phát triển các kỹ năng cần thiết. Ảnh: Anh Tuấn

Trẻ khuyết tật được quan tâm giáo dục phát triển các kỹ năng cần thiết. Ảnh: Anh Tuấn

Chương trình giáo dục trẻ tại Trung tâm rất khác biệt so với những nơi khác, đặc biệt là những tiết dạy cá nhân. Trong tiết học cá nhân, các thầy, cô giáo thực hiện các bài tập để kiểm tra, đánh giá mức độ nhận thức, kỹ năng của trẻ, xem mức độ nhận thức đó, kỹ năng đó tương đương với độ tuổi nào để từ đó có kế hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với các dạng tật cũng như mức độ nhận thức của từng trẻ. Có như vậy, kết quả giáo dục trẻ khuyết tật mới mang lại hiệu quả cao.

Thầy giáo Nông Văn Ngôn đã quen với những tiết học cá nhân - cách dạy chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật. Có những giờ học thầy Ngôn không dùng đến bảng đen, phấn trắng mà chỉ bằng sự vỗ về, nhẹ nhàng, kiên trì dạy bảo giúp trẻ học tập cũng như hòa nhập tốt hơn. Thầy Ngôn chia sẻ: Mỗi trẻ khuyết tật đều có cách tiếp cận khác nhau, vì vậy cách tiếp cận của mỗi giáo viên cũng rất khác. Để tạo một giáo án giảng dạy cho từng trẻ em, mỗi giáo viên phải tự học, tìm hiểu tài liệu, trao đổi công tác chuyên môn với đồng nghiệp để đưa ra phương án giảng dạy tốt nhất.

Em Nông Quang Bắc, dân tộc Tày, xã Lý Quốc (Hạ Lang) năm nay 6 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói. Khi mới được đưa vào Trung tâm, Bắc được xác định mắc chứng tự kỷ, tăng động nên cảm xúc rất mạnh, em thường la hét, rất khó giao tiếp và không hợp tác với thầy, cô giáo và cha mẹ. Hằng ngày, các thầy, cô giáo từng bước giúp em hình thành kỹ năng tập trung, ổn định cảm xúc và thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn của chính bản thân mình. Sau 2 tháng học tập tại đây, Bắc thay đổi tích cực, không còn la hét, sợ hãi, giờ em biết nghe lời và tự biết làm nhiều việc hơn.

Chị Nông Thị Cúc – mẹ em Bắc chia sẻ, được từ các thầy, cô giáo ở Trung tâm tận tình dạy bảo, sau một thời gian ngắn, con tôi có nhiều thay đổi như: tự biết ăn cơm, vứt rác đúng nơi quy định... Ở đây con được hưởng nhiều quyền lợi, chế độ của Nhà nước.

Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng (cơ sở 3), các trẻ em bị khuyết tật ngoài học các lớp văn hóa tiền tiểu học còn được tham gia nhiều hoạt động khác phù hợp với năng lực, năng khiếu của trẻ khuyết tật, được các kỹ thuật viên có nghiệp vụ hướng dẫn tập các bài tập tại phòng phục hồi chức năng; trang bị kỹ năng tự nhận thức, kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giao tiếp… Học sinh khi đến đây được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, cụ thể, đối với trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng tháng được hưởng 80% mức lương cơ bản. Những trường hợp còn lại được hưởng trợ cấp 400.000 đồng/tháng. Hằng năm, Trung tâm có khoảng 91% trẻ phục hồi tốt, có khả năng hòa nhập cộng đồng.

Chúng mình cùng học nhé. Ảnh: Anh Tuấn

Chúng mình cùng học nhé. Ảnh: Anh Tuấn

Trẻ khuyết tật được định hướng nghề nghiệp phù hợp năng lực của bản thân

Nhiều năm nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc (Sở LĐ-TB&XH) đã huy động nhiều nguồn lực để giúp đỡ trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn... Qua đó, các em được tham gia học tập, rèn luyện như những trẻ em bình thường khác, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bằng tình yêu thương và sự sẻ chia, các cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn coi các cháu như những người thân trong gia đình mình. Tại Trung tâm, trẻ lứa tuổi mẫu giáo được học hát, học vẽ, học phát triển các kỹ năng cần thiết. Còn với nhóm trẻ lớn hơn, trung tâm cho các em đến trường học tập với đầy đủ các điều kiện như bạn bè.

Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lương Cầm Vĩnh cho biết: "Để kịp thời uốn nắn các em, trung tâm phối hợp với các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, tâm lý để có hướng điều chỉnh, giúp các em hòa nhập tốt nhất với bạn bè.

Đặc biệt, đối với nhóm trẻ lớn, Trung tâm cũng quan tâm định hướng nghề nghiệp, giáo dục các em lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu xã hội và năng lực của bản thân. Trung tâm thường xuyên phối hợp, vận động các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tổ chức nhiều chương trình hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, từ đó, giúp các em cởi mở hơn trong giao tiếp, tự tin hòa nhập cộng đồng".

Cùng với nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ tại Trung tâm, thực hiện Đề án thí điểm mô hình can thiệp cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ, Trung tâm đã chú trọng đào tạo giáo viên và có nhà trị liệu can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực chuyên môn, cũng như hạ tầng cơ sở, trang thiết bị và ngân sách cho công tác giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, song, với các chính sách quan tâm đặc biệt, cùng sự chung tay của cộng đồng và xã hội, trẻ khuyết tật được tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ giáo dục công bằng, bình đẳng, gỡ bỏ rào cản mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Ngọc Bảo
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Thúc đẩy xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho học sinh yếu thế

Thúc đẩy xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho học sinh yếu thế

2 năm trước

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp xây dựng mô hình trường học an toàn thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế” theo hình thức trực...