THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 12:00

Trẻ em quay cuồng với các lớp học ngoại khóa

05/11/2023 | 07:39
Không chỉ chạy đua cho con học thêm, để trẻ thông thạo “cầm, kỳ, thi, họa”, giỏi thể dục thể thao, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia các lớp học ngoại khóa, năng khiếu, thể thao cùng một lúc khiến trẻ quay cuồng đến chóng mặt. Lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy các con mệt mỏi, thậm chí một số trẻ không còn thời gian để giao tiếp với bạn bè và người thân.
khi-nao-nen-cho-tre-di-hoc-ve-loi-ich-khong-ngo-cua-hoc-ve-202209240710342487

Học kín tuần không có ngày nghỉ

Thu Minh, năm nay lên lớp 4, ngoài học hai buổi/ ngày tại trường, con còn học thêm tuần 2 buổi Toán và Tiếng Việt của cô chủ nhiệm cùng 1 buổi tiếng Anh. Bố mẹ còn đăng ký cho cô bé học tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ gần nhà tuần 2 buổi với giáo viên người nước ngoài. Tuy nhiên, chuẩn bị đến kỳ thi Cambridge, Trung tâm tiếng Anh còn dạy tăng cường miễn phí cho các học sinh 1 buổi/ tuần và bố mẹ cũng động viên Thu Minh tham gia để đảm bảo đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới. Ðiểm qua các lớp học thêm thì Thu Minh học tuần 6 buổi.

Ngoài ra, bố mẹ còn cho Thu Minh học đàn piano tại nhà, tuần 1 buổi. Mặc dù cô bé nói không thích đánh đán piano nhưng bố mẹ vẫn ép con gái học. Bên cạnh học đàn, Thu Minh còn được mẹ cho học vẽ cũng tuần 1 buổi và học nhảy hiện đại tuần 2 buổi.

Tính tổng cộng, Thu Minh học thêm các môn năng khiếu 5 buổi/tuần. Cộng cả học thêm Toán, Văn, Anh, mỗi tuần Thu Minh có tới 11 ca học ngoài học chính khóa. Tất cả các buổi tối Thu Minh học gần như kín. Con chỉ có duy nhất một buổi sáng chủ nhật là không phải học gì. Nhưng sáng chủ nhật, ba mẹ thường đưa Thu Minh về bà ngoại chơi, tuy cũng nhớ bà nhưng đôi lúc, Thu Minh chỉ thích được ngủ nướng, vì phải học quá nhiều nên lúc nào cô bé cũng thấy bị thiếu ngủ.

Ai cũng biết tác dụng của việc học ngoại khóa đối với trẻ em. Các hoạt động ngoại khóa như âm nhạc, mỹ thuật, hội họa, thể thao, kỹ năng sống… giúp trẻ giảm áp lực học tập ở trên lớp, rèn luyện sức khỏe thể chất, mở rộng quan hệ với bạn bè xung quanh, trở nên tự tin và nổi bật hơn, phát triển kỹ năng tư duy và sáng tạo… Nhưng nếu trẻ phải học quá nhiều, các kiến thức ngoại khóa cũng khó có thể tiếp thu trọn vẹn. Cùng với việc học trên lớp, học thêm nhà thầy cô, học ngoại khóa quá nhiều sẽ khiến cho trẻ không có thời gian để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, thậm chí trẻ không còn thời gian để trò chuyện với cha mẹ và kết nối với những người xung quanh.

Đua học cho bằng bạn

Thấy nhà bên cạnh cho con học đàn piano, chị Hồng Anh cũng đăng ký cho con trai học đàn, nhưng sau khi test đầu vào, cô giáo dạy piano nói con không có năng khiếu, học đàn piano thực sự không dễ, nếu vẫn muốn cho con học âm nhạc để giải trí thì ba mẹ có thể đợi con lớn hơn một chút cho học đàn guitar. Rất buồn khi con bị giáo viên dạy đàn piano từ chối, chị Hồng Anh lại cho con thử sức với đàn violon, mặc dù học phí học violon đắt hơn học piano, nhưng may là giáo viên violon đã đồng ý nhận dạy bé. Vậy là tuần 2 buổi, bất kể trời mưa hay nắng, cậu bé 7 tuổi được mẹ đưa đến nhà cô giáo để học đàn violon.

Thấy bạn cùng lớp con nhảy dancesport rất đẹp và thường xuyên được cha mẹ chia sẻ các clip nhảy đăng trên Facebook và Tiktok, vợ chồng anh Mạnh Hùng cũng muốn con học khiêu vũ thể thao. Ðược cha mẹ thuyết phục, bé Khánh Chi 8 tuổi đã đồng ý tới một trung tâm dancesport có tiếng để học. Bình thường, Khánh Chi là một cô bé khá năng động, ở nhà Khánh Chi vẫn thường hay xem các bài nhảy hot trend trên TikTok và làm theo, nhưng đó là nhảy hiện đại; khiêu vũ thể thao đòi hỏi học hành bài bản, kỹ thuật phức tạp và cần sự kiên trì, bền bỉ. Do nhảy chưa đúng kỹ thuật, nhiều hôm cổ chân của Khánh Chi bị đau, thậm chí là sưng tấy, cô bé muốn xin nghỉ học dancesport nhưng cha mẹ nhất quyết không cho con gái nghỉ.

Ghi danh cho con học các lớp ngoại khóa cho bằng bạn bè đang là một xu hướng khá phổ biến hiện nay. Nhiều trẻ tham gia các lớp học ngoại khóa không phải do chúng thích mà chỉ vì cha mẹ các em muốn. Nếu được học môn mình thích hoặc có khả năng, trẻ sẽ tiến bộ rất nhanh, nhưng khi bị ép học, trẻ rất khó tiến xa và có được thành tựu.

Hãy để trẻ cảm thấy vui thích khi được học ngoại khóa chứ không phải học một cách miễn cưỡng chỉ để làm hài lòng cha mẹ. Ảnh minh họa

Hãy để trẻ cảm thấy vui thích khi được học ngoại khóa chứ không phải học một cách miễn cưỡng chỉ để làm hài lòng cha mẹ. Ảnh minh họa

Cần cân nhắc kỹ trước khi cho con học thêm môn ngoại khóa

Giáo dục Việt Nam vốn trọng thành tích nên việc học hành ở trên lớp của trẻ em ngay từ lớp 1 đã vô cùng căng thẳng và vất vả. Nếu cha mẹ thực sự mong muốn con tham gia các lớp học ngoại khóa để giải tỏa áp lực học tập, rèn luyện sức khỏe và làm phong phú đời sống thì nên cân đối với việc học ở trên lớp và giảm bớt các lớp học thêm của trẻ. Có như thế, trẻ mới không bị “bội thực” việc học. Với các môn ngoại khóa, cha mẹ cũng nên cân nhắc, chỉ lựa chọn 1-2 lĩnh vực mà trẻ thực sự yêu thích và có khả năng để đăng ký cho con theo học, không nên học tràn lan vừa mất thời gian, lại tốn tiền và làm trẻ mệt mỏi. Với những trẻ cuối cấp như lớp 9, lớp 12, việc học để chuẩn bị cho thi chuyển cấp vô cùng căng thẳng nên cha mẹ có thể tạm lược bớt các hoạt động học ngoại khóa chưa thực sự cần thiết. Nếu không cho con tham gia các lớp học năng khiếu, thể thao hoặc kỹ năng sống ở các trung tâm, các câu lạc bộ, cha mẹ vẫn có thể bổ túc cho con các kiến thức này ở nhà hoặc hướng dẫn trẻ tự tìm hiểu và tập luyện tại nhà. Ví dụ, trẻ không nhất thiết phải đến câu lạc bộ bóng rổ nếu không có ý định trở thành một vận động viên chuyên nghiệp, con có thể tập luyện bóng rổ ngay tại trường học với bạn bè, hoặc ở nhà với cha mẹ. Trẻ cũng không nhất thiết phải học vẽ chỉ để có hiểu biết cơ bản nhất về hội họa, bạn có thể mua sách báo về nghệ thuật hội hoạ, mỹ thuật để trẻ tự tìm hiểu; mua bút, màu để những lúc rảnh con có thể vẽ tranh…

Có rất nhiều cách để làm phong phú đời sống tinh thần và giúp trẻ trải nghiệm cuộc sống một cách thú vị mà không nhất thiết phải đến các lớp học ngoại khóa và học kín lịch trong tuần. Tùy vào độ tuổi của trẻ, khả năng và sở thích của trẻ cũng như điều kiện kinh tế gia đình mà cha mẹ đưa ra các lựa chọn phù hợp, nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để trẻ cảm thấy vui thích khi được học ngoại khóa chứ không phải học một cách miễn cưỡng chỉ để làm hài lòng cha mẹ.

Phương Anh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Lào Cai tổ chức Liên hoan Đội tuyên truyền đội măng non về Luật Trẻ em và nghi thức đội - chỉ huy đội giỏi cấp tỉnh

Lào Cai tổ chức Liên hoan Đội tuyên truyền đội măng non về Luật Trẻ em và nghi thức đội - chỉ huy đội giỏi cấp tỉnh

6 tháng trước

Chiều 2/11, Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh Lào Cai đã tổ chức Liên hoan Đội tuyên truyền măng non về Luật Trẻ em và nghi thức đội - chỉ huy đội giỏi cấp tỉnh.
“Người vợ cuối cùng” đánh dấu sự trở lại của Victor Vũ với dòng phim cổ trang

“Người vợ cuối cùng” đánh dấu sự trở lại của Victor Vũ với dòng phim cổ trang

6 tháng trước

“Người vợ cuối cùng” là dự án điện ảnh cổ trang do đạo diễn Victor Vũ thực hiện, lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết "Hồ oán hận" của tác giả Hồng Thái, tái hiện cuộc đời,...
Vụ 3 trẻ nhập viện do thức ăn bị nhiễm Coliform và E.coli

Vụ 3 trẻ nhập viện do thức ăn bị nhiễm Coliform và E.coli

6 tháng trước

Theo cơ quan chức năng, Trường Mầm non xã Hòa Bình tỉnh Lạng Sơn đã sử dụng nguồn nước khe suối để chế biến thực phẩm và rửa bát, đĩa, dao, thớt..., dẫn đến thức ăn nhiễm vi sinh...