THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 10:24

“Anh nuôi” thầm lặng vì trẻ em miền núi

02/02/2022 | 06:29
Không phải ăn chút cơm trắng hay mèn mén lạnh ngắt, giờ đây, những cô bé, cậu bé ở xã Thái Sơn và xã Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) đã có những bữa trưa bán trú ấm nóng, đủ chất và còn được ăn bữa phụ buổi chiều. Nhờ được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, các bé thích đến trường, ham học hơn, không còn những ngày nghỉ học buổi chiều vì thiếu cơm trưa. “Đầu bếp” của những bữa cơm ấm nóng ấy chính là các thầy, cô giáo, là những cán bộ nấu ăn không quản ngại vất vả, lặn lội xách nước, chở thịt, chở gạo nấu cơm “giữ chân” các em ở trường.
Thầy Nông Văn Long và các em học sinh ở điểm trường Sáng Xoáy.

Thầy Nông Văn Long và các em học sinh ở điểm trường Sáng Xoáy.

Trường Mầm non xã Thái Sơn và xã Thạch Lâm nằm trên địa bàn thuộc chương trình 30A và 135 của Chính phủ với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số (Mông và Dao). Nhà xa, có em phải đi bộ đến 5 cây số đến trường và phải tự mang cơm trắng hoặc mèn mén (bột ngô hấp) để ăn trưa tại điểm trường. Việc đi lại vất vả là vậy, nhưng năm học 2019-2020 và những năm học trước đó, nhiều trẻ vẫn phải về nhà ăn trưa và 80% số đó thường sẽ bỏ học buổi chiều.

Cô Nguyễn Thị Liêm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lâm cho biết, trong báo cáo đầu năm học 2019-2020, toàn bộ học sinh từ 3-5 tuổi đang theo học tại điểm trường xóm Khau Noong và Nà Ó - Trường Mầm non xã Thạch Lâm đều suy dinh dưỡng. Chỉ số chiều cao, cân nặng theo lứa tuổi của các con đều dưới mức chuẩn so với tiêu chuẩn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Năm 2020, cùng với sự ủng hộ và đồng hành của hàng trăm nhà hảo tâm và doanh nghiệp trên cả nước, dự án “Cùng em khôn lớn” đã mang đến 57.000 bữa ăn bán trú giàu dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập cho 206 học sinh mầm non tại huyện Bảo Lâm. Năm 2021, Dự án tiếp tục bảo trợ bữa ăn cho 210 học sinh tại điểm trường Khau Noong, Nà Ó và điểm trường Khau Dề, Sáng Xoáy, Bản Là. Những bữa ăn bán trú giàu dinh dưỡng đã giúp giảm tỷ lệ bỏ học buổi chiều, trẻ đi học đều hơn.

Ít ai biết rằng, phía sau sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những bữa cơm ấm nóng của học trò là sự vất vả, hy sinh âm thầm của các thầy cô giáo và cán bộ nấu ăn. Thầy cô vùng cao không chỉ dạy cái chữ, mà còn là người cha, người mẹ thứ hai, trở thành đầu bếp chăm cho các em những bữa ăn ấm nóng, đủ chất hàng ngày.

Trường Mầm non Thạch Lâm có gần 41 cán bộ giáo viên, nhưng quản lý tới hơn 600 học sinh, rải rác ở 16 điểm trường. Khau Noong và Nà Ó là 2 trong số 16 điểm trường chưa có bữa ăn trưa. Mỗi ngày đứng lớp, thầy cô có thêm nhiệm vụ chở thịt, chở gạo để nấu bữa trưa cho học sinh. Dù có nhân viên nấu ăn là người dân địa phương, nhưng người vận chuyển thức ăn lên điểm trường không ai khác là các thầy cô giáo. Ðến các điểm trường gần thì mất nửa tiếng, xa phải mất hai tiếng, thậm chí có khi đi bộ ba tiếng mới đến nơi.

Thầy giáo Hoàng Thế Vắn chia sẻ: “Ðường đến trường rất bé, là đường đất. Trời nắng xe máy còn đi được, hôm nào mưa phải cuốc bộ hơn một tiếng, nhiều lúc bọn em phải cắm bản ở trên đấy luôn vì đường đi khó quá. Không ít lần, các cô giáo trẻ phải bật khóc vì gian nan, vất vả và tủi thân”.

Cô Sùng Thị Dậu rất hạnh phúc với công việc thầm lặng: nấu những bữa ăn ngon cho trẻ tại điểm trường Nà Ó.

Cô Sùng Thị Dậu rất hạnh phúc với công việc thầm lặng: nấu những bữa ăn ngon cho trẻ tại điểm trường Nà Ó.

“Thương các thầy cô, nhưng nhìn các bạn nhỏ được ăn cơm ở trường, chúng tôi lại động viên các thầy cô cố gắng, vì các con ở trên núi không có gì ăn. Có gạo, thịt, rau củ quả nấu cho các con ăn rất tốt”, cô Nguyễn Thị Liêm cho biết.

Ðược phân công về công tác tại Cao Bằng ngay khi rời mái trường sư phạm, tới nay, thầy Nông Văn Long đã có hơn 10 năm giảng dạy tại điểm trường Sáng Xoáy thuộc Trường Mầm non A Thái Sơn (xã Thái Sơn). Theo thầy Long, tại thời điểm thành lập, cơ sở vật chất của trường không đủ cho việc tổ chức bán trú nên các em học sinh thường phải mang đồ ăn đi theo từ sáng sớm hoặc về nhà buổi trưa để ăn cơm, có khi bỏ học buổi chiều vì nhà xa. Nằm ở xóm xa nhất của xã Thái Sơn, vị trí địa lý không chỉ gây khó khăn cho việc trang bị cơ sở vật chất cho trường lớp, mà còn khiến nhiệt độ tại điểm trường Sáng Xoáy thường xuyên xuống thấp hơn tại các điểm trường khác. Thầy Long tâm sự: “Nhìn học sinh ăn thức ăn nguội lạnh, tôi cảm thấy bùi ngùi và thương các em".

Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm về trước. Niềm vui đã tới với thầy và trò tại điểm trường Sáng Xoáy khi các em học sinh nhận được sự bảo trợ về bữa ăn bán trú nhờ sự giúp đỡ của hàng trăm nhà hảo tâm từ mọi miền Tổ quốc. Thầy Long không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ về những thay đổi tích cực đối với bữa ăn của học trò, các em được ăn những bữa cơm với đầy đủ thịt, rau và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được chuẩn bị ngay tại trường. Ðây là động lực cho các con đến trường đầy đủ trong suốt năm học 2020-2021.

z3017875928098_daa6eec651cf5012f85865013b332434

7h30 hàng ngày, sau khi xác nhận số lượng các con ở lại ăn trưa, cô Sùng Thị Dậu (cán bộ nấu ăn tại điểm trường Nà Ó) bắt tay vào việc nấu nướng cho các con. Từ việc nhóm bếp, nấu cơm đến gọt rau củ, rửa rau, xay thịt, nấu nướng, mỗi công đoạn cô đều làm rất tỉ mỉ để mang đến bữa cơm đủ ấm nóng, dinh dưỡng và an toàn nhất cho hơn 20 em nhỏ đang học tập tại đây.

Ðiểm trường Nà Ó nằm cheo leo trên ngọn đồi cao, địa hình đồi núi trắc trở nên dù đã có hệ thống chứa nước sạch, nhưng thi thoảng điểm trường vẫn bị mất nước. Những lúc như vậy, cô Dậu phải lặn lội ngược lên nhà mình xách từng xô nước xuống để nấu ăn, rửa bát. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng cô vẫn luôn hoàn thành tốt công việc của mình. “Cô cảm thấy rất vui khi nhìn các cháu ăn bữa trưa bán trú do chính cô nấu. Các cháu ăn đến 2, 3 bát, rồi khen thức ăn ngon. Ðó chính là động lực khiến cô vui vẻ làm công việc này mỗi ngày”, cô Dậu chia sẻ.

“Cùng em khôn lớn” là một dự án lớn và dài hạn của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, được khởi động từ năm 2020 với mục đích bảo trợ bữa ăn bán trú và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh mầm non tại nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước. Bên cạnh những bữa ăn bán trú giàu dinh dưỡng kêu gọi được từ các nhà tài trợ, Quỹ đã lắp đặt hệ thống nước sạch tại điểm trường Khau Dề, Sáng Xoáy, Bản Là (Trường Mầm non Thái Sơn) và trang bị 1 tủ lạnh bảo quản thực phẩm tại điểm trường Nà Ó (Trường Mầm non Thạch Lâm).

Thảo Vân
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Những mùa cần thêm thương nhớ…

Những mùa cần thêm thương nhớ…

2 năm trước

Tết bao giờ cũng là dịp để những thương nhớ được bày biện ra. Cha mẹ nhìn vào con cái với ước mong con được trưởng thành hơn trong từng quyết định trên chặng đường năm mới. Con...
Nhớ câu vọng cổ ngày thơ ấu

Nhớ câu vọng cổ ngày thơ ấu

2 năm trước

Với tôi, nghe câu vọng cổ có lẽ không ở đâu hay hơn ven các triền sông của vùng sông nước quê ngoại…
Giăng suốt tuổi thơ

Giăng suốt tuổi thơ

2 năm trước

Tết, nhà nhà đụng lợn, rau cỏ ngoài ruộng sẵn rồi, đàn bà con gái đi chợ chỉ lo mua những món phụ trợ như là mật hay đường hoa mai để về làm bánh: bánh mật, bánh gai. và lục thúng bà,...