THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 06:38

Đại dịch Covid-19 và sự sống còn, phát triển của trẻ em

02/02/2022 | 06:20
Đại dịch Covid-19 thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đối với nhiều trẻ em, tác động này sẽ kéo dài đến suốt cuộc đời. Các chính sách giải quyết các vấn đề của trẻ em trong và sau Covid-19 đã và sẽ trở thành hợp phần không tách rời của giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu tặng quà cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: CTV

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu tặng quà cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: CTV

Covid-19 đe dọa sự sống còn, sức khỏe thể chất, tâm thần và dinh dưỡng của trẻ em

Nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, trẻ em đã bị nhiễm Covid-19 và tử vong. Trong đợt dịch bùng phát lần 4 nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, đến đầu tháng 1/2022, cả nước đã có 167.725 trẻ em là F0 và F1 (58.972 em F0, 108.753 em F1). Nhiều phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nguy kịch ảnh hưởng đến thai nhi (626 phụ nữ mang thai nhiễm Covid -19). Một số cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung (TP.HCM, Bình Dương) có trẻ em bị nhiễm Covid-19, nhiều trẻ em là F1. Ðây là những nơi tập trung nhiều trẻ em có sức khỏe yếu, khuyết tật, mắc bệnh nền, vì vậy sức khỏe, tính mạng của trẻ bị đe dọa.

Hệ thống y tế làm việc quá tải dẫn đến làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho trẻ em, trong đó có các đợt tiêm chủng mở rộng.

Nhiều trẻ em sống trong khu vực giãn cách xã hội tại các vùng dịch bùng phát mạnh, kéo dài như TP.HCM, một số cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ngoài công lập thiếu lương thực, thực phẩm; các nguồn cung cấp từ cộng đồng và từ các chương trình từ thiện cũng bị gián đoạn, đứt gãy.

Các biện pháp cách ly tại nhà và giãn cách xã hội để phòng chống dịch nhưng lại gây ra những căng thẳng tâm lý cho trẻ em và người chưa thành niên. Trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, hạn chế tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè. Hàng nghìn trẻ em phải đi cách ly tập trung không có cha mẹ đi cùng khiến các em bị cô lập, đối mặt với nguy cơ cao bị xâm hại cũng như những áp lực khác, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ. Trẻ em cũng cảm thấy bị cô lập, căng thẳng tâm lý, không được cha mẹ chăm sóc và giám sát đầy đủ, đặc biệt khi cha mẹ điều trị, đi cách ly tập trung hoặc phải đi làm theo phương án “ba tại chỗ” không thể về nhà. Những trẻ em mồ côi do cha, mẹ mất vì Covid-19 (3.417 em) chịu những tổn thất về tâm thần nặng nề nhất.

Covid-19 gây gián đoạn trong học tập và ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ em

Toàn thế giới có khoảng 463 triệu (1 phần 3 dân số trẻ em) không thể tiếp cận hình thức học trực tuyến do trường học bị đóng cửa. Hàng triệu trẻ em, phần lớn là trẻ em gái sẽ không bao giờ trở lại trường học sau Covid-19.

Tại Việt Nam, đại dịch khiến 21,2 triệu trẻ em không được đến trường. Hàng nghìn trẻ em phải điều trị hoặc cách ly tập trung cũng bị gián đoạn học tập. Việc học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi giáo viên chưa kịp trang bị kỹ năng dạy trực tuyến; Học sinh bậc tiểu học do hạn chế về sức khỏe thể chất và kỹ năng sử dụng công nghệ nên gặp nhiều khó khăn hơn khi phải tương tác học tập trực tuyến; Nhóm trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, trẻ em tại một số cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập và nhóm trẻ em khuyết tật bị gián đoạn học tập do thiếu các phương tiện học tập trực tuyến.

Các biện pháp phong tỏa và cách ly tại nhà để phòng Covid-19 có thể gây gia tăng nguy cơ trẻ phải chịu đựng các hình thức bạo lực và xâm hại. Bạo lực gây ra bởi cha mẹ và người chăm sóc là hình thức bạo lực phổ biến nhất mà trẻ em phải trải qua. Bạo lực gia đình ngày càng gia tăng khi các gia đình cách ly tại nhà và cảm thấy căng thẳng lo âu. Trẻ em cũng thường là người chứng kiến bạo lực gia đình, tỉ lệ này được cho là có chiều hướng gia tăng ở nhiều quốc gia. Theo số liệu của UNICEF toàn cầu, cứ 2 trong 3 trẻ phải hứng chịu bạo lực và xâm hại trong thời gian Covid-19 (73,4%) và tỉ lệ này ở nông thôn còn cao hơn ở thành thị (77,9% và 69%). Bạo lực tinh thần là một trong những hình thức bạo lực phổ biến chiếm tỉ lệ 2/3 (66,9%). Cứ 10 trẻ thì có một trẻ phải trải qua các trải nghiệm liên quan đến xâm hại tình dục dưới các hình thức khác nhau trên Internet trong thời gian Covid-19. Do tác động của đại dịch, 66% quốc gia cho biết có sự gián đoạn về cung cấp các dịch vụ phòng chống bạo lực trẻ em.

Tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, số vụ xâm hại trẻ em tăng 21,8%, trẻ em bị xâm hại tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó xâm hại tình dục 1.030 trẻ em (tăng 1,5%). Trong 8 tháng đầu năm 2021, trẻ em bị xâm hại được Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hỗ trợ, can thiệp cũng tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020, nhất là các trường hợp trẻ em bị bạo lực.

Do ảnh hưởng của đại dịch, vấn đề tảo hôn, bóc lột sức lao động cũng tăng lên ở nhiều quốc gia.

Trẻ em trong khu cách ly ở Vĩnh Phúc. Ảnh Trà Hương

Trẻ em trong khu cách ly ở Vĩnh Phúc. Ảnh Trà Hương

Chính sách phục hồi, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh Covid-19

Cùng với các giải pháp, chính sách phòng, chống dịch, Chính phủ Việt Nam đã tích cực và thành công trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, chính sách an sinh xã hội cho người dân, phụ nữ và trẻ em chưa từng có trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các chính sách xã hội này đã góp phần quan trọng vào duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội trong và sau đại dịch.

Các chính sách giải quyết các vấn đề của trẻ em trong và sau Covid-19 đã và sẽ trở thành hợp phần không tách rời của giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch, trong đó tập trung vào:

Một là: Chăm sóc, phục hồi sức khỏe thể chất và tâm thần cho trẻ em, đặc biệt tăng cường hỗ trợ tiếp cận dịch vụ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Hai là: Khắc phục những tác động do gián đoạn học tập và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng; kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến và học tại trường lớp; lồng ghép kiến thức, kỹ năng chăm sức khỏe thể chất, tinh thần, phòng chống xâm hại cho học sinh trong các môn học, giờ học.

Ba là: Phòng ngừa những đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của trẻ em do bạo lực, bóc lột và xâm hại gia tăng thông qua việc củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em theo hướng chuyên nghiệp và mở rộng mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em; tăng cường năng lực phòng ngừa xâm hại trẻ em cho gia đình, trẻ em và cộng đồng dân cư.

Bốn là: Lồng ghép việc hỗ trợ an sinh và sinh kế của gia đình có trẻ em có nguy cơ rơi vào nghèo đói trong các chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc lấy trẻ em làm trọng tâm.

Năm là: Hoàn thiện quy định pháp lý và các quy trình, tiêu chuẩn chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh (tình trạng khẩn cấp).

Đặng Hoa Nam/ Cục trưởng Cục Trẻ em
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
MC Chu Tấn Văn: Thèm hương vị Tết xưa và thích không khí sum vầy cùng bố mẹ

MC Chu Tấn Văn: Thèm hương vị Tết xưa và thích không khí sum vầy cùng bố mẹ

2 năm trước

Một năm xa nhà bận rộn với công việc, đến kỳ nghỉ Tết, MC Tấn Văn về quê sớm hơn vài ngày để đón Tết cùng ba mẹ. MC Tấn Văn cho biết sẽ dành trọn vẹn khoảng thời gian đón Tết...
Hồ Văn Cường ăn Tết ở quê nhà sau nhiều năm mải miết chạy show

Hồ Văn Cường ăn Tết ở quê nhà sau nhiều năm mải miết chạy show

2 năm trước

Danh ca Ngọc Sơn vừa cùng ca sĩ Dương Ngọc Thái và Hồ Văn Cường hoàn thành show diễn cuối cùng trong năm Tân Sửu tại Hà Nội để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Nhớ câu vọng cổ ngày thơ ấu

Nhớ câu vọng cổ ngày thơ ấu

2 năm trước

Với tôi, nghe câu vọng cổ có lẽ không ở đâu hay hơn ven các triền sông của vùng sông nước quê ngoại…